Biện pháp tránh thai truyền thống (tự nhiên) là những biện pháp tránh thai (BPTT) không cần dùng dụng cụ, thuốc hay thủ thuật nào để ngăn cản thụ tinh. Đây là những BPTT tạm thời và ít hiệu quả.
Các BPTT truyền thống không nên khuyến cáo cho khách hàng sẽ có nguy cơ cao khi mang
thai. Khách hàng có nhiễm HIV hay bạn tình có nhiễm HIV cần cân nhắc khi sử dụng BPTT
truyền thống vì BPTT này không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và
HIV/AIDS. [1]
BPTT truyền thống bao gồm biện pháp nhận biết thời điểm dễ thụ thai và biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo.

1. Biện pháp nhận biết thời điểm dễ thụ thai [3]
Đây là biện pháp dựa trên việc hiểu và nhận ra được thời điểm dễ mang thai nhất trong suốt
chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ. Nếu tránh thai dựa trên biện pháp này thì cần tránh
quan hệ tình dục hoặc dùng BPTT bằng rào cản như bao cao su trong giai đoạn dễ thụ thai.
Nếu muốn có thai thì nên quan hệ vào thời điểm này, tốt nhất là mỗi ngày hoặc cách ngày.
Để hiểu rõ về BPTT này thì trước hết phải hiểu chu kì kinh nguyệt là gì và khi nào là có thai.
Chu kì kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên bắt đầu hành kinh (ngày 1) của một chu kì cho đến ngày đầu tiên hành kinh của chu kì kế tiếp. Chu kì kinh nguyệt trung bình kéo dài khoảng 28 ngày. Ở chu kì kinh nguyệt bình thường, buồng trứng sẽ giải phóng một trứng, thường gọi là sự rụng trứng. Đối với chu kì trung bình 28 ngày thì trứng thường rụng vào khoảng 14 ngày trước ngày bắt đầu của chu kì kế tiếp. Số ngày tính từ lúc rụng trứng cho đến ngày đầu tiên của chu kì kế tiếp gần như là cố định nhất trong suốt chu kì kinh nguyệt. Sau khi trứng rụng nó sẽ trôi xuống vòi trứng để đến tử cung.
Sau khi rụng, trứng có thể sống trong vòi trứng khoảng 24 tiếng. Tinh trùng có thể sống sót trong cơ thể người phụ nữ khoảng 3 ngày (đôi khi tới 5 ngày) sau khi quan hệ tình dục. Bạn có thể mang thai nếu có quan hệ trong vòng 5 ngày trước khi rụng trứng và 1 ngày sau khi rụng trứng. Khả năng mang thai là cao nhất khi có tinh trùng sống có mặt ở vòi trứng khi sự rụng trứng xảy ra.
Mức độ hiệu quả [3]
Khi dùng biện pháp này để tránh thai, nếu áp dụng một cách tuyệt đối (đúng và đều trong
suốt chu kì kinh nguyệt) thì có ít hơn 1-5 trường hợp trên 100 phụ nữ sẽ có thai trong năm
đầu tiên. Còn nếu áp dụng như thông thường (thỉnh thoảng sai hoặc không đều) thì tỉ lệ này tăng lên, khoảng 12-24 trường hợp trên 100 phụ nữ sẽ mang thai trong năm đầu tiên áp dụng.
