Mỗi cá nhân đều có thể tự bảo vệ mình trước HIV bằng cách giảm những nguy cơ có thể gây lây nhiễm HIV. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp phòng chống HIV/AIDS được đề nghị bởi WHO sau(2):
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: sử dụng đúng cách bao cao su cho cả nam và nữ trong quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc đường hậu môn có thể bảo vệ bạn khỏi những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có HIV. Bằng chứng cho thấy rằng, bao cao su có hiệu quả giảm 85% hoặc cao hơn khả năng lây truyền HIV và các bệnh lây qua đường tình dục.
Xét nghiệm, tư vấn về HIV và bệnh lây qua đường tình dục: WHO khuyến cáo nên xét nghiệm HIV, bệnh lây qua đường tình dục nếu bạn có bất cứ yếu tố nguy cơ nào. Bằng cách này, bạn có thể kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng của mình, cũng như có những biện pháp phòng chống và điều trị kịp thời. WHO cũng khuyến cáo bạn cũng nên xét nghiệm HIV nếu bạn tình của bạn có những yếu tố nguy cơ.
Xét nghiệm, tư vấn và liên kết điều trị bệnh lao: Bệnh lao là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người nhiễm HIV. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người nhiễm HIV mắc bệnh lao sẽ dẫn đến cái chết, cứ 3 người nhiễm HIV thì có 1 người tử vong do bệnh lao.
Cắt bao quy đầu : cắt bao quy đầu ở nam giới làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ở nam đến 60%. Đây là biện pháp phòng ngừa can thiệp quan trọng được hỗ trợ ở 15 nước Đông và Nam Phi – nơi có tỉ lệ nhiễm HIV cao và tỉ lệ nam cắt bao quy đầu thấp.
Sử dụng ART (antiretroviral therapy) để phòng ngừa: việc phòng ngừa bằng ART mang lại nhiều lợi ích. Trong một thử nghiệm vào năm 2011 của WHO, việc sử dụng thuốc ART cho người nhiễm HIV có thể làm giảm 96% nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình của họ. WHO đã khuyến cáo, điều trị ART cho tất cả những người đang sống chung với HIV góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa lây truyền.Dự phòng trước phơi nhiễm cho bạn tình không mắc HIV: việc sử dụng ART đường uống hằng ngày cho người âm tính với HIV có thể ngăn chặn việc bị lây nhiễm. WHO khuyến cáo, phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm này là một lựa chọn cho việc ngăn ngừa lây nhiễm ở những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Và khuyến nghị này cũng được mở rộng cho phụ nữ âm tính với HIV đang mang thai hoặc cho con bú.
Dự phòng cho người sau phơi nhiễm HIV: dự phòng sau phơi nhiễm là việc sử dụng thuốc ARV (ART là một kết hợp gồm nhiều loại thuốc ARV với nhau) trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng. Phương pháp này bao gồm tư vấn, sơ cứu, xét nghiệm HIV và theo dõi việc sử dụng thuốc ARV trong vòng 28 ngày. WHO khuyến cáo nên sử dụng phương pháp này cho người phơi nhiễm do nghề nghiệp và không do nghề nghiệp, cho người lớn và trẻ em.
Giảm nguy cơ lây nhiễm cho người tiêm chích, sử dụng ma túy: những người tiêm chích ma túy có thể ngăn ngừa việc lây nhiễm HIV bằng cách sử dụng dụng cụ vô trùng bao gồm kim tiêm và ống tiêm cho mỗi lần tiêm, không dùng chung ma túy và thiết bị tiêm chích. Điều trị cai nghiện, sử dụng biện pháp thay thế opioid cho người phụ thuộc vào opioid cũng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và hỗ trợ cho việc tuân thủ điều trị HIV.
Giảm lây truyền từ mẹ sang con: việc lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh con hay cho con bú còn được gọi là lây truyền dọc. Trong thời kỳ này nếu không có bất kỳ can thiệp ngăn chặn nào thì khả năng lây truyền là 15-45%. Lây truyền từ mẹ sang con có thể được ngăn chặn gần như hoàn toàn nếu người mẹ sử dụng thuốc ARV càng sớm càng tốt trong quá trình mang thai và cho con bú.
Tìm hiểu thêm về HIV tại đây :HIV CÓ THỰC SỰ NGUY HIỂM ?

Lê Thái Thanh Khuê – Sinh viên Y3- Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic:
Phạm Hoài Phương Lan-SV3-ĐH Công nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo:
(2)The World Health Organization (2018), HIV/AIDS
< http://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hiv-aids >