top of page
Search

THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG


Đái tháo đường là bệnh xảy ra khi hàm lượng Glucose máu còn gọi là đường máu của bạn quá cao. Qua thời gian, lượng đường tích lũy quá nhiều trong máu có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.


Mặc dù tiểu đường không chữa được, bệnh nhân tiểu đường có thể từng bước kiểm soát tình trạng bệnh của họ và sống khỏe mạnh. Dùng Insulin và các thuốc trị tiểu đường khác là một phần của điều trị tiểu đường, cùng với lựa chọn các thực phẩm khỏe mạnh và hoạt động thể lực.[1]


Thực phẩm chức năng


Theo FDA, các thực phẩm chức năng bao gồm các loại vitamin, các chất khoáng, các loại thảo dược như quế và một loại thảo dược có tên là St.John’s wort, và các loại acid amin. Chúng có thể được sử dụng bổ sung vào thực đơn dưới dạng viên uống, dạng chất lỏng hoặc là dạng bột. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc [2],[3]. Thảo dược St.John’s wort có hoa màu vàng và nó đã được sử dụng cho các mục đích điều trị ở nhiều nơi trên thế giới qua hàng ngàn năm. Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành để đánh giá hiệu quả của loại thảo dược St.John’s wort này.[3]


Các dạng chủ yếu của phẩm chức năng chính bao gồm: các loại thảo dược (chiết xuất từ các loại cây và có thể bao gồm các loại cỏ), các loại vitamin, khoáng chất, acid béo và các loại thực phẩm chức năng khác.[3]


Thực phẩm chức năng có thể giúp kiểm soát Bệnh tiểu đường như thế nào ?


Cho đến nay vẫn chưa có đủ nghiên cứu chứng minh hiệu quả của các loại thực phẩm chức năng trong bệnh tiểu đường. [4]


Acid alpha Lipoic[1]


Acid alpha Lipoic đang được nghiên cứu về hiệu quả trong điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường, bao gồm bệnh phù võng mạc đái tháo đường ( một bệnh về mắt dẫn đến mất thị lực) và bệnh thần kinh đái tháo đường ( tổn thương thần kinh do tiểu đường)


Khuyến cáo: Bổ sung liều cao acid alpha lipoic có thể gây ra các vấn đề về dạ dày.


Các loại thảo dược: [1]


  • Không có bất kì bằng chứng đáng tin cậy nào cho rằng thảo dược có thể kiểm soát tiểu đường và các biến chứng của tiểu đường.

  • Cây quế không mang lại lợi ích rõ ràng đối với bệnh tiểu đường.

  • Các thảo dược được sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường bao gồm khổ qua, nhiều loại thuốc Bắc, cỏ cari (fenugreek), nhân sâm, kế sữa (milk thistle) và khoai lang. Chưa có nghiên cứu có thể chứng minh được rằng bất kì loại nào trong số đó là hiệu quả, và ngoài ra một số còn có tác dụng phụ.


Khuyến cáo:


Chúng ta có rất ít thông tin kết luận về sự an toàn của việc sử dụng thảo dược bổ sung.


Loại quế Cassia là loại quế được bán phổ biến nhất ở Mỹ và Canada, chứa một lượng thay đổi Coumarin, chất này có thể gây ra hoặc là làm tệ hơn bệnh về gan. Sử dụng các thảo dược như St. John’s wort, xương rồng lê gai, lô hội, hoặc nhân sâm kết hợp với các thuốc tiểu đường thông thường có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.


Omega 3 [1]

  • Bổ sung omega 3 như dầu cá vẫn chưa được cho thấy là có thể điều hòa đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường hoặc là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

  • Bổ sung Omega 3 thường không có tác dụng phụ. Trong trường hợp có xảy ra tác dụng phụ thì cũng chỉ có các triệu chứng nhẹ nhàng như khó thở, khó tiêu, tiêu chảy.

  • Bổ sung omega 3 có thể tương tác với các loại thuốc ảnh hưởng đến sự đông máu.

Selen [1]


Một bài đánh giá của 4 nghiên cứu trên tổng cộng 20000 người tham gia cho thấy bổ sung Selen không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.Bổ sung quá nhiều Selen dài ngày có thể gây ra các ảnh hưởng xấu, bao gồm rụng tóc, rụng móng, các triệu chứng dạ dày ruột, và sự bất thường của hệ thống thần kinh.


Vitamins [1]


Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung vitamin C không cải thiện khả năng kiểm soát đường máu, hoặc các tình trạng khác ở bệnh nhân tiểu đường.


Hàm lượng thấp vitamin D thường kết hợp với việc tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa, như tiểu đường loại 2, đề kháng Insulin. Tuy nhiên vitamin D không giúp gì trong việc ngăn ngừa và điều hòa đường huyết đối với người có đường huyết bình thường, người tiền đái tháo đường và người mắc đái tháo đường loại 2.


Các thực phẩm bổ sung khác [1]


Các dẫn chứng vẫn còn sơ bộ đối với việc cung cấp các thực phẩm, thức ăn giàu polyphenol và chất chống oxi hóa như trong trà, café, rượu, nước hoa quả, rau, ngũ cốc,… có thể ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường như thế nào.