BPTT dựa trên việc nhận biết thời điểm dễ thụ thai bao gồm 2 dạng:
● Dựa trên triệu chứng: bao gồm các phương pháp dựa trên việc quan sát các dấu hiệu
rụng trứng (như dịch tiết cổ tử cung hay nhiệt độ cơ thể) chẳng hạn như phương pháp
dịch nhầy cổ tử cung, phương pháp 2 ngày, phương pháp kết hợp. [2]
● Dựa trên lịch: bao gồm các phương pháp dựa trên việc tính ngày chẳng hạn như
phương pháp ngày chuẩn và phương pháp nhịp thời gian. [2]
Nhận biết thời điểm dễ thụ thai dựa trên triệu chứng [3]
Phương pháp quan sát dịch nhầy cổ tử cung
Phương pháp này dựa trên việc nhận ra được những thay đổi của dịch nhầy tiết ra bởi cổ tử cung qua hình dạng và cảm giác. Ngay trước khi trứng rụng, lượng dịch nhầy tăng lên đáng kể, trở nên loãng và trơn hơn. Ngay sau khi trứng rụng, lượng dịch nhầy giảm, trở nên đặc và khó nhận ra hơn. Để tránh thai, không nên quan hệ tình dục hoặc nên dùng BPTT rào cản như bao cao su bắt đầu từ lúc thấy dịch nhầy. Để có thai thì nên quan hệ mỗi ngày hay cách ngày khi thấy dịch loãng trơn xuất hiện.
Khi sử dụng các biện pháp dựa trên quan sát dịch nhầy cổ tử cung thì cần lưu ý là những thay đổi về vấn đề sức khỏe hay sinh hoạt hằng ngày đều có thể làm khó nhận ra dấu hiệu rụng trứng.
Thuốc, các sản phẩm phụ khoa, sụt rửa, quan hệ tình dục, cho con bú hay khám phụ khoa dùng chất bôi trơn đều có thể làm thay đổi đặc điểm dịch nhầy cổ tử cung.
Phương pháp hai ngày
Phương pháp hai ngày là biến thể của phương pháp quan sát dịch nhầy cổ tử cung. Ở phương pháp này, bạn sẽ kiểm tra dịch nhầy cổ tử cung ít nhất 2 lần mỗi ngày rồi tự hỏi mình 2 câu hỏi sau:
1. Hôm nay có thấy dịch tiết gì không?
2. Hôm qua có thấy dịch tiết gì không?
Nếu nhận thấy dịch nhầy hôm nay hoặc hôm qua thì khả năng cao là đang thời kì dễ thụ thai. Để ngừa thai thì cần tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng BPTT rào cản như bao cao su. Để đậu thai, nên quan hệ mỗi ngày hoặc cách ngày khi phát hiện dịch nhầy. Nếu không phát hiện dịch nhầy hôm nay hoặc hôm qua (2 ngày liên tiếp khô ráo) thì khả năng mang thai là khá thấp.
Phương pháp đo nhiệt độ cơ thể khi nghỉ ngơi
Đây là phương pháp đo nhiệt độ cơ thể khi đang nghỉ ngơi hoàn toàn. Ở một số phụ nữ, nhiệt độ bình thường của cơ thể hơi tăng lên trong giai đoạn rụng trứng (0,3-0,5°C) và duy trì nhiệt độ cao cho đến cuối chu kì kinh nguyệt. Thời điểm dế thụ thai nhất là 2-3 ngày trước khi nhiệt độ cơ thể tăng. Để theo dõi thân nhiệt khi nghỉ ngơi, đo nhiệt độ mỗi buổi sang sau khi thức dậy, trước khi làm bất cứ việc gì như ra khỏi giường hay ăn uống gì đó. Lưu lại nhiệt độ cơ thể hằng ngày.
Nếu chỉ đo thân nhiệt khi nghỉ ngơi thì không phải là cách tốt để ngăn ngừa hay để thụ thai. Bởi vì nhiệt độ chỉ tăng lên khi rụng trứng đã xảy ra chứ không phải là sắp xảy ra. Ngoài ra cần phải nhớ là nếu đang bị sốt chẳng hạn đang bị cảm hoặc bị bệnh gì đó thì phương pháp đo thân nhiệt cũng không đáng tin cậy.
Phương pháp kết hợp
Đây là phương pháp kết hợp giữa nhiều phương pháp, phổ biến nhất là đo thân nhiệt khi nghỉ ngơi và quan sát dịch nhầy cổ tử cung. Phương pháp Marquette kết hợp đo thân nhiệt với theo dõi dịch nhầy cổ tử cung đồng thời sử dụng dụng cụ điện tử theo dõi thời kì dễ thụ thai dựa trên hormone . Dụng cụ này phát hiện các hormone trong nước tiểu để biết chắc chắn giai đoạn dễ thụ thai, được bán online hoặc tại các nhà thuốc. Những phương pháp hoặc dấu hiệu khác có thể sử dụng như phương pháp ngày chuẩn nhằm kiểm tra chắc chắn khoảng bắt đầu và kết thúc của giai đoạn dễ thụ thai.
