
Tinh dầu là gì?
Tinh dầu là những hợp chất tự nhiên được chiết xuất từ thảo mộc hoặc các bộ phận của cây như lá, vỏ thân và vỏ cành. Các nhà sản xuất thường phối hợp tinh dầu vào các sản phẩm dầu thực vật, kem hoặc sữa tắm để tạo hương thơm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra tinh dầu sẽ phát huy công dụng nếu được dùng đúng cách. Bạn hãy kiểm tra nhãn và trao đổi với bác sĩ khi nghi ngờ về tính an toàn của sản phẩm.
Sử dụng tinh dầu khi căng thẳng
Tinh dầu với những mùi hương dễ chịu như hoa oải hương, hoa cúc và hoa hồng giúp đầu óc thư giãn. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế của tinh dầu là tạo các chất truyền tin hóa học đến trung tâm cảm xúc ở não. Mặc dù tinh dầu không có tác dụng điều trị căng thẳng tuy nhiên mùi hương từ tinh dầu có thể giúp bạn thư giãn sau khi ngửi hoặc bôi lên da.
Kiểm tra chất lượng
Bạn có khả năng bị dị ứng với các thành phần khác trong tinh dầu, vì vậy hãy tìm kiếm sản phẩm tinh dầu nguyên chất được sản xuất bởi một công ty uy tín. Tuy nhiên không phải tất cả thành phần bổ sung vào đều không tốt, ví dụ như dầu thực vật thường được thêm vào một số loại tinh dầu cao cấp.
Loại bỏ tinh dầu cũ
Bạn không nên sử dụng 1 lọ tinh dầu quá 3 năm. Khi tiếp xúc lâu với không khí, tinh dầu bị oxy hóa và giảm chất lượng, có thể gây dị ứng hoặc kích ứng da. Nếu bạn nhận thấy màu sắc, thể chất hoặc màu của tinh dầu bị thay đổi, bạn không nên tiếp tục sử dụng bởi vì tinh dầu có thể đã bị hỏng.
Trao đổi với bác sĩ
Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo tinh dầu an toàn khi sử dụng, tránh các tác dụng phụ như dị ứng (phát ban, nổi mề đay, khó thở) và tránh tương tác với các thuốc đang dùng. Ví dụ, dầu bạc hà và dầu khuynh diệp có thể thay đổi cách cơ thể hấp thu thuốc điều trị ung thư 5-fluorouracil qua da.
Pha loãng
Tinh dầu chưa pha loãng có hoạt tính rất mạnh nên không được sử dụng trực tiếp. Tinh dầu thường được pha loãng chính xác với dầu thực vật, kem hoặc sữa tắm đến nồng độ 1% - 5%. Tỷ lệ tinh dầu trong thành phần càng cao càng có khả năng gây ra phản ứng.
Cân nhắc tuổi người sử dụng
Trẻ nhỏ và người già thường nhạy cảm hơn với tinh dầu. Vì vậy, khi sử dụng trên những đối tượng này, tinh dầu cần được pha loãng hơn bình thường. Đặc biệt không sử dụng tinh dầu bạch dương và lộc đề xanh cho trẻ em dưới 6 tuổi do trong thành phần các tinh dầu này có chứa methyl salicylat, một lượng nhỏ cũng đủ gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Bạn cũng không nên sử dụng tinh dầu cho em bé trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ nhi khoa.
Ngừng sử dụng nếu có phản ứng trên da
Sau khi sử dụng tinh dầu, nếu da có hiện tượng phát ban, nổi mụn nhỏ, mụn nhọt, ngứa hoặc một số biểu hiện khác, bạn nên rửa sạch bằng nước và ngừng sử dụng.
Thận trọng với phụ nữ có thai
Một số loại tinh dầu có khả năng đi qua hàng rào nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về tác hại của tinh dầu trên phụ nữ có thai, trừ khi dùng đến lượng gây độc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên tránh sử dụng tinh dầu nếu đang mang thai. Các loại tinh dầu này bao gồm ngải cứu, rượu mùi, rêu sồi, Lavandula stoechas, long não, hạt mùi tây, cây xô thơm, và cây kim ngân hoa.
Không bôi tinh dầu bừa bãi
Tinh dầu sử dụng tốt trên tay hoặc chân, tuy nhiên chưa chắc đã an toàn khi đưa vào miệng, mũi, mắt hoặc những bộ phận kín. Ví dụ như tinh dầu sả, bạc hà và vỏ quế.
Không nên tin tưởng hoàn toàn thông tin thông dụng
Hợp chất có nguồn gốc từ thực vật không có nghĩa là nó an toàn để bôi lên da, hít hoặc ăn, ngay cả khi tinh khiết. Các chất tự nhiên có thể gây kích ứng, độc hại hoặc gây ra phản ứng dị ứng. Trước khi sử dụng, bạn nên test thử với lượng nhỏ trên da để xem phản ứng của cơ thể với tinh dầu.
Không sử dụng dầu ăn được trên da
Dầu thì là thường được sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng khi sử dụng trên da có thể gây phồng rộp. Tinh dầu được chiết từ vỏ quả có múi an toàn trong thực phẩm có thể có hại cho da, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngược lại, dầu khuynh diệp hoặc dầu cây xô thơm giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu khi bôi hoặc hít nhưng khi nuốt phải có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, như một cơn động kinh.
Không sử dụng trên da bị tổn thương
Da bị thương hoặc bị viêm nhiễm sẽ hấp thụ nhiều dầu hơn và có thể gây ra các phản ứng không mong muốn. Đặc biệt tinh dầu chưa pha loãng hết sức nguy hiểm trên làn da bị tổn thương.
Chú ý bảo quản
Khi bảo quản không đúng cách, tinh dầu có thể bị cô đặc và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là nếu sử dụng sai liều lượng hoặc sai cách. Không nên để tinh dầu ở nơi dễ dàng lấy được, đặc biệt phải để xa tầm tay của trẻ em.
Không lạm dụng
Ngay cả khi pha loãng, tinh dầu vẫn có thể gây ra phản ứng có hại nếu sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên, ngay cả khi bạn không bị dị ứng hoặc nhạy cảm với chúng.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Nguồn: WebMD