
Viêm gan B là gì?
Viêm gan là tình trạng nhiễm trùng ở gan. Khi gan bị viêm hoặc tổn thương, chức năng gan bị ảnh hưởng. Các nguyên nhân gây viêm gan gồm sử dụng rượu bia quá mức, độc tố, một số loại thuốc,.. Tuy nhiên, Viêm gan thường do vi rút gây ra. [3]
Các vi rút gây Viêm gan chủ yếu là vi rút Viêm gan A, vi rút Viêm gan B, vi rút Viêm gan C. Mặc dù các loại vi rút này gây ra các triệu chứng viêm gan giống nhau nhưng lây truyền qua những cách khác nhau và ảnh hưởng đến gan khác nhau. Hiện đã có vắc xin phòng bệnh Viêm gan A và B nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh Viêm gan C. [3]
Viêm gan B hiện đang là vấn đề chính của Toàn cầu. Bệnh có thể gây Viêm gan mãn tính, nguy cơ tử vong cao do Xơ gan, Ung thư gan. [2]
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2018 uớc tính có khoảng 257 triệu người đang mắc bệnh Viêm gan B. Năm 2015, căn bệnh này đã khiến 887 000 người tử vong, nguyên nhân tử vong chủ yếu là do các biến chứng của bệnh như xơ gan, Ung thư biểu mô tế bào gan. [2]

Con đường lây truyền
[1],[2],[3]
Vi rút Viêm gan B có thể sống sót bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian đó, vi rút có thể gây bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể người không được bảo vệ bởi vắc xin. Giai đoạn ủ bệnh của Vi rút Viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có thể giao động từ 30 đến 180 ngày. Vi rút có thể được phát hiện trong khoảng từ 30-60 ngày sau khi nhiễm và có t
hể tồn tại và chuyển thành viêm gan B mạn tính.
Vi rút Viêm gan B lây truyền chủ yếu qua:
Từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ (lây truyền dọc)
Tiếp xúc với máu có vi rút Viêm gan B (lây truyền ngang)
Ngoài ra, vi rút Viêm gan B còn lây truyền qua:
Tiếp xúc qua da hoặc niêm mạc với máu và dịch cơ thể (nước bọt, dịch âm đạo, tinh dịch, kinh nguyệt) bị nhiễm vi rút.
Quan hệ tình dục với người mắc bệnh Viêm gan B, đặc biệt là quan hệ đồng tính nam, quan hệ với nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với gái mại dâm.
Sử dụng lại bơm kim tiêm ở người tiêm chích ma túy hoặc trong cơ sở y tế.
Lây truyền trong các thủ thuật y tế, nha khoa, ngoại khoa, xăm trổ, sử dụng chung dao cạo và các đồ dùng tương tự với người nhiễm vi rút.
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh
Phần lớn những người bệnh không có bất kỳ triệu chứng gì trong suốt giai đoạn viêm gan cấp. Tuy nhiên, một số trường hợp có các triệu chứng cấp tính kéo dài vài tuần, thường gặp là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng. Một số ít người viêm gan cấp có thể tiến triển suy gan cấp tính, có thể tử vong.
Ở một số trường hợp, vi rút Viêm gan B có thể cũng gây Viêm gan mãn tính sau tiến triển thành Xơ gan hoặc Ung thư gan.[2]

Những ai có nguy cơ mắc Viêm gan B mãn tính?
Nguy cơ mắc bệnh Viêm gan mãn tính tùy thuộc vào độ tuổi của người mắc nhiễm vi rút. Trẻ dưới 6 tuổi nhiễm vi rút Viêm gan B có nguy cơ cao mắc Viêm gan mãn tính.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
80%-90% trẻ sơ sinh nhiễm vi rút Viêm gan B trong năm đầu tiên của cuộc đời sẽ mắc bệnh Viêm gan mãn tính
30%-50% trẻ nhiễm vi rút trước 6 tuổi mắc Viêm gan mãn tính.
Đối với người trưởng thành:
Dưới 5% những người khỏe mạnh bị nhiễm vi rút khi trưởng thành sẽ mắc bệnh mãn tính
20%-30% người trưởng thành mắc Viêm gan mãn tính sẽ tiến triển Xơ gan và / hoặc Ung thư gan[2]

