top of page
Search

XÉT NGHIỆM PAP

Updated: May 13, 2019

Xét nghiệm Pap hay xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung có tên đầy đủ là xét nghiệm Papanicolaou, được đặt theo tên nhà khoa học phát minh ra phương pháp này là George Papanicolaou (1883–1962) [1]. Đây là loại xét nghiệm duy nhất được sử dụng trên phần lớn dân số và đã được chứng minh giúp làm giảm số ca bệnh cũng như tỉ lệ tử vong bởi ung thư cổ tử cung. Các loại xét nghiệm khác như tầm soát HPV hay quan sát bằng mắt thường với dung dịch axit acetic, Lugol (VIA, VIL) cũng có vẻ hứa hẹn, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng so sánh về tính hiệu quả của các phương pháp này so với xét nghiệm Pap [2].


Vai trò của xét nghiệm Pap trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung [3][5][6]


Xét nghiệm Pap là xét nghiệm tế bào học, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu tế bào ở vùng cổ tử cung và đưa đi soi dưới kính hiển vi, từ đó phát hiện ung thư cổ tử cung hay các biến đổi tế bào có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap còn giúp phát hiện các tình trạng bệnh khác như viêm hay nhiễm trùng. Thông thường xét nghiệm Pap sẽ được tiến hành cùng lúc với khám phụ khoa và cũng có thể làm cùng lúc với xét nghiệm tầm soát HPV.


Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm nếu bệnh nhân đi làm xét nghiệm Pap định kỳ. Tại Mỹ, phác đồ làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung như sau:


  • Xét nghiệm ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ 21 tuổi. Phụ nữ dưới 21 tuổi không nên làm xét nghiệm mặc dù trước đó được khuyến cáo làm xét nghiệm Pap 3 năm sau khi bắt đầu quan hệ tình dục. Nguyên nhân là vì trẻ vị thành niên có nguy cơ ung thư cổ tử cung rất thấp và hầu như các bất thường của tế bào cổ tử cung sẽ tự biến mất.

  • 21-29 tuổi: nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm. Không nên làm xét nghiệm HPV trong nhóm tuổi này trừ khi có kết quả Pap bất thường.

  • 30-65 tuổi: nên làm xét nghiệm Pap kết hợp HPV mỗi 5 năm. Việc làm kết hợp 2 loại xét nghiệm này được đánh giá cao hơn, tuy nhiên bệnh nhân cũng có thể chỉ làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm.

  • Trên 65 tuổi có kết quả xét nghiệm cổ tử cung bình thường trong vòng 10 năm không cần phải xét nghiệm nữa.

  • Đối với những phụ nữ có tiền sử bị tổn thương tế bào biểu mô cổ tử cung nghiêm trọng (tiền ung thư) thì nên tiếp tục xét nghiệm ít nhất trong vòng 20 năm kể từ khi được chẩn đoán, thậm chí khi qua tuổi 65.

  • Phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung và cổ tử cung không vì ung thư cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư thì không cần xét nghiệm.

Phụ nữ đã tiêm vaccine HPV vẫn nên tiếp tục khám sàng lọc theo nhóm tuổi của mình.


Cách tiến hành xét nghiệm Pap [4]


Bệnh nhân sẽ nằm trên bàn và gác hai chân lên móng đỡ. Bác sĩ sẽ đặt ống mỏ vịt vào và mở nhẹ âm đạo, giúp nhìn thấy được bên trong âm đạo và cổ tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng que chuyên dụng cạo nhẹ một lớp tế bào ở cổ tử cung và gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.


Xét nghiệm Pap gần như không gây khó chịu cho hầu hết phụ nữ. Một vài trường hợp có thể gây khó chịu tương tự như co thắt khi hành kinh. Bệnh nhân có thể bị chảy máu một ít sau khi làm xét nghiệm.


Cách tiến hành xét nghiệm Pap
Cách tiến hành xét nghiệm Pap

Chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm [4]


Bệnh nhân cần nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng. Một số loại thuốc tránh thai chứa estrogen hoặc progestin có thể ảnh hưởng đến kết quả.


Ngoài ra, cần nói với bác sĩ nếu bệnh nhân đã từng có kết quả Pap bất thường hoặc nghi ngờ có thai.


Trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm, bệnh nhân không được:


  • Thụt rửa sâu trong âm đạo (ngay cả khi bình thường thì phụ nữ cũng không nên làm điều này)

  • Quan hệ tình dục

  • Dùng tampon

Tránh đặt hẹn xét nghiệm Pap khi đang hành kinh vì máu có thể làm giảm tính chính xác của xét nghiệm. Nếu chảy máu bất thường thì không nên hủy cuộc hẹn. Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra và quyết định xem có tiếp tục tiến hành làm xét nghiệm được không.


Đi tiểu trước khi làm xét nghiệm.


Kết quả xét nghiệm [4][7]


  • Bình thường: không phát hiện các tế bào bất thường nào trong mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên xét nghiệm Pap không chính xác 100%. Một tỉ lệ nhỏ các ca ung thư cổ tử cung có thể bị bỏ sót. Dù vậy trong hầu hết các trường hợp, ung thư cổ tử cung tiến triển rất chậm nên nếu bệnh nhân tiến hành xét nghiệm Pap theo lịch định kỳ thì vẫn có thể phát hiện bất thường và chữa trị kịp thời.

  • Bất thường: Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy gì đó không bình thường, bệnh nhân sẽ được liên hệ tư vấn bước tiếp theo. Có nhiều nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm không bình thường. Điều này không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn bị ung thư.Nếu phát hiện các tế bào bất thường có thể tiến triển thành ung thư, bác sĩ sẽ cho bạn biết nếu bạn cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị sẽ ngăn chặn được ung thư cổ tử cung tiến triển.


 

DS. Lê Võ Hoàng Yến

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Hình ảnh: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM


Tài liệu tham khảo

  1. George Papanicolaou (1883–1962): Discoverer of the Pap smear, Siang Yong Tan, MD, JD1 and Yvonne Tatsumura, Oct 2015, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4613936/

  2. Screening for cervical cancer, World health organization,  https://www.who.int/cancer/detection/cervical_cancer_screening/en/

  3. NCI dictionary of cancer term, Pap test, National cancel institute, https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/pap-test

  4. Pap test, Medline plus, 17 July 2017, https://medlineplus.gov/ency/article/003911.htm

  5. Cancer facts for women, American cancer society, 30 May 2018, https://www.cancer.org/healthy/find-cancer-early/womens-health/cancer-facts-for-women.html

  6. Pap and HPV testing, National cancer institue, 9 Sep 2014, https://www.cancer.gov/types/cervical/pap-hpv-testing-fact-sheet#q3

  7. Gynecologic cancers, what should I know about screening, CDC, 12 Sep 2018, https://www.cdc.gov/cancer/cervical/basic_info/screening.htm

35 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page