top of page
Search

TÌM HIỂU VỀ TIÊU CHẢY

Tiêu chảy là một tình trạng phổ biến. Tại Mỹ ước tính có khoảng 179 triệu trường hợp tiêu chảy cấp mỗi năm. Tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý thường gặp này cũng như cách điều trị và phòng tránh cho bạn và người thân.




1. Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần 1 ngày. Tiêu chảy được phân loại gồm 3 loại: cấp tính, dai dẳng hoặc mãn tính.

  • Tiêu chảy cấp: là tình trạng phổ biến thường kéo dài 1 hoặc 2 ngày và tự khỏi.

  • Tiêu chảy dai dẳng: kéo dài hơn 2 tuần và dưới 4 tuần.

  • Tiêu chảy mãn tính: kéo dài ít nhất 4 tuần. Các triệu chứng tiêu chảy mãn tính có thể liên tục hoặc ngắt quãng.

  • Tiêu chảy sẽ dẫn đến mất nước, điện giải và kém hấp thu chất dinh dưỡng. [1]

2. Triệu chứng bệnh tiêu chảy

Triệu chứng chính của tiêu chảy là đại tiện phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày.

Ngoài ra có thể có thêm các triệu chứng sau:

  • Có nhu cầu cấp thiết đi vệ sinh

  • Bị chuột rút

  • Mất kiểm soát nhu động ruột

  • Buồn nôn

  • Đau bụng

Những người bị tiêu chảy do một số bệnh nhiễm trùng có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Phân có máu

  • Sốt và ớn lạnh

  • Chóng mặt

  • Nôn

Tiêu chảy sẽ dẫn đến mất nước và kém hấp thu - đây cũng là 2 biến chứng nghiêm trọng của bệnh. [1]


3. Các triệu chứng của mất nước và kém hấp thu là gì?

Các triệu chứng trên người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau.

  • Mất nước

  • Khát nước

  • Đi tiểu ít hơn bình thường

  • Cảm thấy mệt

  • Nước tiểu màu sẫm

  • Khô miệng

  • Giảm đàn hồi da: sau khi ấn xuống da, da không trở lại trạng thái ban đầu ngay lập tức

  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu

  • Mắt trũng/ má hóp, có điểm mềm trong hộp sọ (ở trẻ nhỏ)

  • Hấp thu kém

Các triệu chứng kém hấp thu bao gồm:

  • Đầy hơi, ợ hơi

  • Thay đổi khẩu vị

  • Ỉa chảy, phân mùi hôi

  • Sụt ký/ tăng cân chậm ở trẻ nhỏ

LƯU Ý: Khi nào cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế?


Tiêu chảy có thể trở nên nguy hiểm nếu dẫn đến mất nước nghiêm trọng. Tiêu chảy cũng có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Người lớn

Người lớn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây nên đi khám bác sĩ ngay:

  • tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày

  • sốt cao từ 39 độ trở lên

  • nôn thường xuyên

  • đi ngoài phân lỏng trên sáu lần trong 24 giờ

  • đau dữ dội ở phần bụng hoặc trực tràng

  • phân có màu đen hay nâu đen/ chứa máu hoặc mủ

  • có triệu chứng mất nước

Người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc có các bệnh lý khác khi bị tiêu chảy cũng nên đi khám bác sĩ ngay.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị tiêu chảy khi có bất kỳ triệu chứng nào sau đây nên đi khám bác sĩ ngay lập tức:

  • tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ

  • sốt từ 39 độ trở lên

  • đau dữ dội ở bụng hoặc trực tràng

  • phân chứa máu hoặc mủ

  • phân có màu đen hay nâu đen

  • có triệu chứng mất nước [1][2]

4. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy


Tiêu chảy cấp và tiêu chảy dai dẳng có thể có nguyên nhân khác với tiêu chảy mạn. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân gây tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp tiêu chảy sẽ tự hết trong vòng 4 ngày và việc tìm ra nguyên nhân là không cần thiết.

Tiêu chảy cấp và tiêu chảy dai dẳng

Các nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp và dai dẳng là nhiễm trùng, tiêu chảy do du lịch đến nước đang phát triển và tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc.


Nhiễm trùng

Ba loại nhiễm trùng gây tiêu chảy bao gồm

  • Nhiễm virus. Nhiều loại virus gây tiêu chảy, bao gồm norovirus và rotavirus. Viêm dạ dày ruột do virus là nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp.

  • Nhiễm khuẩn. Một số loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm và gây tiêu chảy. Các vi khuẩn phổ biến gây tiêu chảy bao gồm Campylobacter, Escherichia coli (E. coli), Salmonella và Shigella.

  • Nhiễm ký sinh trùng. Ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thức ăn hoặc nước uống, và sống ổn định trong đường tiêu hóa. Ký sinh trùng gây tiêu chảy bao gồm Cryptosporidium enteritis, Entamoeba histolytica và Giardia lamblia.

