top of page
Search

TRẦM CẢM TRƯỚC VÀ SAU KHI SINH


Việc mang thai và có con có thể gây ra hàng loạt cảm xúc. Thực tế, nhiều người phụ nữ đã cảm thấy choáng ngợp, buồn bã, hoặc lo âu ở những thời điểm khác nhau trong suốt thai kỳ hoặc thậm chí sau khi em bé được sinh ra. Đối với nhiều người, những cảm giác này sẽ tự hết. Tuy nhiên ở một số phụ nữ, cảm xúc đó trầm trọng hơn và có thể tồn tại trong một khoảng thời gian [1].


Trên thế giới có khoảng 10% phụ nữ mang thai và 13% phụ nữ vừa sanh con trải qua rối loạn tâm lý, chủ yếu là trầm cảm. Ở những nước đang phát triển, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn, ví dụ, 15,6% suốt kì mang thai và 19,8% sau khi sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng của người mẹ có thể trầm trọng tới mức nghĩ tới tự tử. Hơn nữa, những người mẹ chịu ảnh hưởng không thể thực hiện tốt vai trò của mình, từ đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của những đứa trẻ [2].

Trầm cảm trong và sau thai kỳ là phổ biến và có thể điều trị [3].


Triệu chứng [3][4][5][8]

Dấu hiệu của trầm cảm sau thai kỳ bao gồm:

  • Buồn bã hầu như cả ngày

  • Khóc nhiều

  • Ăn quá nhiều hoặc quá ít

  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít

  • Sống xa lánh gia đình, bạn bè

  • Không cảm thấy kết nối với con

  • Khó hoàn thành công việc hàng ngày, kể cả chăm sóc con

  • Cảm thấy tội lỗi

  • Sợ trở thành người mẹ không tốt

  • Cực kì sợ hãi với việc tổn hại đến chính bản thân hoặc con

Một trong những dấu hiệu trầm trọng nhất của trầm cảm sau sinh là có suy nghĩ hoặc cố thử làm tổn thương chính mình hoặc con mình. Nếu bạn có nỗi sợ hay có ý nghĩ này thì cần tìm sự giúp đỡ ngay lập tức.


Triệu chứng của trầm cảm ở mỗi người không giống nhau. Một vài người có thể có ít triệu chứng, người khác thì lại có nhiều. Triệu chứng xảy ra bao lâu một lần, kéo dài như thế nào, cảm thấy trầm trọng ra sao cũng có thể khác nhau tùy người. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng lên cuộc sống hàng ngày của bạn, và mối quan hệ của bạn với con, gia đình và bạn bè. Bởi vì sự trầm trọng của những triệu chứng này, nên trầm cảm sau sinh hầu như cần phải được chữa trị.


Nếu bạn nghĩ bạn bị trầm cảm, hãy nói với bác sĩ càng sớm càng tốt để được chữa trị kịp thời.

Đừng tự mình chống chọi trầm cảm hay mong nó sẽ hết. Nếu không can thiệp, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

Người bố cũng có thể bị trầm cảm sau khi có con. Nếu rơi vào tình huống này thì cũng cần tìm sự giúp đỡ ngay.


Phát hiện dấu hiệu trầm cảm ở người khác [5]


Tình trạng trầm cảm sau sinh có thể phát triển từ từ và khó nhận ra. Vài người có thể né tránh nói chuyện với gia đình và bạn bè về cảm xúc của mình bởi vì họ lo lắng mình sẽ bị đánh giá là không biết cách xoay sở hoặc không thấy hạnh phúc.


Gia đình, bạn bè và vợ/chồng cần để ý những dấu hiệu sau ở những ông bố bà mẹ trẻ:

  • Thường khóc khi không có lí do rõ ràng

  • Khó khăn trong việc kết nối với con, chăm sóc chúng chỉ như là nghĩa vụ phải làm và không muốn chơi với con

  • Xa lánh mọi người

  • Nói những điều tiêu cực cả ngày và than phiền họ tuyệt vọng

  • Không chăm sóc bản thân, như không tắm rửa, thay quần áo

  • Mất tất cả cảm quan về thời gian, như là không nhận biết được10 phút hay là 2 giờ trôi qua

  • Mất đi tính hài hước

  • Liên tục lo lắng con mình bị bất thường gì đó mặc dù đã được bảo đảm là không có.

Nếu bạn nghĩ rằng người quen của mình bị trầm cảm thì nên khuyến khích họ kể ra cảm xúc của mình với bạn, gia đình bạn bè hoặc bác sĩ


Nguyên nhân gì dẫn tới trầm cảm sau sinh? [4][8]


  • Trầm cảm sau sinh không có một lý do cụ thể mà dường như là kết quả từ sụ kết hợp của các yếu tố thể chất và cảm xúc. Trầm cảm sau sinh không xảy ra bởi vì người mẹ làm hay không làm điều gì đó.