Với các nghiên cứu đang được tiến hành chỉ ra 2 chất khoáng có thể liên quan tới việc kiểm soát đường máu: là crôm và magie


Crôm giúp cơ thể sử dụng đường một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định liệu bổ sung Magie có giúp kiểm soát mức đường trong máu ở những người không thiếu Magie hay không.[4]


Một bài phê bình trên tạp chí Y Dược năm 2014 ,với 25 nghiên cứu, bao gồm 1600 người tham gia, đã kết luận rằng việc bổ sung crôm đi cùng với điều trị thông thường giúp nâng cao việc kiểm soát đường huyết đối với bệnh nhân đái tháo đường (chủ yếu là loại 2) kiểm soát đường huyết kém. Bổ sung crôm có thể gây sưng và đau dạ dày. Có một vài báo cáo về tổn thương thận, các vấn đề ở cơ và các phản ứng ở da khi dùng liều cao. Các tác dụng đối với việc dùng crôm dài ngày vẫn chưa được nghiên cứu.[1]


Magie: lượng magie thường thấp ở những người có vấn đề với việc bài tiết Insulin và những người tiểu đường type 2 có biến chứng. Liệu việc bổ sung Magie có thể giúp làm giảm những vấn đề trên hay không vẫn còn chưa được biết rõ.[4]

Magie có nhiều trong các loại ngũ cốc có cám, như các loại hạt, hạt dẻ, rau bina. Bổ sung Magie liều cao có thể gây ra tiêu chảy và đau quặn bụng. Bổ sung liều rất cao Magie trên 5000 mg/ngày có thể gây tử vong.[1]


Có mối liên hệ giữa việc sử dụng một số thực phẩm chức năng và bệnh thận. Đây là vấn đề đáng quan ngại ở bệnh nhân tiểu đường, vì tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về thận. Nếu bạn mắc phải hoặc có nguy cơ mắc các bệnh thận thì việc sử dụng các thực phẩm chức năng nên được giám sát bởi chuyên gia y tế.[1]


Thực phẩm chức năng có thể làm cản trở việc kiểm soát bệnh tiểu đường như thế nào ?


Nếu bạn không cẩn thận thì việc sử dụng thực phẩm chức năng trong bệnh tiểu đường có thể gây nguy hiểm. Và đây là lý do tại sao :[4]


  • Nhiều loại thực phẩm chức năng được phát hiện có chứa những chất khác ngoài các chất được ghi trên nhãn mác.

  • Một số thực phẩm chức năng có thể tương tác (làm tăng hoặc giảm hiệu quả) với các thuốc đang điều trị hoặc với các thực phẩm chức năng khác như thảo dược. Ví dụ như thảo dược St.John’s wort được biết có nhiều tương tác thuốc và nên tránh sử dụng cùng với nhiều thuốc khác.


Dinh dưỡng và hoạt động thể chất cho bệnh nhân tiểu đường


Dinh dưỡng và hoạt động thể chất để có lối sống khỏe mạnh có thể giúp ích cho những người mắc tiểu đường. FDA cũng cảnh báo người tiêu dùng không nên mua các sản phẩm bất hợp pháp, các sản phẩm khẳng định rằng có thể chữa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Các sản phẩm loại này thường hay có những câu quảng cáo khẳng định như “ hạ đường huyết một cách tự nhiên” hoặc là “ liệu pháp rẻ tiền giúp điều trị tiểu đường type 2”. Các sản phẩm này có thể chứa các thành phần có hại và nhãn mác của sản phẩm có thể không phản ánh đúng thành phần bên trong.[1]


Hãy nhớ rằng các thực phẩm chức năng có thể tương tác với các liệu pháp điều trị hoặc với các thực phẩm chức năng khác.[1]


Hãy chịu trách nhiệm đối với sức khỏe của bạn và nói chuyện với chuyên gia tư vấn sức khỏe về các thực phẩm chức năng bạn muốn sử dụng thể đưa ra các quyết định đúng đắn cho mình.[1]


 

Biên soạn: Lê Nhả Duyên -SV Y2 ĐH Y dược Huế


Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi


Infographic: Mai Thị Duyên –  Anh ngữ Popodoo Lai Châu


Tài liệu tham khảo :

1. Diabetes and Dietary Supplements, May 30, 2018

https://nccih.nih.gov/health/diabetes/supplements

(truy cập 22/01/2019)

2. St.John’s wort for treating depression, Mar 09, 2018

https://www.webmd.com/depression/guide/st-johns-wort#1

(truy cập 30/01/2019)

3. Types of Dietary Supplements, May 14, 2014

http://diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/medication/other-treatments/herbs-supplements-and-alternative-medicines/types-of-dietary-supplements.html

(truy cập 30/01/2019)

4. Diabetes and Dietary Supplements, Jan 31, 2017

https://www.webmd.com/diabetes/diabetes-dietary-supplements

(truy cập 30/01/2019)

271 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page