Triệt sản, đặt vòng và thuốc cấy tránh thai là những biện pháp tránh thai (BPTT) hiệu quả nhất với tỉ lệ mang thai ít hơn 1%. Triệt sản có thể áp dụng trên cả nam và nữ, gần như là vĩnh viễn, không hồi phục lại chức năng sinh sản. Trong khi đó, đặt vòng và thuốc cấy tránh thai nằm trong nhóm BPTT hiệu quả lâu dài và có khả năng hồi phục. Cần lưu ý các BPTT này không giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
Triệt sản nam [1][2][3]

Triệt sản nam bằng phương pháp cắt và thắt ống dẫn tinh là BPTT vĩnh viễn dành cho nam giới, được tiến hành qua một thủ thuật ngoại khoa đơn giản và an toàn. Đây là biện pháp thực hiện một lần có tác dụng tránh thai suốt đời, hiệu quả tránh thai rất cao (trên 99,5 %). Triệt sản nam không có ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt tình dục. BPTT này áp dụng cho nam giới không bao giờ muốn có con hoặc đã có đủ số con mong muốn vì gần như là không thể hồi phục. Đôi khi có thể thực hiện phẫu thuật hồi phục lại chức năng sinh sản nhưng càng để lâu thì tỉ lệ thành công càng thấp, và dạng phẫu thuật này cũng phức tạp và có thể không hiệu quả.
- Cách thực hiện:
Phẫu thuật làm gián đoạn ống dẫn tinh dẫn đến không có tinh trùng trong mỗi lần xuất tinh
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ đi bác sĩ để kiểm tra tinh dịch đồ và để chắc chắn không còn tinh trùng trong tinh dịch, quá trình này mất khoảng 12 tuần. Trong suốt thời gian này nên sử dụng BPTT khác.
- Một số nguy cơ:
Đau
Chảy máu
Nhiễm trùng
- Tỉ lệ thành công của phẫu thuật phục hồi chức năng sinh sản sau khi cắt ống dẫn tinh phụ thuộc vào các yếu tố:
Tiến hành cắt và thắt ống dẫn tinh lâu chưa
Cơ thể đã tạo kháng thể kháng lại tinh trùng chưa
Phương pháp thực hiện cắt và thắt ống dẫn tinh
Độ dài và vị trí của phần ống dẫn tinh được thắt hoặc cắt trên ống dẫn tinh
Triệt sản nữ [1][3][4][5][8]

- Triệt sản nữ bằng phương pháp thắt và cắt vòi tử cung là một phẫu thuật làm gián đoạn vòi tử cung, không cho tinh trùng gặp noãn để thực hiện thụ tinh. Triệt sản nữ là biện pháp tránh thai vĩnh viễn, hiệu quả tránh thai rất cao (trên 99%) và không ảnh hưởng đến sức khỏe, quan hệ tình dục.
- BPTT này áp dụng cho phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ đã có đủ số con mong muốn, các con khỏe mạnh, tự nguyện dùng một BPTT vĩnh viễn, không hồi phục và phụ nữ bị các bệnh có chống chỉ định có thai. Đôi khi có thể thực hiện phẫu thuật hồi phục lại chức năng sinh sản nhưng có thể sẽ không hiệu quả.
- BPTT này được thực hiện ở bởi các nhân viên y tế ở phòng khám hoặc bệnh viện, bệnh nhân sẽ được gây tê hoặc gây mê. BPTT này có hiệu quả ngay lập tức.
- Cách thực hiện:
Đường mổ nhỏ: dưới 5cm, ngang hoặc dọc. Chống chỉ định đường mở bụng nhỏ trong trường hợp có sẹo mổ cũ hay ở người quá béo.
Đường mổ lớn: khi thực hiện các phẫu thuật khác (như sinh mổ, u nang buồng trứng) kết hợp triệt sản
- Một số nguy cơ:
Đau
Chảy máu
Nhiễm trùng hoặc các biến chứng sau mổ

* Tại Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đưa ra hướng dẫn triệt sản nữ bằng phương pháp mổ. Tuy nhiên trên thế giới còn có cách triệt sản thông qua đường âm đạo (tên thị trường là Essure, sản xuất bởi Bayer). Bệnh nhân sẽ được đặt một ống kim loại nhỏ hình lò xo vào vòi trứng bằng một ống dẫn đặt biệt thông qua đường âm đạo. Ống kim loại này sẽ gây sẹo xung quanh làm tắt vòi trứng, ngăn chăn tinh trùng gặp trứng. BPTT này cũng là vĩnh viễn. Tuy nhiên hãng dược phẩm Bayer đã rút sản phẩm này khỏi thị trường Mỹ vào cuối năm 2018 vì các vấn đề liên quan đến kinh doanh. [8]
Đặt vòng [1][3][6]
Đặt vòng hay còn gọi là dụng cụ tránh thai trong tử cung (DCTC) là một BPTT tạm thời và hiệu quả. Hiện có 2 loại: DCTC chứa đồng (TCu-380A và MLCu-375) , và DCTC giải phóng levonorgestrel.
DCTC chứa đồng