  • Sau khi sinh, nồng độ của các loại hormone (estrogen và progesterone) trong cơ thể người phụ nữ giảm xuống nhanh chóng. Điều này dẫn tới những thay đổi hóa học trong não làm khơi ngòi cho việc lên xuống cảm xúc. Hơn nữa, nhiều người mẹ không có được sự nghỉ ngơi cần thiết để hồi phục sau sinh. Mất ngủ kéo dài có thể dẫn tới mệt mỏi và kiệt sức, góp phần làm nên những triệu chứng của trầm cảm sau sinh.


Những yếu tố nguy cơ gây trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Tiền sử trầm cảm

  • Thiếu hỗ trợ từ gia đình

  • Đa thai (sinh đôi, ba hoặc nhiều hơn)

  • Mẹ tuổi teen

  • Có con có vấn đề về sức khỏe

Trầm cảm sau sinh và tình trạng “baby blues” (rối loạn tâm lý sau sinh) khác nhau như thế nào? [5][8]


“Baby blues” là cụm từ được sử dụng để mô tỏa cảm giác lo lắng, không vui, và mệt mỏi mà nhiều phụ nữ trải qua sau khi sinh con. Em bé cần phải được chăm sóc nhiều, vì vậy việc người mẹ lo lắng, mệt mỏi khi chăm sóc trẻ là điều bình thường. Tình trạng baby blues bao gồm những cảm xúc nhẹ, ảnh hưởng đến 80% bà mẹ, kéo dài một hay hai tuần, và tự hết.

“Baby blues” kéo dài không quá 2 tuần sau khi sinh em bé. Nếu triệu chứng tồn tại lâu hơn hoặc khởi phát sau đó, bạn có thể bị trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh có thể bắt đầu ở bất cứ thời điểm nào trong năm đầu tiên sau khi sinh, nhưng thường bắt đầu vào khoảng giữa một tuần và một tháng sau sinh. Nhiều bà mẹ không nhận ra họ bị trầm cảm sau sinh bởi vì bệnh có thể tiến triển từ từ.


Trầm cảm sau sinh được điều trị như thế nào? [7][8]


Có nhiều hướng điều trị trầm cảm sau sinh hiệu quả. Với cách điều trị thích hợp và được sự hỗ trợ, hầu hết các bà mẹ sẽ hồi phục hoàn toàn, mặc dù có thể tốn khá nhiều thời gian.

Có 3 phương pháp điều trị chính là:

  • Tự mình điều trị

  • Tâm lý trị liệu

  • Thuốc

Nhân viên y tế có thể giúp người mẹ chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Các phương pháp điều trị này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp.


Tự điều trị

Đối với bất cứ ai, việc chăm sóc một đứa bé có thể đã là khó và căng thẳng, đối với người đang bị trầm cảm sau sinh thì còn khó khăn hơn.

Để tự mình cải thiện triệu chứng thì người bệnh có thể thử một số cách sau:

  • Nói chuyện với chồng/vợ, bạn bè, và gia đình - cố gắng để cho họ hiểu bạn đang cảm thấy như thế nào và họ có thể làm gì để giúp bạn

  • Đừng cố gắng trở thành người mẹ siêu phàm - đón nhận sự giúp đỡ từ người khác khi họ gợi ý và nhờ người thân chăm sóc con và làm một số việc nếu có thể như dọn dẹp, nấu ăn và mua sắm.

  • Dành thời gian cho bản thân - cố gắng làm những việc giúp bạn thấy thư giãn và hứng thú, như đi bộ, nghe nhạc, đọc sách hoặc ngâm mình trong nước ấm

  • Nghỉ ngơi khi có thể - mặc dù rất khó khi đang chăm trẻ, nhưng bạn cần cố ngủ một ít khi có cơ hội, thực hiện thói quen ngủ khoa học, đồng thời nhờ chồng/vợ phụ bạn những việc lúc đêm.

  • Tập thể dục thường xuyên – được cho là có thể giúp nâng cảm xúc ở người bị trầm cảm nhẹ

  • Ăn uống điều đặn, có bữa ăn lành mạnh, đừng để đói quá lâu

  • Không uống rượu bia hay dùng thuốc kích thích vì những thứ này có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn

Tâm lý trị liệu


Đây là phương pháp điều trị bằng cách trò chuyện trực tiếp với một chuyên gia tâm lý. Có hai loại tư vấn được cho rằng có hiệu quả rất lớn trong điều trị trầm cảm sau sinh là:

  • Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): giúp bệnh nhân nhận ra và thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực của họ.

