
Bệnh Thuỷ đậu, còn gọi là Trái rạ, là một bệnh dễ lây lan do vi rút varicella-zoster gây ra. Bệnh gây phát ban dạng mụn rộp, ngứa. Phát ban xuất hiện đầu tiên ở cổ, lưng, và mặt, sau lan ra toàn bộ cơ thể với khoảng 250 đến 500 mụn rộp gây ngứa. [1]
Bệnh Thuỷ đậu có thể gây nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người lớn, phụ nữ có thai và người có hệ miễn dịch suy giảm. Cách tốt nhất để phòng ngừa thuỷ đậu là tiêm phòng vắc xin Thuỷ đậu. [1]
Theo thống kê của CDC, kể từ khi chương trình vắc xin Thuỷ đậu bắt đầu tại Mỹ, đã giảm trên 90% các ca mắc, nhập viện và tử vong do bệnh Thuỷ đậu. [5]

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Thuỷ đậu? [2]
Bất cứ ai chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin Thuỷ đậu đều có nguy cơ mắc bệnh Thuỷ đậu. Bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là phát ban sau chuyển thành mụn rộp nước, ngứa rồi đóng vẩy. Phát ban xuất hiện đầu tiên ở cổ, lưng và mặt, sau lan toàn thân, gồm cả miệng, mí mắt, hoặc vùng sinh dục. Phát ban thường kéo dài khoảng 1 tuần đến khi tất cả các mụn rộp đóng vẩy.

Các triệu chứng điển hình khác có thể xuất hiện khoảng 1-2 ngày trước khi phát ban gồm:
Sốt
Mệt mỏi
Mất cảm giác ngon miệng
Đau đầu
Những ai có nguy cơ mắc biến chứng do bệnh Thuỷ đậu?[3]
Một vài bệnh nhân Thuỷ đậu có các triệu chứng nghiêm trọng và có nguy cơ biến chứng cao.
Các biến chứng do bệnh thuỷ đậu không thường gặp ở người khoẻ mạnh khi mắc bệnh, mà thường xảy ra ở những đối tượng sau:
Trẻ sơ sinh
Thanh thiếu niên
Người trưởng thành
Phụ nữ có thai
Người suy giảm hệ thống miễn dịch do mắc bệnh hoặc dùng thuốc, ví dụ như:
Người mắc HIV/AIDS hoặc Ung thư
Người ghép tạng
Người đang nhận hoá trị, thuốc ức chế miễn dịch, hoặc dùng steroid kéo dài.
Các biến chứng nghiêm trọng do bệnh Thuỷ đậu cần chú ý?
Nhiễm khuẩn da hoặc mô mềm ở trẻ em, như nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A
Viêm phổi
Viêm não, mất điều hoà tiểu não
Các vấn đề về chảy máu
Nhiễm trùng huyết
Mất nước
Các trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu có biến chứng nghiêm trọng cần nhập viện điều trị. Bệnh có thể gây tử vong.
Bệnh Thuỷ đậu lan truyền như thế nào?[4]
Bệnh Thuỷ đậu là một bệnh lây truyền do vi rút varicella-zoster gây ra. Vi rút lây lan dễ dàng từ người bệnh sang người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin. Vi rút lây lan chủ yếu khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Vi rút varricella-zoster cũng gây bệnh Zona. Do đó, bệnh Thuỷ đậu cũng có thể lây từ người mắc bệnh Zona sang người chưa từng mắc bệnh hoặc tiêm vắc xin Thuỷ đậu khi tiếp xúc gần với người bệnh.
Thời gian kể từ khi tiếp xúc với người mắc bệnh Thuỷ đậu hoặc Zona đến khi phát bệnh thường khoảng 2 tuần (10-21 ngày).

Một người mắc bệnh Thuỷ đậu có khả năng lây truyền bệnh bắt đầu từ 1 đến 2 ngày trước khi phát ban đến khi tất cả các nốt Thuỷ đậu đóng vảy. Những người đã được tiêm phòng vắc xin Thuỷ đậu mà vẫn mắc bệnh thì có thể xuất hiện các tổn thương không đóng vảy, những người này vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh cho đến khi không có thêm tổn thương mới nào trong 24 giờ.
Làm thế nào để phòng bệnh Thuỷ đậu?
Cách tốt nhất để phòng bệnh Thuỷ đậu là tiêm vắc xin Thuỷ đậu. Mọi người – gồm cả trẻ em, thanh thiếu niên, và người trưởng thành nên tiêm 2 mũi vắc xin Thuỷ đậu nếu chưa từng mắc bệnh hoặc tiêm vắc xin. [5]