- Là dụng cụ nhỏ hình chữ T được làm từ một thân plastic với các vòng đồng hoặc dây đồng được bác sĩ đặt vào tử cung. Tỉ lệ mang thai là 0,8%.
- Cách hoạt động:
Ngăn tinh trùng bơi đến trứng, ngăn thụ tinh và có thể ngăn ngừa trứng bám vào thành tử cung.
Không ngăn chặn buồng trứng tạo trứng mỗi tháng
Có thể sử dụng tới 10 năm
Sau khi tháo có thể có thai được.
- Tác dụng phụ
Co thắt
Kinh nguyệt nhiều và kéo dài hơn hoặc ra máu giữa chu kì.
- Các nguy cơ ít phổ biến
Bệnh viêm nhiễm vùng chậu
Mang thai ngoài tử cung
Vòng trái thai bị đẩy ra ngoài hoặc đâm thủng thành tử cung
DCTC giải phóng levonorgestrel

Là một dụng cụ có thân chữ T làm bằng polyethylen, chứa 52 mg levonorgestrel (một dạng progestin), giải phóng một lượng nhỏ hoạt chất mỗi ngày (20 μg). BPTT này được thực hiện bởi bác sĩ và có thể cần thuốc tê. Tỉ lệ mang thai là 0,1-0,4%.
- Cách hoạt động
Có thể làm đặc dịch nhầy cổ tử cung, làm cho tinh trùng khó di chuyển đến trứng, đồng thời cũng làm mỏng thành tử cung.
DCTC này có thể sử dụng từ 3-5 năm tùy loại.
Sau khi tháo thì vẫn có khả năng mang thai.
- Tác dụng phụ:
Chảy máu bất thường
Vô kinh
Đau vùng bụng/chậu
- Các nguy cơ ít phổ biến:
Viêm nhiễm vùng chậu
Nhiễm trùng nặng
Thai ngoài tử cung
Thủng tử cung
DCTC bị đẩy ra ngoài
Nang buồng trứng
Thuốc cấy tránh thai [1][3][7]
Thuốc cấy tránh thai là một nang nhỏ, kích thước khoảng bằng que diêm có chứa hormone progestin, được đặt vào dưới da, thường ở mặt trong cánh tay không thuận. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và nhân viên y tế sẽ sử dụng loại kim đặc biệt để đưa thuốc vào dưới da. Hiện nay thuốc cấy tránh thai có hai loại:

1. Norplant: gồm 6 nang mềm, vỏ bằng chất dẻo sinh học, mỗi nang chứa 36mg levonorgestrel, tác dụng kéo dài 5 năm (hoặc đến 7 năm với những phụ nữ có trọng lượng dưới 70 kg tại thời điểm đặt và trong quá trình sử dụng). Loaị thuốc cấy này không còn được sử dụng tại Hoa Kỳ.
2. Implanon: chỉ có một nang, chứa 68 mg etonogestrel, có tác dụng 3 năm. Tỉ lệ mang thai là 0,01%.
- Cách hoạt động:
Ngăn rụng trứng
Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, cản trở tinh trùng gặp trứng.
- Tác dụng phụ:
Rối loạn kinh nguyệt, thay đổi kiểu ra máu.
Tăng cân
Đau đầu
Mụn
Căng ngực
- Một số nguy cơ ít phổ biến:
Biến chứng khi đặt và tháo thuốc cấy bao gồm đau, chảy máu, sẹo, nhiễm trùng hoặc thuốc cấy di chuyển tới nơi khác trên cơ thể
Thai ngoài tử cung
Nang buồng trứng
Hiếm gặp: máu đông, đau tim hoặc đột quỵ
Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo
Birth control, FDA, March 06, 2018, https://www.fda.gov/ForConsumers/ByAudience/ForWomen/FreePublications/ucm313215.htm#ShortActingHormonalMethods
Triệt sản nam bằng phương pháp thắt và cắt ống dẫn tinh, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, 2009, http://mch.moh.gov.vn/bai-viet/ke-hoach-hoa-gia-dinh/TRIET-SAN-NAM-BANG-PHUONG-PHAP-THAT--VA-CAT-ONG-DAN-TINH-867.html
Contraception - Birth control methods, CDC, Dec 3 2018, https://www.cdc.gov/reproductivehealth/contraception/index.htm#Birth-Control-Methods
Triệt sản nữ bằng phương pháp thắt và cắt vòi tử cung phần 1, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, 2009, http://mch.moh.gov.vn/bai-viet/ke-hoach-hoa-gia-dinh/TRIET-SAN-NU-BANG-PHUONG-PHAP-THAT--VA-CAT-VOI-TU-CUNG-(1)-868.html
Triệt sản nữ bằng phương pháp thắt và cắt vòi tử cung phần 2, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, 2009, http://mch.moh.gov.vn/bai-viet/ke-hoach-hoa-gia-dinh/TRIET-SAN-NU-BANG-PHUONG-PHAP-THAT--VA-CAT-VOI-TU-CUNG-(2)-869.html
Dụng cụ tránh thai trong tử cung, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, 2009, http://mch.moh.gov.vn/bai-viet/ke-hoach-hoa-gia-dinh/DUNG-CU-TRANH-THAI-TRONG-TU-CUNG--621.html
Thuốc cấy tránh thai phần 1, Vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, 2009, http://mch.moh.gov.vn/bai-viet/ke-hoach-hoa-gia-dinh/THUOC-CAY-TRANH-THAI-(1)-865.html
Essure benefits and risks, FDA, Dec 20 2018, https://www.fda.gov/medicaldevices/productsandmedicalprocedures/implantsandprosthetics/essurepermanentbirthcontrol/ucm452250.html