  • Trị liệu liên cá thể (IPT): giúp bệnh nhân hiểu và giải quyết những mối quan hệ cá nhân phức tạp.


Thuốc


Thuốc chống trầm cảm tác động lên những chất hóa học ở não liên quan đến việc điều hòa cảm xúc. Nhiều thuốc chống trầm cảm cần phải mất một vài tuần để có hiệu quả tốt nhất. Những thuốc này hầu như được cho là an toàn để sử dụng lúc đang cho bú, tuy nhiên bệnh nhân nên nói chuyện rõ hơn với các chuyên gia y tế về nguy cơ và lợi ích cho cả mẹ và con.


Điều gì xảy ra nếu trầm cảm sau sinh không được điều trị? [8]


Nếu không điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ngoài việc ảnh hưởng lên sức khỏe bà mẹ, điều này cũng có thể gây cản trở việc chăm con và sự kết nối giữa mẹ và con và cũng cũng có thể là nguyên nhân em bé gặp các vấn đề về giấc ngủ, ăn uống và hành vi khi lớn lên.


Gia đình và bạn bè có thể giúp như thế nào? [8]


Các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể là những người đầu tiên phát hiện những triệu chứng trầm cảm sau sinh ở người mẹ. Họ có thể khuyến khích cô ấy nói chuyện với các nhân viên y tế, an ủi động viên tinh thần, và hỗ trợ trong những công việc hằng ngày như chăm trẻ hoặc việc nhà.


Khám sàng lọc trầm cảm sau sinh [4]


Phương pháp khám sàng lọc này nhằm phát hiện trầm cảm sau sinh ở người mẹ. Các nhân viên y tế có thể thực hiện khám sàng lọc kết hợp với các kiểm tra thông thường sau khi sinh hoặc nếu người mẹ có dấu hiệu trầm cảm nặng sau khi sinh 2 tuần hoặc lâu hơn.

Các nhân viên y tế có thể đưa cho bạn một bảng câu hỏi được gọi là thang điểm đánh giá trầm cảm của Edinburgh (Edinburgh Depression Scale - EPDS). EPDS bao gồm 10 câu hỏi về cảm xúc và tâm trạng lo lắng của bạn. Họ có thể hỏi bạn thêm những câu hỏi khác thay vì hỏi EPDS hoặc để bổ sung vào EPDS. Các nhân viên y tế cũng có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu để tìm ra các rối loạn, như là bệnh tuyến giáp, có thể là nguyên nhân trầm cảm của bạn.

***Xem bảng câu hỏi EPDS tại đây


Những quan niệm sai lầm về trầm cảm sau sinh [6]


  • Trầm cảm sau sinh thì ít nghiêm trọng hơn các loại trầm cảm khác: Sự thật, nó nghiêm trọng như các loại trầm cảm khác,

  • Trầm cảm sau sinh hoàn toàn bị gây ra bởi sự thay đổi hormone: Thực ra là do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

  • Trầm cảm sau sinh sẽ nhanh chóng khỏi: Khác với “baby blues”, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài dai dẳng nhiều tháng nếu không điều trị. Trong một số ít các trường hợp, nó có thể trở thành bệnh lâu năm.

  • Trầm cảm sau sinh chỉ ảnh hưởng đến những bà mẹ: Thực tế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 1 trên 10 ông bố trẻ cũng có trầm cảm sau khi có em bé.


 

Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM

Tài liệu tham khảo

  1. Moms-to-be and Moms, National Child and Maternal Health education program, National Institute of Health, US Department of health and Human services, https://www1.nichd.nih.gov/ncmhep/initiatives/moms-mental-health-matters/moms/Pages/default.aspx

  2. Maternal mental health, World Health Organization, https://www.who.int/mental_health/maternal-child/maternal_mental_health/en/

  3. Depression During and After Pregnancy, CDC, May 14 2018, https://www.cdc.gov/features/maternal-depression/index.html

  4. Postpartum Depression Screening, Medline plus, U.S. National Library of Health, https://medlineplus.gov/lab-tests/postpartum-depression-screening/

  5. Postnatal Depression – Symptoms, NHS UK, 10/12/2018, https://www.nhs.uk/conditions/post-natal-depression/symptoms/

  6. Postnatal Depression – Overview, NHS UK, 10/12/2018, https://www.nhs.uk/conditions/post-natal-depression/

  7. Postnatal Depression – Treatment, NHS UK, 10/12/2018, https://www.nhs.uk/conditions/post-natal-depression/treatment/

  8. Postpartum Depression Facts, U.S. Department of Health and Human Services National Institutes of Health, NIH Publication No. 13-8000, https://www.nimh.nih.gov/health/publications/postpartum-depression-facts/index.shtml#pub5

393 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page