
Theo một khảo sát tiến hành vào tháng 01/2012, cứ 8 người Mỹ trưởng thành thì có 1 người hối hận vì đã xăm. Ngoài ra, nhiều người có hình xăm sẽ muốn làm mới hoặc chỉnh sửa hình xăm của họ.[1]
Theo báo cáo năm 2011 của American Society for Dermatologic Surgery (ASDS), các bác sĩ thực hiện gần 100,000 thủ thuật xóa xăm, nhiều hơn so với 86,000 ca năm 2010. Và, từ năm 2012 đến 2013, số lượng ca xóa xăm tăng 52%.[1]
Xóa xăm là một phương thức để loại bỏ hình xăm không mong muốn. Bệnh nhân xóa xăm được gây tê vùng và có thể ra về ngay sau đó. Kỹ thuật thường được sử dụng để xóa xăm bao gồm phẫu thuật laser, phẫu thuật cắt lọc và kỹ thuật mài mòn da[2]. Đa số bác sĩ thường sử dụng phương pháp laser[3].
Trước hết, bạn nên hẹn lịch tư vấn với một chuyên gia để họ có thể đánh giá hình xăm của bạn và cho bạn lời khuyên về quá trình xóa xăm. Số lần bạn cần điều trị phụ thuộc vào độ tuổi, kích thước và màu sắc hình xăm của bạn. Màu sắc da, cũng như mức độ ăn sâu của mực xăm vào da, cũng sẽ ảnh hưởng đến kỹ thuật xóa xăm.[4]
Phương pháp xóa xăm bằng laser
Với xóa xăm bằng laser, các xung năng lượng laser cường độ cao đi qua lớp biểu bì da và được màu của mực xăm hấp thụ chọn lọc. Tia laser phá vỡ màu mực xăm thành những phần tử nhỏ hơn, mà cơ thể có thể chuyển hóa hoặc bài tiết, hoặc vận chuyển đến và lưu trữ tại hạch lympho hoặc những mô khác [1].
Loại laser được sử dụng để xóa xăm tùy thuộc vào màu sắc của mực xăm. Bởi vì mỗi màu mực hấp thụ những bước sóng khác nhau, những hình xăm nhiều màu sắc cần phải sử dụng nhiều loại laser. Những màu sáng như xanh lá, đỏ và vàng là những màu khó xóa nhất, xanh dương và đen là những màu dễ xóa.[1]
Ngay sau khi xóa xăm, làn da dưới hình xăm có thể trắng hơn. Màu da bình thường sẽ trở lại sau một thời gian.[3]
Sau khi thực hiện thủ thuật xóa xăm, bạn có thể cảm thấy phù nề và xuất hiện bóng nước hoặc chảy máu. Kháng sinh dạng thoa sẽ giúp lành vết thương. Bạn có thể cần lặp lại quá xóa xăm để làm mờ hình xăm, và hình xăm có thể không xóa được hoàn toàn.[2]
Xóa xăm bằng phẫu thuật
Trong xóa xăm bằng phẫu thuật, bệnh nhân được gây tê vùng. Hình xăm được lấy đi bằng dao phẫu thuật. Sau phẫu thuật, sử dụng kháng sinh dạng thoa để giúp lành vết thương.
Xóa xăm bằng phẫu thuật thì hiệu quả nhưng nó để lại sẹo và thường chỉ sử dụng cho những hình xăm nhỏ.[2]
Xóa xăm bằng phương pháp mài mòn (Dermabrasion)
Trong xóa xăm mài mòn da, vùng da có hình xăm thường được làm lạnh đến khi mất cảm giác. Sau đó, vùng da xăm được mài mòn bằng một thiết bị quay tốc độ cao, thiết bị có bánh răng mài mòn hoặc bàn chải làm cho mực xăm thoát ra khỏi da.
Vùng da xóa xăm sẽ có cảm giác rát và thô nhám vài ngày sau thủ thuật. Sự phục hồi cần 2 đến 3 tuần. Vì những kết quả khó tiên lượng và ít hiệu quả hơn phương pháp laser hoặc kết hợp laser và phẫu thuật cắt lọc, phương pháp mài mòn da không là một lựa chọn phổ biến.[2]
Nguy cơ thường gặp khi xóa xăm
Xóa xăm thường để lại sẹo. Nhiễm trùng hoặc thay đổi màu sắc da cũng có thể xảy ra.[2]
Kết quả sau khi xóa xăm
Những hình xăm thường có nghĩa là vĩnh viễn và xóa xăm hoàn toàn là điều khó khăn. Cho dù dùng phương pháp xóa xăm nào thì thường vẫn sẽ để lại sẹo hoặc biến đổi màu sắc da.[2]
Lưu ý: KHÔNG sử dụng sản phẩm để tự xóa xăm tại nhà. Những sản phẩm này chứa axit và có thể gây những phản ứng có hại trên da. Tốt nhất là nên gặp bác sĩ, không phải nghệ sĩ vẽ xăm, để xóa hình xăm.[3]
Biên soạn:
DS.Phạm Trần Đan Thi
Nguyễn Thái Khang-SVY5- Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Infographic: Mai Thị Duyên – Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo:
1. Tattoo Removal: Options and Results, FDA, June 22, 2017, https://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm336842.htm(truy cập 18/01/2019)
2. Tattoo removal, drugs.com, May 17, 2018, https://www.drugs.com/mcp/tattoo-removal (truy cập 18/01/2019)
3. Before You Tattoo Slideshow: Tattoo Types, Safety, Removal, webmd, July 17, 2018, https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/ss/slideshow-before-you-tattoo (truy cập 18/01/2019)
4. Laser Tattoo Removal: What to Know, WebMd, October 24, 2016,
https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/laser-tattoo-removal#1 (truy cập 18/01/2019)