Nhận biết thời điểm dễ thụ thai dựa trên lịch
Phương pháp ngày chuẩn [3]
Phương pháp này dựa trên việc tuân theo quy luật chuẩn quy định ngày nào trong chu kì kinh nguyệt là dễ thụ thai nhất. Nếu chu kì kinh nguyệt của bạn trong khoảng 26 đến 32 ngày thì theo phương pháp này ngày thứ 8-19 là những ngày dễ thụ thai nhất. Để ngừa thai thì nên tránh quan hệ tình dục hoặc dùng BPTT rào cản trong những ngày này. Để có thai thì nên quan hệ giữa ngày 8 và ngày 19, hàng ngày hoặc cách ngày. Phương pháp này có hiệu quả nhất nếu bạn có kinh đều đặn và chu kì duy trì trong khoảng 26 đến 32 ngày.
Phương pháp nhịp thời gian [4]
Cách tiến hành:
● Lưu lại độ dài của 6-12 chu kì kinh nguyệt, bắt đầu từ khi có kinh cho đến ngày đầu tiên
của chu kì kinh kế tiếp.
● Xác định chu kì kinh ngắn nhất. Trừ 18 trên tổng số ngày kinh ngắn nhất. Đây là con số
thể hiện ngày đầu tiên của giai đoạn dễ thụ thai trong chu kì. Ví dụ nếu chu kì kinh ngắn
nhất của bạn là 26 ngày, trừ 18 thì còn 8. Trong ví dụ này, ngày đầu tiên của chu kì kinh
là ngày đầu tiên có kinh và ngày thứ 8 của chu kì là ngày đầu tiên của giai đoạn dễ thụ
thai.
● Xác định chu kì kinh dài nhất. Trừ 11 trên tổng số ngày kinh dài nhất. Con số này thể
hiện ngày cuối cùng của giai đoạn dễ thụ thai. Ví dụ nếu chu kì kinh dài nhất của bạn là
32 ngày, trừ 11 thì còn 21. Trong ví dụ này, ngày đầu tiên của chu kì kinh là ngày đầu
tiên có kinh và ngày thứ 21 là ngày cuối cùng của giai đoạn dễ thụ thai.
● Quan hệ tình dục cẩn thận trong giai đoạn dễ thụ thai. Nếu muốn tránh thai thì tránh quan hệ tình dục không an toàn trong những ngày dễ thụ thai mỗi tháng. Ngược lại nếu muốn có thai thì quan hệ đều đặn trong suốt giai đoạn này.
● Cập nhật tính toán mỗi tháng. Tiếp tục lưu lại độ dài của mỗi chu kì kinh nguyệt hàng
tháng để đảm bảo xác định đúng giai đoạn dễ thụ thai.
Cần lưu ý rằng có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khoảng thời gian chính xác xảy ra rụng trứng, bao gồm thuốc, stress hoặc đang bị bệnh. Sử dụng phương pháp nhịp thời gian để dự đoán trứng rụng có thể không chính xác, đặc biệt nếu bạn có chu kì kinh nguyệt không đều.
Lợi ích của BPTT dựa trên nhận biết thời điểm dễ thụ thai [3]
Ít tốn kém. Nhiều phụ nữ thích BPTT này vì không cần phải dùng thuốc hay dụng cụ y tế nào.
Bất lợi của BPTT dựa trên nhận biết thời điểm dễ thụ thai [3]
Không giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, bao gồm HIV. BPTT này cũng đòi hỏi sự hợp tác từ người tình.
