top of page
Search

TÌM HIỂU VỀ HPV VÀ HPV VACCINE


HPV là gì? [2]


HPV là viết tắt của Human papillomavirus, một nhóm gồm hơn 200 chủng virus. Trong số này có hơn 40 chủng có thể dễ dàng lây truyền qua đường tình dục, được chia làm hai nhóm:


  • Nguy cơ thấp: không gây ung thư nhưng gây mụn cóc ở khu vực sinh dục và hậu môn. 90% mụn cóc sinh dục gây ra bởi chủng 6 và 11.

  • Nguy cơ cao: gây ung thư. Có khoảng 12 chủng HPV nằm trong nhóm này, trong đó có hai chủng chính gây ra hầu hết các loại ung thư bởi HPV là chủng 16 và 18.

Những chủng HPV gây ra mụn cóc ở các vị trí khác thì không lây qua đường tình dục.


Con đường lây truyền HPV [2][3][4]


Tình dục: HPV lây truyền khi có tiếp xúc gần gũi ở khu vực sinh dục. Hầu hết trường hợp là qua quan hệ tình dục bằng đường âm đạo hoặc hậu môn. Ngoài ra còn có thể nhiễm HPV khi quan hệ bằng miệng hoặc những cách quan hệ khác.


Đây là bệnh nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Theo trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tại nước này, có hơn 90% đàn ông và 80% phụ nữ sẽ bị mắc ít nhất một chủng HPV trong đời, và một nửa trong số này là những chủng HPV nguy cơ cao có khả năng gây ung thư.


Mẹ sang con (trong lúc sinh): không phổ biến. Đứa trẻ có thể phát triển bệnh lý u nhú tái diễn ở đường hô hấp (RRP), một tình trạng nguy hiểm hiếm gặp khi các mụn cóc gây ra bởi HPV (tương tự như mụn cóc sinh dục) mọc bên trong họng.


Hiện nay chưa có báo cáo về các ca nhiễm HPV khi vô tình tiếp xúc với các bề mặt bên ngoài môi trường, chẳng hạn như nhà vệ sinh. Tuy nhiên, có thể bị lây nhiễm HPV nếu sử dụng chung đồ chơi tình dục với người bị bệnh.


Có điểm cần lưu ý là hầu hết các trường hợp nhiễm các chủng HPV nguy hiểm thường không có triệu chứng, tự khỏi trong 1-2 năm và không gây ung thư. Vì vậy, họ có thể lây bệnh cho người khác mà không biết. Tuy nhiên, có những trường hợp nhiễm HPV kéo dài hàng năm. Khi người bệnh nhiễm kéo dài với các chủng HPV nguy cơ cao thì có thể sẽ dẫn đến biến đổi tế bào, và nếu không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển thành ung thư.


Những triệu chứng bệnh có thể khởi phát rất lâu sau khi quan hệ với người bệnh. Vì vậy, nếu quan hệ tình dục với nhiều người thì khó có thể tìm ra nguồn lây bệnh.


Cách ngăn ngừa HPV và các bệnh lý liên quan [3][8][9]


Có thể làm theo một số cách dưới đây để làm giảm khả năng ung thư cổ tử cung

  • Không hút thuốc

  • Tiêm vaccine

  • Kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên cho phụ nữ từ 21-65 tuổi. Ung thư gây ra bởi HPV thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển khá nặng và khó chữa. Do đó, việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung định kì rất quan trọng, giúp phát hiện sớm các triệu chứng bệnh để chữa trị kịp thời trước khi biến chứng thành ung thư.

  • Nếu có quan hệ tình dục:Dùng bao cao su đúng cách mỗi lúc có quan hệ tình dục.  Tuy nhiên, HPV có thể có mặt ở cả vùng được và không được bảo vệ bởi bao cao su, do đó sử dụng bao cao su có thể không bảo vệ hoàn toàn khỏi HPV

  • Quan hệ một vợ một chồng từ hai phía. Nói cách khác, chỉ quan hệ tình dục với người chỉ quan hệ tình dục với bạn.

Có cách chữa HPV và các bệnh lý liên quan không? [10]


Không có cách tiêu diệt HPV nhưng có cách chữa các vấn đề gây ra bởi HPV:


  • Mụn cóc sinh dục có thể được xử lý khi xuất hiện.

  • Tế bào cổ tử cung bất thường có thể trở nên bình thường sau một thời gian. Nếu các tế bào này vẫn bị bất thường thì có thể được chữa trị để ngăn ngừa biến chuyển thành ung thư cổ tử cung.