Các nhiễm trùng trong đường tiêu hóa do thực phẩm hoặc đồ uống đều có thể gây tiêu chảy. Nhiễm trùng kéo dài hơn 2 tuần và dưới 4 tuần có thể gây ra tiêu chảy dai dẳng.


Tiêu chảy do đi du lịch


Tiêu chảy của khách du lịch thường do ăn thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Các trường hợp thường là cấp tính. Tuy nhiên, một số ký sinh trùng gây ra tiêu chảy kéo dài lâu hơn. Tiêu chảy của khách du lịch có thể là một vấn đề đối với những người đi du lịch đến các nước đang phát triển.


Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước đang phát triển vẫn luôn cần được quan tâm nhiều hơn.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước đang phát triển vẫn luôn cần được quan tâm nhiều hơn.

Tác dụng phụ của thuốc


Các loại thuốc có thể gây tiêu chảy bao gồm: kháng sinh, các antacid có chứa magie và các thuốc điều trị ung thư.

Tiêu chảy mãn tính

Một số bệnh nhiễm trùng, dị ứng thức ăn và không dung nạp (vd: bệnh không dung nạp glucose), các vấn đề về đường tiêu hóa, phẫu thuật vùng bụng và một số thuốc sử dụng trong thời gian dài (vd: một số kháng sinh) có thể gây ra tiêu chảy mãn tính. [1]


5. Điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể điều trị tiêu chảy cấp bằng các loại thuốc không kê đơn như loperamid (Imodium) và bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate). Các bác sĩ không khuyến cáo sử dụng thuốc không kê đơn cho những người đi ngoài có máu hoặc có sốt do nhiễm trùng (vi khuẩn hoặc ký sinh trùng). Nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày, hãy đi khám bác sĩ ngay.


Trường hợp trẻ nhỏ mắc tiêu chảy, các loại thuốc không kê đơn để điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn có thể gây nguy hiểm cho đối tượng này. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống thuốc không kê đơn. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ, hãy đi khám bác sĩ ngay.


Điều trị tiêu chảy mãn tính phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, các thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị nhiễm ký sinh trùng sẽ được kê đơn. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể khuyên dùng men vi sinh. Đây là các vi sinh vật sống, thường là vi khuẩn, tương tự như các vi sinh vật thường trú trong đường tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu sử dụng men vi sinh để điều trị tiêu chảy.


Để điều trị hoặc ngăn ngừa mất nước, bạn cần thay thế chất lỏng và chất điện giải bị mất bằng liệu pháp bù nước, đặc biệt nếu bạn bị tiêu chảy cấp. Mặc dù uống nhiều nước rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa mất nước, bạn cũng nên uống các chất lỏng có chứa chất điện giải, như sau:

  • nước luộc thịt

  • nước uống không chứa caffeine

  • các loại nước ép trái cây

  • đồ uống thể thao

  • Nếu người bệnh là người lớn tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch yếu, nên dùng các dung dịch bù nước đường uống có chứa glucose và chất điện giải, ví dụ: Oresol. [1][2]


Sữa chua tốt cho người bị tiêu chảy
Sữa chua tốt cho người bị tiêu chảy

6. Một số lưu ý trong chế độ ăn khi bị tiêu chảy


Khi bị tiêu chảy, người bệnh có thể mất cảm giác ngon miệng trong một thời gian ngắn. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho trẻ ăn chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi và cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn để điều trị một số nguyên nhân gây tiêu chảy mãn tính, như không dung nạp đường sữa hoặc bệnh celiac.


Những thực phẩm nên tránh khi bị tiêu chảy:

Bạn nên tránh những thực phẩm có thể làm cho bệnh tiêu chảy nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • đồ uống có cồn

  • đồ uống và thực phẩm có chứa caffeine

  • các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai và kem

  • thức ăn béo và dầu mỡ

  • đồ uống và thực phẩm có chứa fructose

  • các loại trái cây như táo, đào và lê

  • thức ăn cay

  • đồ uống ăn kiêng và kẹo cao su không đường có chứa chất làm ngọt như sorbitol, mannitol, và xylitol

Nghiên cứu cho thấy rằng theo chế độ ăn kiêng hạn chế không giúp điều trị tiêu chảy trong hầu hết các trường hợp. Các chuyên gia không khuyên nhịn ăn hoặc theo chế độ ăn kiêng khi bệnh nhân bị tiêu chảy. [1]




 

Người biên soạn: Quản Thị Thùy Linh.

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM

Tài liệu tham khảo:

1.Treatment for Diarrhea

https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/diarrhea/treatment

2. Treatment for Diarrhea

https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-diarrhea-treatment#2

72 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page