Như một cơn ác mộng, bệnh ung thư có thể tàn phá sức khỏe, tinh thần và gia sản của người bệnh. WHO đã xếp Ung thư vào top 10 nguyên nhân gây tử vong với 9,6 triệu ca tử vong toàn thế giới năm 2018. Tại Việt Nam, căn bệnh này ngày càng phổ biến và “chỉ dành cho người giàu” bởi vì chi phí chữa trị đắt đỏ.
1. Đầu tiên, bạn nên biết bệnh Ung thư là gì?
Dù được phát hiện từ thế kỷ 18 nhưng nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh cũng như định nghĩa cụ thể về ung thư vẫn chưa được các nhà khoa học xác định rõ ràng, nhưng về cơ bản thì Ung thư là một nhóm bệnh gồm khoảng 200 bệnh ác tính khác nhau do sự bất thường về tế bào.

Như chúng ta đã biết, cơ thể con người được cấu tạo từ hàng tỉ tỉ tế bào, mỗi tế bào đều được biệt hóa để đảm nhận một nhiệm vụ chuyên biệt. Khi các tế bào già đi hoặc có các khác thường thì cơ thể sẽ tiêu diệt chúng bằng quá trình chết theo chu trình – Apoptosis, nhằm loại bỏ các tế bào không cần thiết hoặc bất thường. Tuy vậy, đâu đó sẽ có những cá biệt nằm ngoài sự kiểm soát của cơ thể, những tế bào bất thường này thoát khỏi quá trình Apoptosis để tăng sinh và phát triển thành khối u
Lúc này có 2 khả năng xảy ra: nếu các tế bào bất thường này chỉ mọc tại 1 chỗ và không xâm lấn hoặc di căn qua các cơ quan, chúc mừng nhé, đây là một khối u lành tính. Thông thường u lành tính phát triển chậm, ít gây nguy hiểm và sẽ được trị khỏi hoàn toàn khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Ngược lại hoàn toàn là khối u ác tính, chúng nguy hiểm hơn rất nhiều vì khả năng phát triển nhanh chóng, xâm lấn và di căn nhiều cơ quan, gây độc cho cơ thể. Cũng có những trường hợp khối u ngủ đông nhiều năm rồi đột nhiên thức tỉnh và phát triển ồ ạt.
Ngoài ra, có nhiều bệnh ung thư không gây khối u như ung thư máu. Nói chung các bệnh ung thư này gây tử vong qua các nguyên nhân như:
Biến chứng cấp tính như xuất huyết ồ ạt, chèn ép lên não, ngạt thở,…
Rối loạn chức năng các cơ quan có khối u (suy giảm hoặc tăng cường quá mức), suy giảm chức năng của tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu,…
Tiến triển bệnh kéo dài làm bệnh nhân kiệt sức.
Bệnh Ung thư có thể phát sinh trên tất cả các cơ quan của cơ thể, dựa theo đó mà người ta gọi tên các bệnh riêng biệt như ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư phối, ung thư tử cung, ung thư xương, ung thư bạch cầu,….
2. Ung thư từ đâu mà đến?
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư mà chúng ta có thể kiểm soát được như:
THUỐC LÁ (chủ động hoặc thụ động)
RƯỢU BIA,
Vi khuẩn như: Helicobacter pylori – HP là nguyên nhân gây ung thư dạ dày hàng đầu.
Virus (như viêm gan B, viêm gan C), HPV lây qua đường sinh dục,..
Một số loại hóa chất gây ung thư: Aflatoxin, Dioxin, Nitrosamine, Formal aldehyde, Khí than đốt, Niken, Crom hóa trị 6,…
Các bệnh viêm mạn tính: phản ứng viêm kéo dài làm cơ thể tiết ra các chất gây viêm, đặc biệt là cytokine và ROS, gây tổn hại đến gene ức chế khối u.
Một số hormones như sử dụng liệu pháp hormone kết hợp có estrogen làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.
Tia UV (trong ánh sáng mặt trời) hoặc bức xạ: Tia UV trong ánh sáng mạnh nhất vào khoảng 10h – 16h, vì thế bạn nên sử dụng nón, kính râm và áo khoác tối màu ( hãy xem chỉ số chống tia UV – UPF trên áo). Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.
Thói quen sinh hoạt như ít vận động, thức khuya, ăn nhiều đồ nướng,….
Bên cạnh đó còn có các yếu tố không thay đổi được như tuổi và di truyền. Nếu trong gia đình có bố mẹ bị ung thư liên quan đến gene thì tỉ lệ con mắc bệnh tăng lên 50%. Và theo thống kê của NCI, 50% trường hợp phát hiện ung thư vào độ tuổi 65 -74. Tuy nhiên, 25% bệnh ung thư xương được phát hiện ở độ tuổi dưới 20 và 10% bệnh bạch cầu được phát hiện ở trẻ dưới 10 tuổi. Như đã nói, ung thư là một nhóm nhiều bệnh có nhiều điểm dịch tễ học khác nhau nhưng đều có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Nói chung, những yếu tố trên góp phần tăng tỉ lệ mắc ung thư nếu bạn không hạn chế tiếp xúc với chúng hoặc kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân bằng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống – luyện tập phù hợp.
3. Quá trình tiến triển tự nhiên của ung thư:
Tùy theo loại ung thư khác nhau có quá trình tiến triển riêng, nhưng nếu không được điều trị can thiệp thì bệnh đều diễn tiến theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn 0: Khi tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư trong một thời gian nhất định, chúng sẽ phá hủy cấu trúc DNA trong tế bào gây ra các đột biến gen. Các gen đột biến này tăng sinh theo sự nhân lên và phân chia tế bào tạo ra những tế bào ung thư.
Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư tăng sinh tạo ra khối u và chưa có xâm lấn các mô lân cận
Giai đoạn 2: Khối u lớn dần và các tế bào ung thư có thể bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết.
Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn và bắt đầu xâm lấn các mô lân cận. Các tế bào ung thư đã lan vào các hạch bạch huyết trong khu vực.
Giai đoạn 4 hay còn gọi là ung thư di căn: các tế bào ung thư theo hạch bạch huyết lan tỏa đi các cơ quan khác và hình thành khối u mới.

