top of page
Search

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM


Khái niệm


Ngày nay, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một thuật ngữ thông dụng. Nhưng cách đây không lâu, đó vẫn là một quy trình còn nhiều bí ẩn về việc tạo ra những "em bé ống nghiệm". Louise Brown, sinh ra ở Anh vào năm 1978, là đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh ngoài tử cung của mẹ. Không giống như quá trình thụ tinh nhân tạo đơn giản, trong đó tinh trùng được đặt vào tử cung và việc thụ thai diễn ra bình thường, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng trong đĩa thí nghiệm. Phôi thai sau khi hình thành sẽ được đặt vào tử cung [1] [2]


Tại sao phương pháp này được thực hiện [2]


IVF được thực hiện để giúp một người phụ nữ mang thai. Phương pháp này được áp dụng để khắc phục nhiều nguyên nhân gây vô sinh, bao gồm:

• Phụ nữ tuổi cao

• Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc bị tắc (có thể do bệnh viêm vùng chậu hoặc phẫu thuật sinh sản trước đó)

• Lạc nội mạc tử cung

• Yếu tố vô sinh nam, bao gồm giảm số lượng và tắc nghẽn tinh trùng

• Vô sinh không rõ nguyên nhân


Quy trình [2]


Thông thường, trứng và tinh trùng được thụ tinh trong cơ thể người phụ nữ. Nếu trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung và tiếp tục phát triển, em bé được sinh ra khoảng 9 tháng sau đó. Quá trình này được gọi là thụ thai tự nhiên.

IVF là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART), được tiến hành khi các kỹ thuật sinh sản ít tốn kém hơn đã thất bại.


Quy trình IVF gồm 5 bước cơ bản:

Bước 1: Kích thích, còn gọi là siêu rụng trứng

• Thuốc sinh sản được cung cấp cho người phụ nữ sử dụng để kích thích tạo trứng

• Thông thường, một phụ nữ sản xuất một quả trứng mỗi tháng. Thuốc sinh sản kích thích tạo nhiều trứng hơn.

• Trong bước này, người phụ nữ sẽ được siêu âm thường xuyên để kiểm tra buồng trứng và xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hoóc-môn


Bước 2: thu thập trứng

  • Tiểu phẫu được tiến hành để chọc hút trứng

  • Người phụ nữ có thể ra về trong ngày sau khi chọc hút trứng và được cho thuốc giảm đau. Thủ thuật được tiến hành dưới sự hướng dẫn của siêu âm: BS sẽ dùng kim nhỏ chọc qua âm đạo vào buồng trứng và nang trứng chứa trứng. Kim được nối với dụng cụ hút trứng và dịch ra khỏi nang cùng một lúc.

  • Quy trình được lặp lại tương tự cho buồng trứng còn lại. Sau thủ thuật có thể bị đau bụng dưới và sẽ hết trong vòng 1 ngày

  • Trong 1 số trường hợp hiếm,nội soi ổ bụng được thực hiện để lấy trứng ra. Trường hợp phụ nữ không thể tạo ra trứng, cần phải sử dụng trứng được hiến tặng.


Bước 3: Thụ tinh

• Tinh trùng của người đàn ông được đặt cùng với trứng có chất lượng tốt nhất. Sự kết hợp của tinh trùng và trứng được gọi là thụ tinh.

• Trứng và tinh trùng sau đó được lưu trữ trong buồng môi trường được kiểm soát. Tinh trùng thường xâm nhập (thụ tinh) một quả trứng vài giờ sau khi thụ tinh.

• Nếu bác sĩ nghi ngờ cơ hội thụ tinh thấp, tinh trùng có thể được tiêm trực tiếp vào trứng. Thủ thuật này được gọi là tiêm tinh trùng vào buồng trứng (ICSI).


Bước 4: Nuôi cấy phôi

• Khi trứng được thụ tinh phân chia, nó sẽ trở thành phôi thai. Nhân viên phòng thí nghiệm sẽ thường xuyên kiểm tra phôi để đảm bảo phôi đang phát triển đúng cách. Trong vòng khoảng 5 ngày, một phôi bình thường có một số tế bào đang tích cực phân chia.

• Các cặp vợ chồng có nguy cơ truyền bệnh sang con (di truyền) có thể cân nhắc chẩn đoán di truyền trước cấy ghép (PGD).

• Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, PGD có thể giúp cha mẹ quyết định cấy phôi nào. Điều này làm giảm nguy cơ truyền bệnh cho trẻ. Kỹ thuật này đang gây tranh cãi và không được thực hiện tại tất cả các trung tâm.


Bước 5: Chuyển phôi

• Phôi được đặt vào tử cung của người phụ nữ từ 3 đến 5 ngày sau khi lấy trứng và thụ tinh.

• Thủ tục được thực hiện khi người phụ nữ còn tỉnh. Bác sĩ sẽ chèn một ống mỏng (ống thông) chứa phôi vào âm đạo của người phụ nữ, qua cổ tử cung và lên tử cung. Nếu một phôi cấy vào trong niêm mạc tử cung và phát triển, người phụ nữ sẽ mang thai.

• Nhiều phôi có thể được đặt vào tử cung cùng một lúc, điều này có thể dẫn đến sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn. Số lượng phôi chính xác được chuyển là một vấn đề phức tạp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tuổi của người phụ nữ.

• Phôi không được sử dụng có thể được đông lạnh và cấy hoặc hiến tặng cho cặp vợ chồng khác.


Tỷ lệ thành công cho IVF là bao nhiêu?


Tỷ lệ thành công cho IVF phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm lý do vô sinh, nơi thực hiện thủ thuật và tuổi. CDC tổng hợp số liệu thống kê quốc gia cho tất cả các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) được thực hiện ở Hoa Kỳ, bao gồm IVF, GIFT và ZIFT, IVF là phổ biến nhất; nó chiếm 99% các thủ thuật. Báo cáo gần đây nhất từ năm 2016 cho thấy: [1]

• Mang thai đạt được trung bình 27,3% của tất cả các biện pháp (cao hoặc thấp hơn tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ).

• Tỷ lệ phần trăm của các phương pháp dẫn đến sinh con trung bình là 22,2% (cao hoặc thấp hơn tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ).


Ai phù hợp làm IVF? [3]


• Phụ nữ bị mất hoặc không thể phẫu thuật hồi phục ống dẫn trứng

• Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và không thể thể mang thai sau khi điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật

• Phụ nữ bị rối loạn chức năng buồng trứng, người không có khả năng mang thai sau khi rụng trứng thường xuyên

• Phụ nữ có tiền sử phơi nhiễm DES khi mang thai (tử cung hình chữ T)

• Các cặp vợ chồng bị vô sinh không giải thích được

• Các cặp vợ chồng mà chồng có số lượng tinh trùng rất thấp


 

Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Nguyễn Phương Uyên

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/guide/in-vitro-fertilization#1

  2. https://medlineplus.gov/ency/article/007279.htm

  3. https://www.hopkinsmedicine.org/gynecology_obstetrics/specialty_areas/fertility-center/infertility-services/ART-procedures/ivf.html


70 views0 comments
bottom of page