Chẩn đoán
Trên cơ sở lâm sàng, khó có thể phân biệt được Viêm gan B với Viêm gan do các vi rút khác gây ra, do vậy, xét nghiệm trong chẩn đoán là cần thiết. Có nhiều các xét nghiệm máu để chẩn đoán và theo dõi người mắc bệnh Viêm gan B. Các xét nghiệm này cũng được dùng để phân biệt giữa Viêm gan cấp tính và mãn tính.
Các xét nghiệm chẩn đoán Viêm gan B tập trung vào việc xác định kháng nguyên bề mặt Viêm gan B HBsAg. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả những người hiến máu đều phải được xét nghiệm Viêm gan B để đảm bảo máu an toàn và tránh lây truyền ngẫu nhiên cho người nhận máu.[2]
Điều trị
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Viêm gan B cấp tính. Vì vậy, chăm sóc nhằm mục đích giúp người bệnh dễ chịu và cân bằng dinh dưỡng đầy đủ, bao gồm bù dịch đã mất do nôn và ỉa chảy.
Bệnh Viêm gan B mãn tính có thể được điều trị với thuốc kháng vi rút đường uống. Điều trị này có thể làm chậm quá trình xơ gan, giảm tỉ lệ ung thư gan và cải thiện thời gian sống.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng các thuốc đường uống như tenofovir hoặc entecavir, vì đây là thuốc hiệu quả nhất để ức chế sự nhân lên của vi rút Viêm gan B, hiếm khi kháng thuốc, uống 1 viên 1 ngày và ít có tác dụng phụ.
Trong các biến chứng của bệnh viêm gan B, Xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan gây ra gánh nặng bệnh lớn nhất. Bệnh ung thư gan tiến triển nhanh, và các lựa chọn cho điều trị thì hạn chế. Ở các khu vực thu nhập thấp, phần lớn người bệnh ung thư gan tử vong trong vòng vài tháng sau khi chẩn đoán. Ở các quốc gia có thu nhập cao, phẫu thuật và hóa trị có thể kéo dài cuộc sống của người bệnh tới một vài năm, ghép gan đôi khi được áp dụng ở những bệnh nhân xơ gan.[2]
Phòng bệnh viêm gan B
Cách tốt nhất để phòng bệnh Viêm gan B là tiêm phòng vắc xin Viêm gan B. Tiêm đủ mũi vắc xin Viêm gan B có hiệu quả bảo vệ tới 95% ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người trẻ, kéo dài ít nhất 20 năm và có thể suốt đời. Vì vậy, WHO không khuyến cáo tiêm vắc xin tăng cường ở những người đã hoàn thành đủ 3 mũi vắc xin theo lịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả các trẻ sơ sinh tiêm vắc xin Viêm gan B ngay khi có thể sau khi sinh, tốt nhất trong vòng 24 giờ. Ngoài ra, các nhóm người có nguy cơ cao bị nhiễm Viêm gan B cần tiêm vắc xin Viêm gan B, gồm:
Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không được tiêm vắc xin Viêm gan B trước đây, sống ở các quốc gia có nền kinh tế thấp và trung bình.
Người thường xuyên truyền máu hoặc các sản phẩm của máu, chạy thận nhân tạo, nhận ghép tạng đặc.
Tù nhân
Người tiêm chích ma túy
Sống chung và quan hệ tình dục với người mắc Viêm gan B mãn tính
Người có nhiều bạn tình
Nhân viên y tế và người có thể có tiếp xúc với máu và các sản phẩm của máu trong công việc
Người đi du lịch nhưng chưa tiêm đủ các mũi vắc xin Viêm gan B theo lịch, nên tiêm vắc xin trước khi đến khu vực lưu hành bệnh.[2]
BS. Nguyễn Thùy Linh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Mai Thị Duyên – Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo
Preventing Hepatitis B, CDC, July 20, 2017, https://www.cdc.gov/globalhealth/immunization/othervpds/preventing_hepatitisb.html (truy cập 18 Jan 2019)
Key facts about Hepatitis B, CDC, 2018, https://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b, (truy cập 18 Jan 2019)
Hepatitis B Questions and Answers for the Public, CDC, 2018, https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm, (truy cập 17 Jan 2019)