
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng lan truyền do vi-rút viêm gan B (HBV) tấn công tế bào gan gây ra bệnh cấp và mạn tính. Một số bệnh viêm gan siêu vi khác bao gồm viêm gan A, viêm gan C và viêm gan D. [1],[3]
· Viêm gan B cấp tính là một bệnh lý ngắn hạn diễn ra trong khoảng 6 tháng đầu sau khi tiếp xúc với virus viêm gan B. Nhiễm trùng cấp biểu hiện từ không hoặc ít triệu chứng đến những tình trạng nghiêm trọng yêu cầu bệnh nhân phải nhập viện. Một số người, đặc biệt ở người trưởng thành có khả năng đào thải vi-rút mà không cần đến điều trị, hệ miễn dịch trở nên đề kháng với vi-rút viêm gan B và không bị nhiễm vi-rút viêm gan B nữa. Nhiễm trùng cấp tính có thể nhưng không thường xuyên dẫn đến nhiễm trùng mạn tính
· Viêm gan B mạn tính là bệnh lý dài hạn, có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.[4]
Vi-rút lây truyền phổ biến từ mẹ sang con trong suốt quá trình mang thai và trong khi sinh thông qua máu và dịch cơ thể. Viêm gan B có thể phòng tránh bằng cách tiêm vắc-xin an toàn và hiệu quả. [1]
Lây truyền
Viêm gan B lan truyền khi tiếp xúc với máu, tinh dịch và dịch cơ thể của người bị bệnh. Một người có thể bị nhiễm vi-rút viêm gan B thông qua:
· Sinh nở (nếu người mẹ nhiễm vi-rút viêm gan B, con của họ cũng có thể bị nhiễm)
· Dùng chung bàn chải hay dao cạo râu với người bị nhiễm bệnh
· Tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở của người bị bệnh
· Quan hệ tình dục với người bị bệnh
· Dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy khác
· Phơi nhiễm với máu có chứa vi-rút từ kim tiêm hoặc đồ vật sắc nhọn khác.[2]
Ở những vùng có tỉ lệ lưu hành bệnh cao, viêm gan B thường lây lan từ mẹ sang con khi sinh (lây truyền chu sinh) hoặc lây nhiễm theo chiều ngang (tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh), đặc biệt là từ một đứa trẻ bị nhiễm bệnh sang một đứa trẻ không bị nhiễm bệnh trong 5 năm đầu đời. Trẻ sơ sinh bị nhiễm từ mẹ hoặc trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm bệnh có nguy cơ cao phát triển thành nhiễm trùng mạn tính[1]
Chỉ dưới 5% người trưởng thành nhiễm trùng cấp tính chuyển thành nhiễm trùng mạn tính, trong khi tỷ lệ này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lên đến 95% [1]
Vi-rút viêm gan B có thể sống sót bên ngoài cơ thể trong ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, vi-rút vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể của người chưa được tiêm vắc-xin. Thời gian ủ bệnh của vi-rút viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 180 ngày. Vi-rút được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể tồn tại và phát triển thành viêm gan B mạn tính. [1]
Triệu chứng
Viêm gan B cấp tính chỉ gây ra các triệu chứng thoáng qua. Sự xuất hiện của các dấu hiệu và triệu chứng thay đổi theo độ tuổi. Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn bị ức chế miễn dịch mới nhiễm bệnh thường không có triệu chứng, trong khi 30% đến 50% số người trên 5 tuổi có dấu hiệu và triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm HBV cấp tính có thể bao gồm: sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, đau khớp, vàng da. Các triệu chứng kéo dài trong vài tuần đến 6 tháng.
Ở một số người viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi, nhưng ở một nhóm khác, bệnh có thể phát triển nhiễm trùng gan mạn tính, lâu dần dẫn đến xơ gan (sẹo gan) hoặc ung thư gan. [1], [5]
Ai có nguy cơ nhiễm bệnh mạn tính?
Khả năng bệnh nhiễm trùng cấp tính trở thành mạn tính phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân, tỉ lệ này ở trẻ em dưới 6 tuổi là cao nhất.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ em:
80% đến 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong năm đầu đời
30% đến 50% trẻ em bị nhiễm trước 6 tuổi sẽ phát triển thành nhiễm trùng mạn tính.
Ở người trưởng thành:
• dưới 5% người khỏe mạnh bị nhiễm bệnh khi trưởng thành sẽ phát triển thành nhiễm trùng mạn tính.
• 20% đến 30% người trưởng thành mắc viêm gan B mạn tính sẽ dẫn tới các biến chứng như xơ gan hoặc ung thư gan. [1]
Đồng nhiềm HBV và HIV
Khoảng 1% số người nhiễm HBV (2,7 triệu người) cũng bị nhiễm HIV. Ngược lại, tỷ lệ nhiễm HBV trên toàn cầu ở người nhiễm HIV là 7,4%. Từ năm 2015, WHO đã khuyến cáo điều trị cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV, bất kể giai đoạn bệnh. Sử dụng Tenofovir trong các phối hợp điều trị được đề xuất là liệu pháp đầu tay cho điều trị HIV, cũng có hiệu quả chống lại HBV.
Tái kích hoạt HBV
Tái kích hoạt HBV là sự xuất hiện lại đột ngột hoặc tăng ADN HBV ở bệnh nhân nhiễm viêm gan B thể ngủ, đi kèm với sự bùng phát hoạt động của vi-rút, biểu hiện qua tăng men gan, triệu chứng có thể có hoặc không, hoặc cực kỳ nghiêm trọng dẫn đến tử vong .
HBV ở đối tượng nào có khả năng tái kích hoạt cao nhất?
Bệnh nhân thuộc các nhóm sau đây HBV có nguy cơ tái hoạt động cao nhất:
• Bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng hóa trị liệu
• Bệnh nhân đang dùng liệu pháp ức chế miễn dịch
o Rituximab và các loại thuốc khác nhắm vào tế bào lympho B (cảnh báo đóng hộp)
o Steroid liều cao
o Chất ức chế yếu tố TNF
• Bệnh nhân nhiễm HIV đã ngừng sử dụng thuốc kháng HBV
• Bệnh nhân được ghép tạng hoặc ghép tủy xương
• Bệnh nhân đồng nhiễm với HCV
HBV cũng có thể tự hoạt động trở lại. [5]
Biên soạn và chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo:
Hepatitis B, WHO, 18 July 2019
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b (truy cập 17/08/2019)
2. Hepatitis B Vaccine: What You Need to Know, CDC, 8/15/2019
https://www.cdc.gov/vaccines/hcp/vis/vis-statements/hep-b.html (truy cập 17/08/2019)
3. Hepatitis B, Medlineplus, 31 July 2019,
https://medlineplus.gov/ency/article/000279.htm (truy cập 17/08/2019)
4. Hepatitis B Questions and Answers for the Public, CDC,July 3, 2019
https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm (truy cập 17/08/2019)
5. Hepatitis B Questions and Answers for Health Professionals, CDC,May 16, 2019
https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/hbvfaq.htm#vaccFAQ (truy cập 17/08/2019)