
Tiền sản giật là tình trạng khi thai phụ bị cao huyết áp và có các dấu hiệu tổn thương gan thận xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Mặc dù hiếm gặp, tiền sản giật cũng có thể xảy ra sau khi sinh, thông thường nhất là trong vòng 48 giờ. Đây gọi là tiền sản giật hậu sản.
Nguyên nhân
Hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của tiền sản giật. Tình trạng này xảy ra từ 3-7% trên tổng số ca mang thai, và được cho là bắt đầu ở nhau thai. Có một số yếu tố có thể dẫn đến tiền sản giật, bao gồm:
Các bệnh rối loạn tự miễn dịch
Các vấn đề mạch máu
Chế độ ăn uống
Gen di truyền
Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
Mang thai lần đầu
Có tiền sử bị tiền sản giật
Đa thai (sinh đôi hoặc hơn)
Gia đình có tiền sử bị tiền sản giật
Béo phì
Hơn 35 tuổi
Người Mỹ gốc Phi
Tiền sử bị tiểu đường, cao huyết áp hay bệnh thận
Triệu chứng
Thông thường phụ nữ bị tiền sản giật không cảm thấy mình bị bệnh.
Những triệu chứng của tiền sản giật bao gồm:
Sưng tay, chân và mắt (phù nề)
Tăng cân đột ngột trong vòng 1-2 ngày hoặc tăng hơn 0,9 kg mỗi tuần
Cần lưu ý là một số dạng sưng chân và mắt cá được coi là bình thường trong thai kì.
Triệu chứng tiền sản giật nặng bao gồm:
Đau đầu không bớt hoặc nặng hơn
Khó thở
Đau bụng bên phải, phía dưới xương sườn. Có thể có cảm giác đau ở bên vai phải, và có thể bị nhầm lẫn với tình trạng ợ nóng, đau sỏi mật, bị đau bao tử do virus hoặc bị em bé đạp.
Không đi tiểu thường xuyên
Buồn nôn và nôn (dấu hiệu đáng lo ngại)
Thị lực thay đổi, bao gồm mù tạm thời, thấy lóe sáng hoặc nhiều đốm, nhạy cảm với ánh sáng, và nhìn mờ.
Cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu.

Các kiểm tra và xét nghiệm
Bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát, có thể cho kết quả:
Huyết áp cao, thông thường cao hơn 140/90 mm Hg
Mặt và bàn tay bị sưng phù
Tăng cân
Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu và nước tiểu, có thể có kết quả:
Có đạm trong nước tiểu
Men gan cao hơn bình thường
Số lượng tiểu cầu thấp
Nồng độ creatinine trong máu cao hơn bình thường
Các loại xét nghiệm cũng được thực hiện nhằm mục đích:
Đánh giá khả năng đông máu
Kiểm tra sức khỏe thai nhi
Kết quả siêu âm, thử nghiệm non-stress test (NST) và các xét nghiệm khác sẽ giúp bác sĩ đưa ra quyết định có cần phải sinh em bé ra ngay lập tức không.
Những phụ nữ có huyết áp thấp đầu thai kì, sau đó huyết áp tăng đáng kể cẩn phải được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu khác của tiền sản giật.
Điều trị
Tiền sản giật thường khỏi sau khi sinh em bé và nhau thai được đẩy ra ngoài. Tuy nhiên nó có thể kéo dài hoặc thậm chí bắt đầu sau khi sinh.
Thông thường, em bé 37 tuần đã phát triển đủ để có thể sống khỏe mạnh bên ngoài bụng mẹ.
Do đó, bác sĩ có thể sẽ muốn em bé được sinh ra để tình trạng tiền sản giật không tồi tệ thêm nữa. Thai phụ có thể được sử dụng thuốc để kích đẻ, hoặc cũng có thể sinh mổ.
Nếu em bé chưa được phát triển đầy đủ và thai phụ có tiền sản giật nhẹ, thông thường bệnh có thể được kiểm soát tại nhà cho đến khi em bé phát triển hoàn thiện. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo:
Khám bác sĩ thường xuyên để đảm bảo mẹ và bé khỏe
Sử dụng các loại thuốc làm giảm huyết áp (thỉnh thoảng)
Mức nghiêm trọng của tiền sản giật có thể thay đổi nhanh chóng, do đó thai phụ cần theo dõi kĩ lưỡng.
Nằm nghỉ hoàn toàn trên giường không còn được khuyến cáo nữa.