Bên cạnh đó, các bác sĩ còn dùng hệ thống TNM (tumor – khối u, node – hạch, metastastic – di căn) để xác định và theo dõi bệnh. T là độ lớn của khối u tăng dần theo số 1 – 4. N là mức độ xâm nhập vào hạch bạch huyết của tế bào ung thư ( từ 0 – 3). M0 – chưa có di căn hoặc M1 – có di căn.
Việc xác định các giai đoạn và mức độ phát triển của khối u giúp các bác sĩ lựa chọn liệu pháp điều trị thích hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
4. Điều trị ung thư như thế nào?
Hiện nay y học chưa tìm ra bất kỳ trị liệu đặc trị nào cho bệnh ung thư, tất cả những liệu pháp điều trị được sử dụng dựa trên các kinh nghiệm được đúc kết từ những bệnh nhân có cùng giai đoạn bệnh trước đó.
Ở các giai đoạn bệnh chưa di căn, bác sĩ có thể lựa chọn các biện pháp trị liệu tại chỗ bao gồm:
Xạ trị: sử dụng các loại tia, thường là tia X, để diệt khối u.
Phẫu thuật cắt bỏ có tỉ lệ thành công cao với các khối u giai đoạn 1 (ngoại trừ các khối u nằm ở vị trí không thể phẫu thuật như nằm sát với động mạch hoặc tĩnh mạch).
Đối với các bệnh ung thư có thể đã di căn hoặc ung thư máu và ung thư lympho, chúng ta có các biện pháp trị liệu toàn thân như: hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch, laser, phương pháp tế bào gốc và cấy ghép tủy (cho ung thư máu, ung thư lympho,…),…. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuât, liệu pháp gene được cho là bước tiến và hy vọng mới trong điều trị ung thư, tuy nhiên nó vẫn đang còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Nhìn chung, những biện pháp trị liệu ung thư đều có nhiều tác dụng phụ đáng kể, điển hình như nôn ói, táo bón, thay đổi trên da và móng tay, rụng tóc, giảm tế bào máu và miễn dịch,…. Cùng với đó, sự đè nén lên các cơ quan của khối u gây ra các cơn đau nhức dai dẳng và khó chịu cho bênh nhân. Những bệnh nhân vào các giai đoạn gần cuối thường phải dùng những thuốc giảm đau mạnh như Morphine để làm dịu đi các cơn đau này.
5. Các biện pháp phòng ngừa ung thư:
Ung thư là một sợ hãi đối với nhân loại, tuy chưa có thuốc đặc trị và phòng ngừa nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu và đề xuất các biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư như:
Tập thể dục thường xuyên: việc vận động giúp cho cơ thể bạn tăng cường sức đề kháng và miễn dịch, đồng thời giữ được cân nặng lý tưởng hạn chế các bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường.
Ăn uống lành mạnh, điều độ: hạn chế các thức uống có cồn và món nướng, ăn nhiều các loại rau xanh, thực phẩm dinh dưỡng giúp bổ sung các vitamin cũng như các chất chống oxy hóa cũng làm giảm sự hủy hoại gene trong tế bào.
Không hút thuốc lá và tránh xa người hút thuốc lá: các nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các ca tử vong do ung thư ở Mỹ và gây nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
Bảo vệ môi trường: sự ô nhiễm của môi trường cũng góp phần gia tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ như vụ kiện PG&E đã làm chấn động nước Mỹ về việc ô nhiễm công nghiệp biến Hinkley thành thị trấn ma vì tỉ lệ chết do nhiễm Crom hóa trị 6.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư: Tia UV được xem là nguyên nhân chủ yếu gây nên ung thư da, vì vậy cần hạn chế tiếp xúc trời nắng gắt bằng các đồ bảo hộ và kem chống nắng thích hợp. Trong công việc có tiếp xúc hóa chất, bạn nên thực hiện đúng các công tác bảo hộ trong lao động được quy định.

Ngoài ra, bạn nên lưu ý các triệu chứng bất thường trên cơ thể và tham khảo ý kiến các nhân viên y tế cũng là điều cần thiết. Việc thực hiện việc tầm soát ung thư và kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý, tăng tỉ lệ thành công trong việc điều trị và giảm các hậu quả do chúng mang lại.
Biên soạn: DS. Lê Minh Ngọc Anh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Bài viết được tham khảo từ các nguồn:
Bộ Y tế, Bệnh viện K, 1999. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, NXB Y học, trang 15 – 37.
UICC, 1995. Ung thư học lâm sàng. Trang 225 – 317.
Viện ung thư quốc gia (NCI) https://www.cancer.gov/about-cancer
Tổ chức nghiên cứu Ung thư của Anh (Cancer research UK)