  • Ung thư cổ tử cung được chữa trị tốt nhất  nếu được phát hiện và xử lý sớm. Hầu hết các phụ nữ có kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung định kì thì có thể được phát hiện các vấn đề trước khi ung thư hình thành. Các loại ung thư khác gây ra bởi HPV cũng được chữa trị tốt hơn nếu phát hiện và chữa sớm. Mặc dù không có các kiểm tra sàng lọc định kì cho các loại ung thư này, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ thường xuyên.

  • Bệnh lý u nhú tái diễn ở đường hô hấp (RRP) có thể được chữa bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Vaccine ngừa được ung thư? [1][2]


Đúng, khi nguyên nhân chính gây ra loại ung thư đó là từ lây nhiễm virus. Hiện nay có hai loại vaccine ngừa ung thư được Cục quản lý thuốc và Dược phẩm Hoa Kỳ đưa vào sử dụng: vaccine ngừa viêm gan B và HPV vaccine.


Tại Việt Nam, khi nghe nhắc đến HPV vaccine, mọi người thường liên tưởng đến vaccine ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số các loại ung thư gây ra bởi HPV. Ngoài chịu trách nhiệm chính trong hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung, HPV còn là nguyên nhân của 95% ca ung thư hậu môn, 70% ca ung thư hầu họng, 65% ca ung thư tử cung, 50% ca ung thư âm hộ và 35% ca ung thư dương vật.


Tiêm HPV vaccine khi nào? [2][5][7]


Cũng giống như các loại vaccine khác, HPV vaccine chỉ phát huy hiệu quả tối ưu khi chưa nhiễm chủng virus có trong vaccine. Vì vậy, khuyến cáo tiêm đầy đủ các liều  trước khi có quan hệ hay bất cứ tiếp xúc tình dục nào. Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm trong độ tuổi 9-26. Tại Hoa Kỳ, độ tuổi là 11-12 (có thể tiêm từ lúc 9 tuổi). Mặc dù vaccine vẫn an toàn nhưng hầu như không mang lại tác dụng nào. Đối với phụ nữ trên 26 tuổi, cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung định kì.


Chỉ phụ nữ mới tiêm HPV vaccine? [2][5]


HPV lây nhiễm trên cả đàn ông và phụ nữ. Như đã nói, HPV không chỉ gây ra ung thư cổ tử cung mà còn là nguyên nhân dẫn đến ung thư hậu môn, hầu họng và ung thư dương vật. Do đó, không chỉ phụ nữ mới là nạn nhân của loại virus này.


Tại Hoa Kỳ, vaccine được khuyến cáo sử dụng cho cả nam và nữ.


Tuy nhiên tại Việt Nam, vaccine HPV hiện đang được cung cấp dưới dạng vaccine dịch vụ cho trẻ em nữ và phụ nữ trong độ tuổi 9-26 với liệu trình 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng. Chi phí cho liệu trình 3 mũi tiêm trong khoảng 2.400.000 đến 4.000.000 đồng


Hạn chế của Vaccine? [7]


Vaccine không bảo vệ bạn khỏi tất cả các chủng HPV. Vì vậy, vaccine cũng sẽ không bảo vệ khỏi tất cả các loại ung thư cổ tử cung. Vì một số loại ung thư không được bảo vệ bởi vaccine, nên điều quan trọng là phụ nữ phải tiếp tục kiểm tra ung thư cổ tử cung định kì. Ngoài ra, vaccine này cũng không tác dụng trên các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, do đó người có quan hệ tình dục cần phải biết tự bảo vệ mình.


 

DS. Lê Võ Hoàng Yến

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM


  1. Cancer prevention and control, Vaccines (Shots), CDC, 29 June 2018, https://www.cdc.gov/cancer/dcpc/prevention/vaccination.htm

  2. HPV and cancer, National Cancer Institute, 19 Feb 2015, https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/infectious-agents/hpv-fact-sheet 

  3. What Can I Do to Reduce My Risk of Cervical Cancer?, CDC, 27 June 2018, https://www.cdc.gov/cancer/cervical/basic_info/prevention.htm 

  4. Human papillomavirus, Questions and Answers, CDC, 23 Aug  2018,https://www.cdc.gov/hpv/parents/questions-answers.html

  5. Kế hoạch hành động quốc gia dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025, Bộ y tế-Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, 2016

  6. HPV vaccines, American Cancer Society, 8 Oct 2018, https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/infectious-agents/hpv/hpv-vaccines.html

  7. HPV vaccine information for young women, CDC, 3 Jan 2017 https://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv-vaccine-young-women.htm

  8. The link between HPV and cancer, CDC, 16 Dec 2016, https://www.cdc.gov/hpv/parents/cancer.html

  9. Genital HPV Infection – Fact Sheet, CDC, 16 Nov 2017,https://www.cdc.gov/std/hpv/stdfact-hpv.htm

  10. HPV cancer screening, CDC, 20 Dec 2016, https://www.cdc.gov/hpv/parents/screening.html

19 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page