Vắc xin Thuỷ đậu rất an toàn và hiệu quả. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin Thuỷ đậu đạt hơn 90% hiệu quả phòng bệnh. Việc tiêm đủ vắc xin không chỉ phòng bệnh cho người được tiêm phòng mà còn bảo vệ cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng khỏi bệnh Thuỷ đậu. Điều này đặc biệt quan trọng cho những người không thể tiêm vắc xin Thuỷ đậu như phụ nữ có thai, hoặc người có hệ miên dịch suy giảm.[5]
Đa số các trường hợp đã tiêm vắc xin đều không mắc bệnh Thuỷ đậu hoặc nếu mắc bệnh thì các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, nổi mụn rộp ít hoặc không có (có thể chỉ là các nốt đỏ) và sốt nhẹ hoặc không. Nguy cơ mắc Thuỷ đậu sau tiêm đủ 2 liều vắc xin Thuỷ đậu là thấp hơn so với chỉ tiêm 1 liều vắc xin.[5]
Theo Lịch tiêm chủng và lịch tiêm nhắc lại cho người từ 0-26 tuổi của Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, vắc xin Thuỷ đậu được khuyến cáo như sau:
Trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi: Tiêm 1 liều
Trẻ từ 13 tuổi và người lớn: Tiêm 2 liều cách nhau 4 – 8 tuần.[7]
Chú ý, vắc xin Thuỷ đậu chống chỉ định với phụ nữ mang thai, nếu tiêm phòng vắc xin Thuỷ đậu thì tránh mang thai ít nhất 1 tháng sau tiêm. [8]
Điều trị
Dựa vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Điều trị có thể gồm [9]:
Hạ sốt, giảm đau Acetaminophen [9]. Không sử dụng aspirin hoặc các chế phẩm chứa aspirin để giảm đau do có liên quan đến hội chứng Reye (một bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan, não và có thể gây tử vong) khi sử dụng aspirin ở trẻ em. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ cũng khuyến cáo tránh điều trị với ibuprofen nếu có thể do có liên quan đến các nhiễm khuẩn da gây đe doạ tính mạng.[5]
Chỉ định kháng sinh điều trị bội nhiễm do vi khuẩn (kháng sinh không dùng trong điều trị Thuỷ đậu)
Bôi kem Calamine để giảm ngứa (hỗn hợp của kẽm oxide và các thành phần khác dùng để điều trị ngứa) [10]
Điều trị thuốc kháng vi rút trong các trường hợp nghiêm trọng
Nghỉ ngơi
Bù dịch để phòng mất nước
Tắm nước mát với baking soda để giảm ngứa
Tránh để trẻ làm trầy xước các mụn nước vì có thể gây bội nhiễm. Cắt ngắn móng tay trẻ để gỉam nguy cơ gây thương tổn.
Thuốc kháng vi rút được khuyến cáo chỉ định cho các bệnh nhân mắc Thuỷ đậu có nguy cơ tiến triển nặng, gồm [5]:
Người lớn hơn 12 tuổi
Người mắc các bệnh phổi hoặc da mãn tính
Người điều trị salicylate hoặc steroid kéo dài
Phụ nữ mang thai
Người có hệ thống miễn dịch suy giảm
BS. Nguyễn Thuỳ Linh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Mai Thị Duyên - Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo:
[1] About chickenpox, CDC, December 31, 2018,
https://www.cdc.gov/chickenpox/about/index.html (Truy cập 7 Mar, 2019)
[2] signs and symptoms of chickenpox (varicella), CDC, December 31, 2018, https://www.cdc.gov/chickenpox/about/symptoms.html (Truy cập 7 Mar, 2019)
[3] Complications of chickenpox (varicella), CDC, December 31, 2018,
https://www.cdc.gov/chickenpox/about/complications.html (Truy cập 7 Mar, 2019)
[4] Transmission of chickenpox (varicella), CDC, December 31, 2018, https://www.cdc.gov/chickenpox/about/transmission.html (Truy cập 7 Mar, 2019)
[5] Prevention of chickenpox (varicella), CDC, December 31, 2018, https://www.cdc.gov/chickenpox/about/prevention-treatment.html (Truy cập 7 Mar, 2019)
[6] Vaccination of chickenpox (varicella), CDC, December 31, 2018,
https://www.cdc.gov/chickenpox/vaccination.html (Truy cập 7 Mar, 2019)
[7] Lịch tiêm chủng và lịch tiêm nhắc lại cho người từ 0-26 tuổi, Cổng thông tin Tiêm chủng Quốc gia, 22 Tháng Hai, 2017, http://tiemchung.gov.vn/2017/02/22/lich-tiem-chung-va-lich-tiem-nhac-lai-cho-nguoi-tu-0-26-tuoi/ (Truy cập 7 Mar, 2019)
[8] Guidelines for Vaccinating pregnant, CDC, August 15, 2017, https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp/guidelines.html#varicella (Truy cập 7 Mar, 2019)
[9] Treatment for chickenpox, Johns Hopkin medicine, https://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/pediatrics/chickenpox_90,P01890, (Truy cập 13 Mar, 2019)
[10] calamine and zinc oxide, medicinene, https://www.medicinenet.com/calamine_lotion-topical/article.htm#what_is_calamine_lotion-topical,_and_how_does_it_work_(mechanism_of_action)? (truy cập 23 Mar 2019)