top of page
Search

Virus viêm não Nhật bản


Virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân chủ yếu gây viêm não tại châu Á. Viêm não có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm chủng. Hầu hết người nhiễm virus viêm não Nhật Bản ( viết tắt là virus JE) không có biểu hiện triệu chứng hay chỉ có biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, một tỉ lệ nhỏ số người nhiễm bệnh sẽ bị viêm não, bao gồm các triệu chứng như cơn đau đầu đột ngột, sốt cao, mất định hướng, hôn mê, run và co giật. Khoảng 1 phần 4 số ca sẽ tử vong.[1]


I. Sự lây truyền của virus viêm não Nhật Bản: 1

Virus JE, thuộc chủng flavivirus, có họ hàng với chủng virus viêm não Tây sông Nile và virus viêm não St. Luis. Virus JE lây truyền sang cho người qua vết cắn của giống muỗi Culex mang bệnh, nhất là giống muỗi Culex tritaeniorhynchus.

Virus tồn tại trong vòng tròn giữa muỗi và các vật chủ có xương sống, chủ yếu là lợn và các giống chim chân dài. Con người chỉ là ký chủ tình cờ và là ký chủ không lây nhiễm, vì virus JE trong máu người không đủ nồng độ (không đủ nhiều) để lây sang muỗi khi muỗi hút máu người. Virus JE lây truyền chủ yếu ở các vùng nông thôn, đặc biệt ở những nơi trồng lúa nước hay có hệ thống thủy lợi. Tại châu Á, virus có thể hoạt động ở một số vùng gần thành thị.

Ở những vùng khí hậu ôn đới tại châu Á, virus JE lây truyền bệnh theo mùa. Gây bệnh cho người nhiều nhất ở thời điểm mùa hè và mùa thu. Tại khu vực nhiệt đới hay cận nhiệt đới, virus gây bệnh quanh năm và thường đạt đỉnh điểm vào mùa mưa.


Phân bố vùng dịch tễ virus viêm não Nhật bản
Phân bố vùng dịch tễ virus viêm não Nhật bản

vòng đời của virus viêm não Nhật Bản
Vòng đời của virus viêm não Nhật Bản

II. Triệu chứng: 1

Ít hơn 1% số người bị nhiễm phải virus JE có biểu hiện lâm sàng của bệnh.

● Những người có biểu hiện triệu chứng, giai đoạn ủ bệnh( tính từ lúc virus xâm nhập đến lúc có biểu hiện triệu chứng) thường dao động từ 5-15 ngày.

● Triệu chứng khởi phát: sốt, đau đầu, nôn mửa.

● Trong vòng vài ngày sau khởi phát bệnh, xuất hiện thêm các triệu chứng: thay đổi trạng thái tâm thần, các triệu chứng về thần kinh, yếu nhược, rối loạn vận động.

● Co giật cũng thường gặp, nhất là ở trẻ em.


III. Điều trị: 1


Không có điều trị đặc hiệu cho cho những người mắc virus JE, nhưng tất cả người bệnh đều cần nhập viện để được hỗ trợ chăm sóc và theo dõi chặt chẽ.

Các phương pháp điều trị trị đều nhắm vào triệu chứng bệnh. Bao gồm: bổ sung dịch, giảm đau và một số thuốc hạ sốt; việc hạ sốt có thể giảm các triệu chứng khác của bệnh.


*Kết quả:

Đối với những đối tượng có biểu hiện của viêm não, khoảng 20-30% sẽ tử vong.

Sau giai đoạn cấp tính của bệnh, dù triệu chứng được cải thiện; có đến 30-50% số người khỏi bệnh sẽ có di chứng về thần kinh, nhận thức và tâm thần.


IV. Phòng ngừa: 1

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất để phòng việc nhiễm virus JE là ngăn chặn việc bị muỗi đốt. Muỗi có thể đốt bất kỳ thời điểm, ngày hay đêm. Có thể sử dụng thuốc xịt đuổi muỗi, mặc áo dài tay hay quần ống dài, phủ thuốc chống muỗi lên quần áo, và vaccine ngừa virus JE.


1. Phòng ngừa muỗi đốt:



1.1. Dùng thuốc xịt đuổi muỗi:

Một số lưu ý khi sử dụng đối với trẻ em:

● Luôn tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc xịt đối với trẻ em.

● Không dùng thuốc xịt đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi:

o Thay vì dùng thuốc xịt, nên mặc cho bé áo quần dài giúp che kín tay và chân.

o Dùng mùng ngăn muỗi cho xe đẩy em bé.

● Không dùng các thuốc xịt có chứa tinh dầu chanh tây hoặc chất para-menthane-diol (PMD) cho trẻ dưới 3 tuổi.

● Không phun thuốc xịt lên các vùng: tay, mắt, miệng, vết trầy xước hay vùng da nhạy cảm của bé.



1.2. Mặc áo quần dài tay.


2. Kiểm soát muỗi trong và ngoài nhà ở:

● Dùng cửa kính. Sửa các lỗ hổng trên cửa để ngăn muỗi vào nhà.

● Ngăn muỗi đẻ trứng vào các nguồn nước đọng:

o Cứ 1 tuần 1 lần: đổ sạch nước đọng, rửa, đậy kín hoặc cứ bỏ hết các vật dụng chứa nước

như vỏ xe, xô, chậu, đồ chơi, hồ bơi, hay túi rác,...

o Kiểm tra trong và ngoài khu vực nhà ở.


3. Tiêm vaccine dự phòng virus JE:

Vaccine ngừa JE được khuyến nghị cho những đối tượng có ý định đến định cư hay du lịch dài hạn (1 tháng hoặc hơn) tại vùng dịch tễ của virus JE, hay thường xuyên di chuyển đến các vùng đó.


Có thể không cần tiêm ngừa vaccine nếu như đích đến thuộc khu vực thành thị, thời gian lưu trú ngắn, hay du lịch đến những nơi không thuộc vùng dịch tễ virus JE.


V. Tiêm chủng dự phòng virus viêm não Nhật Bản tại Việt Nam: 2

Theo quyết định số 845/2010/QĐ-BYT ngày 17/03/2010 của Bộ Y tế, từ năm 2010, lịch tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Trong đó bao gồm vaccine viêm não Nhật Bản.



Từ 12 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm ngừa vaccine viêm não Nhật Bản:

● Vaccine viêm não Nhật Bản mũi 1

● Vaccine viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau mũi 1)

● Vaccine viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2)


 

Người dịch và biên soạn: Nguyễn Hiếu Nghĩa

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM


Nguồn:

1. Center of disease control and prevention; last reviewed: February 8, 2019; Japanese Encephalitis -

https://www.cdc.gov/japaneseencephalitis/index.html

2. Chương trình tiêm chủng mở rộng; lịch tiêm chủng thường xuyên -

http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/lich-tiem-chung-thuong-xuyen.html-

0?fbclid=IwAR3v7io3tc7ZTE1gLwT2fVPmRc66s59f6SGf6uNk-0mKFSMKQU89CBHFZqE

55 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page