
Ước tính mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ em sinh non ( trước khi hết 37 tuần của thai kì), và con số này đang tiếp tục tăng.
Biến chứng sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết ở trẻ em dưới 5 tuổi, và là nguyên nhân của xấp xỉ 1 triệu trường hợp tử vong vào năm 2015 [1]. Trẻ sinh càng thiếu tháng càng có nguy cơ mắc phải biến chứng sinh non.[3]
Sinh non
Sinh non là việc sinh nở diễn ra trước khi đứa trẻ được 37 tuần tuổi của thai kì. Phân loại sinh non dựa vào tuổi thai:
- sinh cực non ( < 28 tuần)
- sinh rất non ( 28 đến 32 tuần)
- sinh non trung bình đến muộn (hết tuần 32 đến 36 của thai kì)
Hầu hết trẻ sinh thiếu tháng nằm trong thời kì sinh non muộn. Sinh mổ không nên lên kế hoạch trước khi kết thúc tuần 39 trừ khi có chỉ định của bác sĩ.[1],[3]
Một đứa trẻ trong suốt thai kỳ trải qua các giai đoạn phát triển quan trọng ở những tháng và tuần cuối. Não, phổi và gan cần những tuần cuối của thai kì để hoàn thiện đầy đủ. Trẻ sinh quá sớm ( đặc biệt trước tuần 32) có nguy cơ tử vong và khuyết tật cao hơn. Năm 2015, trẻ sinh thiếu tháng và trẻ sơ sinh nhẹ cân chiếm khoảng 17% tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Những trẻ em nếu sống sót có thể mắc phải các vấn đề về hô hấp, ăn uống, bại não, chậm phát triển, nghe, nhìn khó khăn.
Sinh non cũng có thể gây ra tổn thương về tình cảm và gánh nặng kinh tế cho gia đình. [2]
Yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân cụ thể của việc sinh non chưa được xác đinh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non bao gồm:[3]
Đã sinh non trước đây
Sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn
Khoảng cách giữa các lần mang thai nhỏ hơn 6 tháng
Thụ tinh trong ống nghiệm
Các vấn đề về tử cung, cổ tử cung và nhau thai
Hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc cấm
Mắc bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nước ối và đường sinh dục dưới
Mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường
Thiếu hoặc thừa cân trước khi mang thai
Chịu nhiều áp lực ví dụ như sự ra đi của người thân hay bạo lực gia đình
Sảy thai hoặc phá thai nhiều lần
Chấn thương trên cơ thể hoặc tinh thần.
Giải pháp
Hơn 3/4 trẻ sinh thiếu tháng có thể được cứu bằng những biện pháp chăm sóc khả thi và tiết kiệm chi phí ví dụ như chăm sóc cần thiết trong quá trình sinh nở và thời kì hậu sản cho cả mẹ và bé, tiêm steroid trước sinh ( áp dụng đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non và không đủ các tiêu chuẩn để tăng cường chức năng phổi của em bé), phương pháp Kangaroo ( em bé được ôm bởi mẹ, tiếp xúc da kề da và cho bú thường xuyên) và kháng sinh để điều trị nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh.
Ngăn ngừa tử vong và biến chứng do sinh non bắt đầu từ việc mang thai khỏe mạnh. Chất lượng chăm sóc trước, giữa và suốt thai kỳ sẽ đảm bảo mọi phụ nữ có kinh nghiệm mang thai tích cực. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra hướng dẫn chăm sóc tiền sản bao gồm các can thiệp chính để ngăn ngừa sinh thiếu tháng, ví dụ tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tối ưu, việc sử dụng thuốc lá và chất gây nghiện, khám thai bằng việc siêu âm để xác định tuổi thai và đa thai, và liên hệ với ít nhất 8 chuyên gia sức khỏe trong suốt thời gian mang thai để kiểm soát những yếu tố nguy cơ, ví dụ nhiễm trùng. Sử dụng biện pháp tránh thai và tăng cường thể trạng cũng làm giảm nguy cơ dẫn đến sinh non. [1]
Điều trị bằng thuốc
Thuốc có thể được sử dụng cho em bé để thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường của phổi, tim và hệ tuần hoàn. Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của em bé, thuốc có thể bao gồm:[3]
- Surfactant để điều trị triệu chứng suy hô hấp
- Khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch để tăng cường nhịp tim và nhịp thở
- Kháng sinh nếu có nhiễm trùng hoặc nguy cơ nhiễm trùng
- Thuốc lợi tiểu để kiểm soát chất lỏng dư thừa
- Tiêm thuốc vào mắt để dừng sự phát triển của mạch máu gây ra bệnh võng mạc do sinh non
- Thuốc để đóng ống động mạch trong trường hợp dị tật tim hay được biết đến với tên gọi còn mở ống động mạch.
Chăm sóc đặc biệt
Em bé sinh thiếu tháng cần được ở trong viện lâu hơn với sự chăm sóc đặc biệt từ y tá. Tùy thuộc vào mức độ cần được chăm sóc, em bé có thể được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) . Bác sĩ và đội ngũ giàu kinh nghiệm luôn túc trực để chăm sóc cho em bé.[3]
Xuất viện
Em bé có thể xuất viện khi :
- Thở không cần hỗ trợ
- Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định
- Có thể bú mẹ hoặc bú bình
- Tăng cân đều
- Không bị nhiễm trùng [3]
Biên soạn:
DS. Phạm Trần Đan Thi
Đỗ Khánh Linh-SV Dược-ĐHYD Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1.Preterm birth,WHO,19 February 2018
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/preterm-birth (truy cập 4/4/2019)
2.Preterm Birth,CDC,April 24, 2018,
https://www.cdc.gov/reproductivehealth/maternalinfanthealth/pretermbirth.htm(truy cập 4/4/2019)
3.Premature birth,drug.com,Dec 21, 2017,
https://www.drugs.com/mcd/premature-birth(truy cập 4/4/2019)