Đôi khi thai phụ bị tiền sản giật được nhập viện, giúp cho đội ngũ y tế có thể theo dõi sát sao tình trạng của mẹ và bé.
Điều trị trong bệnh viện có thể bao gồm:
Theo dõi kĩ mẹ và bé
Thuốc để kiểm soát huyết áp và ngăn co giật và các biến chứng khác
Tiêm steroid cho các thai kì dưới 34 tuần thai nhằm làm tăng nhanh sự phát triển phổi của thai nhi.
Bác sĩ cùng với thai phụ sẽ tiếp tục bàn bạc lựa chọn thời điểm an toàn nhất để sinh em bé, dựa trên các yếu tố:
Bao lâu nữa tới ngày dự sinh
Mức nghiêm trọng của tiền sản giật. Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho người mẹ.
Em bé có khỏe mạnh trong bụng mẹ hay không.
Em bé cần phải được sinh ra nếu có các dấu hiệu của tiền sản giật nặng, bao gồm:
Các kiểm tra cho thấy em bé phát triển không tốt hay không nhận đủ máu và oxy.
Số cuối của chỉ số huyết áp là hơn 110 mm Hg hoặc hơn 100 mm Hg liên tục trong hơn 24 giờ.
Các kết quả kiểm tra chức năng gan không bình thường.
Đau đầu nghiêm trọng
Đau phần bụng
Co giật hoặc thay đổi chức năng tâm thần (sản giật)
Tăng dịch trong phổi người mẹ.
Hội chứng HELLP (hiếm gặp)
Lượng tiểu cầu thấp hoặc bị chảy máu.
Ít tiết nước tiểu, có nhiều đạm trong nước tiểu và các triệu chứng khác cho thấy thận không làm việc hiệu quả.
Tiên lượng bệnh
Dấu hiệu và các triệu chứng tiền sản giật thông thường sẽ hết trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên tình trạng cao huyết áp đôi khi sẽ diễn biến xấu trong vòng vài ngày đầu sau khi sinh. Sản phụ vẫn có nguy cơ tiền sản giật trong khoảng 6 tuần sau sinh. Tình trạng tiền sản giật sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao hơn. Nếu nhận thấy bất kì triệu chứng tiền sản giật nào thì cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Nếu đã từng bị tiền sản giật thì thai phụ thường có khả năng bị lần nữa trong thai kì khác. Trong hầu hết các trường hợp thì lần sau không nghiêm trọng như lần đầu tiên.
Nếu bị cao huyết áp trong hơn một thai kì thì có khả năng sẽ bị cao huyết áp khi lớn tuổi.
Những biến chứng có thể xảy ra
Hiếm gặp nhưng những biến chứng nguy cấp nghiêm trọng cho người mẹ có thể bao gồm:
Chảy máu
Co giật (sản giật)
Bào thai chậm phát triển
Nhau thai tách sớm khỏi tử cung trước khi em bé được sinh ra
Vỡ gan
Đột quỵ
Tử vong (hiếm gặp)
Phụ nữ có tiền sử bị tiền sản giật thì nguy cơ bị các vấn đề về sức khỏe trong tương lai sẽ cao hơn, chẳng hạn:
Bệnh tim mạch
Tiểu đường
Bệnh thận
Khi nào cần gặp bác sĩ
Cần phải liên hệ bác sĩ nếu có triệu chứng tiền sản giật trong thai kì hoặc sau khi sinh.
Ngăn ngừa
Không có cách chắc chắn để ngăn ngừa tiền sản giật.
Nếu bác sĩ của bạn nghĩ rằng bạn có nguy cơ cao bị tiền sản giật thì họ có thể đề nghị sử dụng aspirin liều 81mg mỗi ngày giai đoạn cuối của ba tháng đầu hoặc bắt đầu ba tháng giữa của thai kì. Tuy nhiên, không được sử dụng aspirin trừ khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn nạp ít canxi, họ có thể đề nghị sử dụng thuốc bổ sung canxi mỗi ngày.
Không có các phương pháp phòng ngừa cụ thể cho tiền sản giật.
Điều quan trọng đối với tất cả phụ nữ mang thai là bắt đầu khám thai sớm và tiếp tục trong suốt thai kì và sau khi sinh.

Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Tài liệu tham khảo
Preeclampsia, U.S. National Library of Medicine, 4/19/2018 https://medlineplus.gov/ency/article/000898.htm
* Link được truy cập lần cuối vào ngày 6/11/2019