
Ung thư vú [4][5]
Ung thư là bệnh lý khi mà các tế bào trong cơ thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Khi ung thư bắt đầu ở vú thì gọi là ung thư vú. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chụp nhũ ảnh là phương pháp sàng lọc ung thư vú duy nhất được chứng minh là có hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này khá tốn kém. Còn thăm khám, kiểm tra vú tại các cơ sở chuyên khoa thì đang được nghiên cứu thêm để đánh giá là hướng tiếp cận có chi phí thấp giúp sàng lọc ung thư vú, có thể có hiệu quả ở các nước nghèo.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú [4][7]
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc ung thư vú là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố chính là phụ nữ và lớn tuổi. Hầu hết các ung thư vú được phát hiện ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Một số phụ nữ bị ung thư vú ngay cả khi không phát hiện có yếu tố nguy cơ nào. Tuy nhiên, có một yếu tố cũng không có nghĩa là sẽ bị bệnh, và không phải tất cả các yếu tố đều có ảnh hưởng ngang nhau. Hầu hết các phụ nữ có một vài yếu tố nguy cơ nhưng hầu hết đều không bị ung thư vú. Nếu có các yếu tố nguy cơ dưới đây, bạn nên gặp bác sĩ để tìm cách làm giảm nguy cơ và tiến hành các kiểm tra sàng lọc ung thư.
Các nguy cơ không thể tránh được
Tuổi: nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi, hầu hết các ca được phát hiện sau 50 tuổi. Tuy nhiên ung thư vú cũng ảnh hưởng lên phụ nữ trẻ. Khoảng 11% trong tổng số ca ung thư vú tại Hoa Kỳ là ở phụ nữ dưới 45 tuổi
Đột biến gen: những phụ nữ bị di truyền các gen đột biến như BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ bị ung thư vú và buồng trứng cao hơn bình thường.
Có kinh sớm và mãn kinh muộn: có kinh trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi làm người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi hormone lâu hơn, gây tăng nguy cơ ung thư vú.
Ngực cứng: ngực cứng có các mô liên kết nhiều hơn mô mỡ, gây khó khăn cho việc phát hiện các khối u trên nhũ ảnh. Phụ nữ có ngực cứng thường dễ bị ung thư vú hơn.
Tiền sử ung thư vú hoặc các bệnh về vú: phụ nữ từng bị ung thư vú thường dễ bị ung thư vú lần hai. Một số loại bệnh về vú không phải ung thư cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tiền sử gia đình bị ung thư vú: Nguy cơ ung thư vú cao nếu có mẹ, chị hoặc con gái (quan hệ huyết thống trực tiếp) hay một số người thân trong gia đình cả bên bố hoặc mẹ bị ung thư vú. Nếu có quan hệ huyết thống trực tiếp với một người đàn ông bị ung thư vú thì cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở người phụ nữ đó.
Từng điều trị bằng tia xạ: phụ nữ đã từng xạ trị ở vùng ngực hay trên vú trước 30 tuổi có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn khi lớn tuổi
Nguy cơ có thể thay đổi
Không vận động. Phụ nữ lười vận động có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn
Bị thừa cân hoặc béo phì sau khi mãn kinh
Dùng hormone: một số liệu pháp hormone thay thế (bao gồm cả estrogen và progesteron) sử dụng khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú nếu dùng lâu hơn 5 năm. Một số loại thuốc tránh thai cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Có thai lần đầu sau 30 tuổi, không cho con bú và không có một thai kì đủ tháng cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Uống rượu bia
Các nghiên cứu cũng cho rằng một số yếu tố khác như hút thuốc, phơi nhiễm với hóa chất gây ung thư và các thay đổi hormone gây ra bởi làm việc ca đêm cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú [1][4]

Nhận biết được hình dáng và cảm nhận bình thường của vú là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe vú, đặc biệt ở phụ nữ trẻ có nguy cơ trung bình. Phát hiện sớm ung thư vú giúp việc điều trị thành công hơn. Tuy nhiên, việc tự kiểm tra này không thay thế được chụp nhũ ảnh định kỳ và các phương pháp kiểm tra sàng lọc khác. Các phương pháp sàng lọc có thể phát hiện được ung thư vú ở giai đoạn đầu, ngay cả khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện.
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư vú là có một khối u hay mô dày mới. Một vùng mô dày cứng, không đau và có viền ngoài bất thường có nhiều khả năng là ung thư. Tuy nhiên cũng có những loại ung thư vú có viền tròn, mềm và thậm chí gây đau. Do đó, cần được thăm khám bởi các chuyên gia các bệnh về ngực khi có bất kì khối u, mô dày hay bất thường nào của ngực.
Các triệu chứng khác của ung thư vú gồm có:
Sưng một phần hay cả bầu vú (thậm chí khi không cảm nhận được có khối u nào)
Ngứa da hay da sần sùi (đôi khi giống vỏ cam)
Đau vú hay núm vú
Tụt núm vú vào trong
Đỏ, bong tróc hay dày lên ở vùng da vú hay núm vú
Núm vú tiết dịch (ngoại trừ sữa mẹ)
Đôi khi ung thư vú có thể lan tới hạch bạch huyết ở dưới cánh tay hay xung quanh xương đòn gây sưng hay tạo khối u ở vị trí đó, thậm chí trước khi khối u gốc trong vú đủ to để cảm nhận được. Khi gặp vấn đề này nên đi khám bác sĩ.
Mặc dù các triệu chứng này có thể gây ra bởi các nguyên nhân khác ngoài ung thư, nhưng khi phát hiện thì nên báo ngay cho bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
Vì chụp nhũ ảnh không phát hiện được tất cả các loại ung thư vú nên việc nhận thức được bất kì thay đổi nào trên vú và các dấu hiệu ung thư vú là rất quan trọng.
Làm gì để giảm nguy cơ ung thư vú? [4]
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 4 giờ mỗi tuần)
Không uống rượu bia, hoặc giảm lượng đồ uống có cồn xuống không quá một lần mỗi ngày.
Tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư
Hạn chế phơi nhiễm với tia xạ khi tiến hành các xét nghiệm như chụp nhũ ảnh, X quang, chụp CT.
Nếu đang dùng hay được khuyên dùng liệu pháp hormon thay thế hoặc thuốc tránh thai, hãy hỏi bác sĩ về các nguy cơ có thể có.
Cho con bú, nếu có thể

DS. Lê Võ Hoàng Yến
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM
Infographic: Mai Thị Duyên – Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo
1.Breast Cancer Signs and Symptoms, American cancer society, 1 July 2017, https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/about/breast-cancer-signs-and-symptoms.html
4.American Cancer society releases new breast cancer guideline, American cancer society, 20 Oct 2015
5.Breast cancer: prevention and control, World Health Organization, http://www.who.int/cancer/detection/breastcancer/en/
7.What are the risk factors for breast cancer?, CDC, 11 Sep 2018, https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/risk_factors.htm