HbA1c là một chỉ số thường được sử dụng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Vậy chỉ số HbA1c là gì, nó khác với mức độ glucose trong máu và được sử dụng trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường như thế nào?

HBA1C là gì?
Chỉ số HbA1c hay glycohemoglobin, dùng để xác định nồng độ glucose trung bình trong máu. Hemoglobin là một loại protein tồn tại trong hồng cầu, giúp máu có màu đỏ và có chức năng vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể. HbA1c là hemoglobin kết hợp với glucose trong máu.
Xét nghiệm glycohemoglobin (HbA1c) có thể giúp các bác sĩ có được bức tranh tổng thể về mức đường huyết trung bình của bạn trong vài tuần hoặc vài tháng trước đó.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, chỉ số này rất quan trọng vì HbA1c càng cao, càng có nguy cơ xuất hiện các biến chứng do bệnh đái tháo đường.
HbA1c cũng được gọi là hemoglobin A1c hay đơn giản là A1c
HBA1C cho kết quả trung bình đường huyết chính xác như thế nào?
Khi cơ thể chuyển hóa đường, glucose trong máu sẽ tự nhiên gắn với hemoglobine.
Lượng glucose kết hợp với hemoglobin trong máu tỷ lệ thuận với mức đường huyết trung bình. Các tế bào hồng cầu tồn tại trong cơ thể con người 2-3 tháng trước khi được thay mới nên việc xác định nồng độ glycohemoglobin (hoặc HbA1c) có thể phản ánh mức đường huyết trung bình trong thời gian đó. Xét nghiệm này rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng đái tháo đường.
Nếu lượng đường trong máu của bạn cao trong những tuần gần đây, HbA1c cũng sẽ cao hơn.
HBA1c trong chuẩn đoán
Chỉ số HbA1c cho biết một người đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường hay đái tháo đường như sau:

Mục tiêu đối với chỉ số HBA1C
Mục tiêu của chỉ số HBA1c đối với bệnh nhân đái tháo đường là:
48 mmol/mol (6.5%)
Lưu ý: Đây là mục tiêu chung. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nên có một mục tiêu riêng phù hợp với từng cá nhân hay tình trạng mắc bệnh (thể nặng hay thể nhẹ) để được cung cấp một chế độ điều trị thích hợp.
Chỉ số HBA1c thấp có những lợi ích gì?
Hai nghiên cứu lớn: the UK Prospective Diabetes Study (UKPDS) and the Diabetes Control and Complications Trial (DCCT) - đã chứng minh rằng cứ tăng thêm 1% HBA1c (tức 11 mmol / mol) cho những người mắc bệnh đái tháo đường tupe 1 hoặc type 2 sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng vi mạch máu đến 25%.
Biến chứng vi mạch bao gồm:
Biến chứng về mắt
Biến chứng về thần kinh
Biến chứng về thận
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở những người đái tháo đường type 2 cứ giảm 1% mức HBA1c sẽ:
Giảm 19% khả năng bị đục thủy tinh thể
Giảm 16% khả năng bị suy tim
Giảm 43% khả năng đoạn chi hoặc tử vong do bệnh mạch máu ngoại biên
Chỉ số HBA1c khác với mức đường huyết trong máu như thế nào?
HbA1c cho biết lượng đường trong máu trung bình như thế nào trong một khoảng thời gian. Mẫu HbA1c có thể lấy máu từ ngón tay nhưng thông thường được lấy từ cánh tay.
Mức đường huyết trong máu là nồng độ glucose trong máu của bạn chỉ tại thời điểm đó, tức là thời điểm xét nghiệm, được xác định bằng xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, được thực hiện bằng cách lấy máu từ ngón tay hoặc cánh tay.
Tuy nhiên, xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói chỉ cho thấy mức glucose hiện tại của bạn, trong khi xét nghiệm HbA1c phản ánh bức tranh lớn hơn về lượng đường huyết trung bình của bạn trong khoảng thời gian 2-3 tháng.
Dịch: Nguyễn Thị Tường Vy- Khoa Y Tế Công Cộng- ĐH Y Dược TPHCM
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Nguồn: diabetes.co.uk