Có phải ai cũng dùng BPTT này được? [1][3]
Một số trường hợp sau đây có thể sẽ gặp khó khăn khi dùng BPTT này để ngừa thai:
● Gần tới thời kì mãn kinh
● Mới bắt đầu có kinh
● Mới vừa ngừng thuốc tránh thai hoặc đang dùng những loại thuốc khác có thể gây ảnh
hưởng lên các dấu hiệu rụng trứng, những loại thuốc có thể làm chậm phóng noãn, ví dụ
như thuốc an thần (trừ benzodiazepin), thuốc chống trầm cảm, sử dụng kháng sinh kéo
dài hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid kéo dài [1].
● Vừa mới có em bé (nên từ từ dùng một số loại BPTT dựa trên nhận biết thời điểm thụ
thai cho đến khi kinh nguyệt trở lại bình thường)
Nếu bạn nằm trong số các trường hợp trên thì cần phải tìm hiểu kĩ thông tin để áp dụng cho
đúng.
Những phụ nữ không nên dùng BPTT này [3]
Những BPTT này nên được sử dụng một cách thận trọng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
● Không thể tránh quan hệ hoặc dùng BPTT rào cản trong thời kì dễ thụ thai
● Được khuyến cáo không nên mang thai vì vấn đề sức khỏe
● Bị chảy máu giữa chu kì kinh gây khó phân biệt với chu kì kinh bình thường hoặc gây
khó khăn trong việc kiểm tra dịch nhầy cổ tử cung.
2. BPTT bằng cách xuất tinh ngoài âm đạo [1]
Đây là BPTT ít hiệu quả, không thích hợp cho những khách hàng xuất tinh sớm hoặc không nhận biết được thời điểm xuất tinh.
Cách thực hiện:
- Khi cảm thấy sắp xuất tinh thì rút dương vật ra, phóng tinh ở ngoài âm đạo.
- Không để tinh dịch rỉ ra khi dương vật còn trong âm đạo và không để tinh dịch đã phóng
ra ngoài rơi trở lại âm đạo.
***Ngoài các BPTT truyền thống kể trên còn có BPTT không cần dùng thuốc/dụng cụ hỗ trợ
khác là BPTT cho bú vô kinh. BPTT này áp dụng cho phụ nữ cho con bú hoàn toàn, chưa có
kinh trở lại và con dưới 6 tháng tuổi [1].
Qui trình thực hiện [1]
- Cho bé bú sau sinh càng sớm càng tốt.
- Cho bú đúng cách
- Cho bé bú bất kỳ lúc nào bé đói, kể cả ngày và đêm. Cho bú 8-10 lần/ngày, ban ngày không được cách quá 4 giờ, ban đêm không cách quá 6 giờ giữa 2 lần bú.
- Cần duy trì cho bú mẹ ngay cả khi mẹ hoặc bé ốm.
- Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ không ăn uống thêm một thứ gì khác.
Khi nào cần chuyển BPTT khác? [1]
Cần chuyển ngay sang một BPTT hiệu quả khác nếu có một trong những dấu hiệu sau:
- Có kinh trở lại (không tính ra máu trong 6 tuần đầu sau sinh).
- Mẹ không cho bú hoàn toàn hoặc bé đã được cho ăn/uống bổ sung.
- Trẻ hơn 6 tháng tuổi.
- Không muốn áp dụng biện pháp cho bú vô kinh.
Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo
1. Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trang 313-315,325-326,
Bộ Y tế, 2016, http://www.gopfp.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=0ce9fe8a-
fbb0-43c0-99c6-e9d811d10ca3&groupId=18
2. Classifications for Fertility Awareness–Based Methods, CDC, Feb 1 2017,
https://www.cdc.gov/reproductivehealth/contraception/mmwr/mec/appendixf.html
3. Fertility Awareness-Based Methods of Family Planning, The American college of
Obstetricians and Gynecologists, Jan 2019,
https://www.acog.org/Patients/FAQs/Fertility-Awareness-Based-Methods-of-Family-
Planning?IsMobileSet=false
4. Rhythm method for natural family planning, Mayo clinic, Jan 6 2018,
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/rhythm-method/about/pac-20390918