top of page
Search

TÌM HIỂU VỀ VIÊM PHẾ QUẢN CẤP


Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp, gồm 2 loại:

  • Viêm phế quản cấp tính, hay viêm đường thở tạm thời: đây là dạng bệnh phổ biến, có ho và đàm nhầy, kéo dài một vài tuần đến 3 tuần. Viêm phế quản cấp tính có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi; bệnh phổ biến hơn vào mùa đông và thường phát triển sau cảm lạnh thông thường, đau họng hoặc cúm.

  • Viêm phế quản mãn tính: biểu hiện ho thường xuyên kéo dài 3 tháng trong năm và ít nhất 2 năm liên tiếp; viêm phế quản mãn tính là một trong một số bệnh về phổi, bao gồm khí phế thũng, được gọi chung là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn trên 40 tuổi. [1][2]

Bài viết này sẽ giúp bạn đọc giải đáp các câu hỏi liên quan đến bệnh viêm phế quản cấp tính.



1. Viêm phế quản cấp là gì?


Đó là bệnh lý nhiễm trùng đường dẫn khí, dẫn đến tình trạng sưng và viêm đường hô hấp dưới. Bệnh thường xảy ra do virus hoặc hít phải những tác nhân gây kích thích phổi như khói thuốc lá, khói, bụi và ô nhiễm không khí. Đôi khi vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính. Bệnh xuất hiện đột ngột, nhiễm trùng thường kéo dài trong 3-10 ngày, trong khi ho có thể tiếp tục trong vài tuần. Bệnh thường tiến triển tốt mà không cần dùng kháng sinh. [2]


2. Các triệu chứng của viêm phế quản cấp?


Triệu chứng chính của viêm phế quản cấp là ho khan, có thể tiết ra chất nhầy trong suốt, màu vàng hoặc xanh lục (đờm). Các triệu chứng khác tương tự như cảm lạnh thông thường hoặc viêm xoang, bao gồm:

  • Viêm họng

  • Đau đầu

  • Chảy nước mũi hoặc tắc mũi

  • Đau nhức người

  • Mệt mỏi

Trong viêm phế quản cấp, ho có thể kéo dài trong vài tuần sau khi các triệu chứng khác đã hết. Ho liên tục có thể làm cho đau tức ngực và đau cơ bụng.

Một số người có thể bị khó thở hoặc thở khò khè do đường thở bị viêm. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường gặp hơn trong viêm phế quản mãn tính. [1]


3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp tính có thể dễ dàng điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và bù nước bằng cách uống nhiều nước, đồ ăn lỏng...

Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ khi triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc bất thường - ví dụ:

  • Ho nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 3 tuần

  • Sốt liên tục từ 38oC trở lên trong hơn 3 ngày - đây có thể là dấu hiệu của bệnh cúm hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phổi

  • Ho ra chất nhầy dính máu

  • Bạn có bệnh lý tim hoặc phổi tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn, suy tim hoặc khí phế thũng

  • Bạn đang thở nhanh (hơn 30 nhịp/phút) hoặc bị đau ngực

  • Buồn ngủ hoặc lơ mơ

  • Các đợt viêm phế quản lặp đi lặp lại

Bác sĩ có thể cần loại trừ các bệnh nhiễm trùng phổi khác, như viêm phổi, có các triệu chứng tương tự như viêm phế quản. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm phổi, bạn sẽ được yêu cầu chụp X-quang ngực và lấy mẫu đàm để xét nghiệm.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có bệnh lý khác tiềm ẩn, họ có thể đề nghị bạn kiểm tra chức năng phổi. Bạn sẽ được yêu cầu hít một hơi thật sâu và thổi vào một thiết bị gọi là Phế dung kế, đo thể tích không khí trong phổi của bạn. Giảm dung lượng phổi là chỉ dấu cho một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn (ví dụ COPD). [1]


4. Nguyên tắc trong điều trị viêm phế quản


Trong hầu hết các trường hợp, viêm phế quản cấp sẽ tự hết trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Trong thời gian này, bạn nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi nhiều.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng viêm phế quản có thể kéo dài hơn. Nếu các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng, nó được gọi là "viêm phế quản mãn tính". Không có cách chữa viêm phế quản mãn tính, nhưng một số thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, chẳng hạn:

  • Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi

  • Tập thể dục vừa phải, thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh - thừa cân sẽ làm khó thở hơn

  • Tránh hút thuốc và môi trường nhiều khói bụi

Có một số loại thuốc để giảm các triệu chứng. Thuốc giãn phế quản có tác dụng làm giãn đường hô hấp và có thể được kê đơn dưới dạng thuốc hít hoặc thuốc viên. Các thuốc loãng đàm có tác dụng làm loãng chất đàm nhầy trong phổi giúp người bệnh ho dễ hơn. [1]


Điều trị tại nhà như thế nào?

