
Đái tháo đường khi được kiểm soát tốt sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tuy nhiên nếu nằm ngoài tầm kiểm soát, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Điều này dẫn đến đường huyết tăng quá cao ngay cả khi được điều trị. Bạn có thể có một số triệu chứng như đi tiểu nhiều, khát nhiều và một số vấn đề khác.
Đái tháo đường ảnh hưởng đến hầu hết cơ quan trong cơ thể, bao gồm:
· Tim và mạch máu
· Mắt
· Thận
· Thần kinh
· Hệ tiêu hóa
· Răng lợi
Tim và mạch máu
Bệnh tim và mạch máu là biến chứng phổ biến của đái tháo đường. Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ cao hơn ít nhất 2 lần so với người bình thường.
Tổn thương mạch máu và thần kinh có thể dẫn đến tổn thương các chi, trong một số trường hợp hiếm gặp phải yêu cầu cắt bỏ chi.
Triệu chứng: Bệnh nhân có thể không nhận thấy những dấu hiệu cho đến khi bị đau tim hoặc đột quỵ, vấn đề với mạch máu lớn ở chân như tê bì chân, thay đổi màu da và mất cảm giác.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra kiểm soát đường huyết tốt giúp bạn phòng tránh được các biến cố này ngăn tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Mắt
Đái tháo đường có thể dẫn đến giảm hoặc mất thị lực và một số vấn đề về mắt sau đây:
· Glaucom
· Đục thủy tinh thể
· Bệnh võng mạc (xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ trong mắt)
Triệu chứng: có các vấn đề về thị lực hoặc mất thị lực đột ngột
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khám mắt thường xuyên và điều trị các vấn đề trên định kỳ có thể ngăn ngừa đến 90% biến chứng mù mắt do tiểu đường.
Thận
Triệu chứng: ở giai đoạn đầu đái tháo đường khó để nhận biết các triệu chứng liên quan đến suy giảm chức năng thận. Ở các giai đoạn sau bàn chân và chân của bệnh nhân có thể bị sưng phù.
Các thuốc làm hạ huyết áp có khả năng giảm nguy cơ suy thận đến 33%.
Thần kinh
Khoảng 70% người mắc đái tháo đường có tổn hại thần kinh do nồng độ đường trong máu quá cao.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên do tiểu đường gây đau nhức và mất cảm giác, thường bắt đầu từ ngón chân rồi lan đến ngón tay và các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh lý thần kinh tự chủ bắt nguồn từ tổn thương các dây thần kinh chi phối hoạt động của tạng. Triệu chứng bao gồm rối loạn tình dục, các vấn đề về đường tiêu hóa, tiểu tiện không tự chủ, chóng mặt, ngất xỉu do mất cảm nhận khi đường huyết tụt.
Teo cơ do tiểu đường gây ra đau nhức hoặc nóng rát và đau thắt ở hông và đùi, sau đó dẫn đến yếu cơ bắp đùi. Tuy nhiên đây là một biến chứng hiếm gặp.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị biến chứng về thần kinh. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc chống co giật, kem, miếng dán giảm đau hoặc yêu cầu bạn sử dụng thiết bị kích thích thần kinh bằng điện qua da (TENS).
Răng
Bệnh nhân mắc đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh lý về lợi.
Triệu chứng: lợi sưng, đỏ, dễ chảy máu
Việc kiểm tra răng miệng định kỳ, đánh răng hằng ngày, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước sát trùng giúp bạn ngăn ngừa được các vấn đề về nướu răng.
Ở một số bệnh nhân, thay đổi lối sống có thể kiểm soát đường huyết, thậm chí đảo ngược sự xuất hiện của các biến chứng. Tuy nhiên có trường hợp cần đến thuốc và phẫu thuật. Điều trị nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của các biến chứng. Nhưng điều quan trọng nhất là kiểm soát lượng đường trong máu, tập thể dục, ăn uống điều độ, giảm cân, tránh hút thuốc, đồ ăn làm tăng đường huyết và cholesterol.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Nguồn: WebMD