
Viêm gan siêu vi B là bệnh nhiễm trùng gan có khả năng đe dọa đến tính mạng gây ra bởi vi-rút viêm gan B. Đây là căn bệnh phổ biến toàn cầu, có thể dẫn đến nhiễm trùng mạn tính, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.
CHẨN ĐOÁN
Nếu chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng thì khó có thể phân biệt viêm gan B với viêm gan do các tác nhân vi-rút khác. Vì vậy, sử dụng các xét nghiệm để chẩn đoán là cần thiết. Một số xét nghiệm máu hiện nay đã góp phần vào việc chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B, phân biệt nhiễm trùng cấp và mạn tính.
Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B tập trung vào việc phát hiện kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B (HBsAg). Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo máu cần được xét nghiệm để xác định có mắc viêm gan B hay không trước khi truyền nhằm đảm bảo an toàn và tránh biến cố xảy ra đối với người nhận máu.
Viêm gan B cấp tính đặc trưng bởi sự hiện diện của HBsAg (kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B) và globulin miễn dịch M (IgM) đối với kháng nguyên lõi HBcAg. Trong suốt giai đoạn đầu của nhiễm trùng, xét nghiệm máu bệnh nhân thấy kết quả dương tính với kháng nguyên HBeAg. HBeAg thường là marker nhận biết khi vi-rút sinh sôi mạnh mẽ. Sự hiện diện của HBeAg chỉ ra rằng máu và dịch của bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao.
Viêm gan B mạn tính đặc trưng bởi sự hiện diện của HBsAg trong vòng ít nhất 6 tháng (có hoặc không có đồng thời HBeAg). Sự có mặt của HBsAg dai dẳng là dấu hiệu của nguy cơ bệnh có thể tiến triển thành mạn tính hoặc ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) sau này.
ĐIỀU TRỊ
Không có phác đồ điều trị đặc hiệu cho viêm gan B cấp tính. Việc chăm sóc nhằm mục đích đảm bảo cân bằng chất dinh dưỡng, cung cấp nước bị mất do nôn và tiêu chảy. Tránh sử dụng các thuốc khi không cần thiết như acetaminophen (paracetamol) và thuốc chống nôn.
Viêm gan B mạn tính có thể điều trị bằng thuốc, bao gồm thuốc kháng vi-rút đường uống. Điều trị có khả năng làm chậm tiến triển của xơ gan, giảm nguy cơ dẫn đến ung thư gan và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên chỉ khoảng 10 - 40% người bệnh mắc viêm gan B mạn tính (tùy vào tình trạng và điều kiện cá nhân) cần thiết phải điều trị.
WHO khuyến cáo sử dụng thuốc đường uống – tenofovir và entecavir ( 1 viên 1 ngày) có khả năng ức chế mạnh vi-rút viêm gan B, ít gây kháng thuốc, ít tác dụng phụ.
Entecavir, Tenofovir đã hết hạn bằng sáng chế. Vào năm 2017, các nước có thu nhập thấp và trung bình đã có thể sản xuất thuốc generic
Ở phần lớn bệnh nhân, điều trị không giúp chữa khỏi hoàn toàn viêm gan B mà chỉ ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút. Vì vậy, những người mắc viêm gan B phải điều trị suốt đời.
entecavir một cách hợp pháp, tuy nhiên giá cả rất khác nhau.
Trong những biến chứng lâu dài của viêm gan B, xơ gan và ung thư gan gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất. Ung thư gan tiến triển nhanh chóng, và vì các lựa chọn điều trị hạn chế nên kết quả thường không khả quan. Những người dân có thu nhập thấp bị ung thư gan thường tử vong trong vòng vài tháng sau khi được chẩn đoán. Ở những nước phát triển, người dân có thu nhập cao có khả năng chi trả cho phẫu thuật và hóa trị liệu có thể kéo dài cuộc sống khoảng vài năm. Ghép gan đôi khi được áp dụng với bệnh nhân xơ gan nhưng chi phí khá đắt đỏ, tỉ lệ thành công thì khác nhau.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Tài liệu tham khảo:
Hepatitis B, WHO, 18 July 2019
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b (truy cập 17/08/2019)