Viêm phế quản cấp, bạn cần:

  • Nghỉ ngơi nhiều

  • Uống nhiều nước - điều này giúp ngăn ngừa mất nước và làm loãng chất nhầy trong phổi, giúp bạn dễ ho hơn

  • Dùng máy làm ẩm không khí/ xông hơi: tắm nước nóng là cách làm loãng đàm rất tốt

  • Điều trị đau đầu, sốt và đau nhức cơ bằng paracetamol hoặc ibuprofen - lưu ý ibuprofen không được khuyên dùng nếu bạn bị hen suyễn.

Có rất ít bằng chứng cho thấy thuốc giảm ho có tác dụng. Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (The Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency - MHRA) đã khuyến cáo các loại thuốc ho không kê đơn không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi chỉ nên sử dụng theo lời khuyên của bác sĩ hoặc dược sĩ .

Thay vào đó, các chuyên gia y tế khuyên người bệnh hãy sử dụng hỗn hợp mật ong và chanh, điều này giúp làm dịu cơn đau họng và giảm ho. [1][3]


Mật ong chanh có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Mật ong chanh có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe

Kháng sinh

Thuốc kháng sinh không thường được kê toa trong viêm phế quản vì bệnh chủ yếu do virus gây ra. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus và việc kê đơn không cần thiết làm gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Bác sĩ chỉ nên kê đơn thuốc kháng sinh nếu bệnh nhân có nguy cơ các biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi. Kháng sinh cũng có thể được khuyến cáo đối với:

  • Trẻ sinh non

  • Người cao tuổi trên 80 tuổi

  • Người có tiền sử bệnh tim, phổi, thận hoặc gan

  • Những người có suy giảm hệ thống miễn dịch, có thể là kết quả của một tình trạng bệnh lý hoặc tác dụng phụ của điều trị như thuốc corticoid

  • Người bị xơ nang

Thuốc kháng sinh điều trị viêm phế quản có thể là một liệu trình 5 ngày amoxicillin hoặc doxycycline. Tác dụng phụ của những loại thuốc này ít gặp, bao gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. [1]


Biến chứng của viêm phế quản

Viêm phổi là biến chứng phổ biến nhất của viêm phế quản. Nó xảy ra khi nhiễm trùng lan rộng hơn vào phổi, khiến các túi khí nhỏ bên trong phổi chứa đầy chất lỏng. Khoảng 1 trong 20 trường hợp viêm phế quản dẫn đến viêm phổi.

Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bao gồm:

  • Người cao tuổi

  • Người hút thuốc lá

  • Những người có các bệnh lý sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tim, gan hoặc thận

  • Những người có hệ miễn dịch yếu

Viêm phổi nhẹ có thể được điều trị bằng kháng sinh tại nhà. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể yêu cầu nhập viện. [1]


5. Biện pháp phòng ngừa viêm phế quản cấp?

Tránh các chất kích thích mũi, họng, phổi là quan trọng để ngăn ngừa viêm phế quản cấp. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Để giúp bảo vệ lá phổi của bạn, hãy đeo khẩu trang che miệng và mũi khi sử dụng các chất kích thích phổi như sơn, tẩy sơn hoặc vecni.

Các cách khác để giúp ngăn ngừa viêm phế quản cấp tính bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus và vi khuẩn.

  • Có chế độ ăn uống, tập thể dụng lành mạnh

  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

  • Nếu bị cúm, hãy nghỉ ngơi

  • Tiêm phòng cúm hàng năm.

  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm ngừa viêm phổi, đặc biệt là với người từ 60 tuổi trở lên. [2][4]


 

Người biên soạn: DS. Quản Thị Thùy Linh.

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Mai Thị Duyên - Anh ngữ Popodoo Lai Châu

Tài liệu tham khảo:

  1. Bronchitis, NHS, UK https://www.nhs.uk/conditions/bronchitis/

  2. Acute Bronchitis, Chest Foundation, American College of Chest Physicians https://foundation.chestnet.org/patient-education-resources/acute-bronchitis/

  3. What is Bronchitis, WebMD https://www.webmd.com/lung/understanding-bronchitis-basics#3

  4. How can I avoid getting bronchitis?, WebMD https://www.webmd.com/lung/qa/how-can-i-avoid-getting-bronchitis

81 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page