top of page
Search

THIẾT BỊ THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT



Mục đích sử dụng?


Đây là một dụng cụ xét nghiệm được sử dụng tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế để đo lường lượng đường (glucose) trong máu.


Glucose là gì?


Glucose là một loại đường cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Thông thường cơ thể có cơ chế tự điều hòa lượng đường trong máu, ngoại trừ người mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường cần chế độ ăn uống đặc biệt và có thể phải sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết.


Đây là loại xét nghiệm gì?


Đây là một xét nghiệm định lượng, xác định nồng độ glucose trong máu.


Tại sao nên làm xét nghiệm này?


Xét nghiệm glucose máu cho phép bạn kiểm soát đường huyết và có can thiệp điều trị kịp thời nếu mắc đái tháo đường. Bác sĩ và bệnh nhân có thể dựa trên kết quả xét nghiệm để:

· Điều chỉnh điều trị hàng ngày.

· Biết được nếu mức đường máu lên cao hoặc xuống thấp đến mức nguy hiểm

· Thay đổi chế độ ăn và tập luyện để kiểm soát đường huyết

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về kiểm soát bệnh và biến chứng đái tháo đường (1993) cho thấy tự theo dõi glucose máu tốt bằng thiết bị tại nhà làm giảm nguy cơ gặp biến chứng.


Bao lâu bạn nên kiểm tra glucose máu? Hỏi ý kiến bác sĩ về tần suất kiểm tra. Để điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc điều trị, bạn có thể cần phải tự kiểm tra nhiều lần mỗi ngày.


Mức đường máu nên là bao nhiêu? Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (Tiêu chuẩn chăm sóc y tế trong bệnh tiểu đường - 2017. Chăm sóc bệnh tiểu đường, 1/2017, tập 40, Bổ sung 1, S11-S24), mức đường huyết cho người trưởng thành bình thường là dưới 100 mg/dL khi đói và dưới 140 mg/dL 2 giờ sau ăn.

Bệnh nhân bị tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ về mức đường huyết mục tiêu, từ đó đề ra phương pháp điều trị thích hợp.


Độ chính xác của xét nghiệm này như thế nào? Độ chính xác của xét nghiệm này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:

· chất lượng của thiết bị đo

· chất lượng que thử của bạn (nên sử dụng loại đã được FDA công nhận)

· cách thực hiện xét nghiệm. Bạn nên rửa và lau khô tay trước khi kiểm tra và làm theo các hướng dẫn để vận hành thiết bị đo

· hematocrit (số lượng hồng cầu trong máu). Kết quả xét nghiệm có thể kém chính xác nếu bệnh nhân bị mất nước nặng hoặc thiếu máu

· các chất gây nhiễu (như vitamin C, tylenol và axit uric). Tra hướng dẫn cho thiết bị đo để tìm ra những chất có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm

· độ cao, nhiệt độ và độ ẩm (độ cao, nhiệt độ thấp và cao, và độ ẩm có thể gây ra những ảnh hưởng đến với kết quả glucose). Kiểm tra hướng dẫn sử dụng thiết bị đo và que thử để biết thêm thông tin.

· Lưu trữ thiết bị đo và và bảo quản que thử kín theo hướng dẫn của nhà sản xuất.


Thực hiện xét nghiệm như thế nào? Trước khi bạn đo đường huyết, bạn cần đọc và hiểu hướng dẫn của thiết bị đo. Đầu tiên, bạn dùng kim để lấy máu từ ngón tay, sau đó nhỏ giọt máu lên que thử. Que thử có chứa chất phản ứng với đường, từ đó đưa ra kết quả đo thông qua tín hiệu điện hoặc quang. Ở Mỹ, các thiết bị sẽ cho kết quả lượng đường trong máu với đơn vị là mg/dl.

Bạn có thể tìm kiếm thông tin thiết bị đo và que thử từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả hướng dẫn sử dụng trên website của nhà sản xuất. Nếu bạn có vấn đề khẩn cấp, hãy liên hệ với cán bộ y tế hoặc đơn vị cấp cứu địa phương.


Chọn thiết bị đo như thế nào?

Trên thị trường hiện có nhiều loại thiết bị đo khác nhau, khác nhau ở:

· Độ chính xác

· Lượng máu cần cho mỗi lần xét nghiệm

· Đơn giản khi sử dụng

· Đau khi sử dụng

· Tốc độ phân tích

· Kích thước

· Khả năng lưu giữ kết quả trong bộ nhớ

· Khả năng can thiệp

· Khả năng xuất dữ liệu ra máy tính

· Giá

· Giá của que thử

· Khuyến cáo của bác sĩ

· Hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất

· Tính năng đặc biệt như thời gian tự động, mã lỗi, màn hình hiển thị lớn hoặc hướng dẫn và đọc kết quả bằng giọng nói


Dưới đây là một số cách để đảm bảo hoạt động của thiết bị đo:


1. Sử dụng dung dịch thử mẫu

· Mỗi khi bạn mở hộp que thử mới

· Thỉnh thoảng khi sử dụng hộp que thử

· Khi bạn làm rơi thiết bị đo

· Khi kết quả đo bất thường


2. Để kiểm tra hoạt động của máy đo, bạn nhỏ một giọt dung dịch thử mẫu lên que thử giống như nhỏ máu. Kết quả đo được phải khớp với giá trị ghi trên nhãn que thử.


3. Sử dụng kiểm tra điện tử. Mỗi khi bật thiết bị đo, máy sẽ kiểm tra điện tử. Nếu máy có vấn đề, nó sẽ đưa ra mã lỗi. Xem trong hướng dẫn sử dụng để xem lỗi là gì và cách khắc phục lỗi. Nếu bạn không chắc chắn máy đo của mình có hoạt động tốt hay không, hãy liên hệ với nhà sản xuất và bác sĩ của bạn.


4. So sánh kết quả thu được từ thiết bị đo với kết quả được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Nếu 2 kết quả trùng khớp thì máy đo của bạn hoạt động tốt và bạn đã đo đúng kỹ thuật.


Nên làm gì nếu thiết bị đo của bạn gặp trục trặc? Nếu thiết bị đo của bạn gặp trục trặc, bạn nên báo cho bác sĩ của bạn và liên hệ với công ty sản xuất.


Có thể kiểm tra đường huyết từ vị trí khác ngoài ngón tay được không? Một số thiết bị đo cho phép bạn thử máu từ các vị trí khác đầu ngón tay ví dụ lòng bàn tay, cánh tay trên, cẳng tay, đùi hoặc bắp chân. Không nên lấy máu từ các vị trí khác ngoài ngón tay khi đường huyết của bạn có thể thay đổi nhanh chóng, vì những vị trí lấy mẫu này có thể cung cấp kết quả không chính xác tại thời điểm đó. Bạn chỉ nên sử dụng máu từ đầu ngón tay để kiểm tra trong các trường hợp sau:

• mới dùng insulin

• khi đường máu thấp

• không nhận thức được các triệu chứng khi bị hạ đường huyết

• kết quả không giống với biểu hiện

• ngay sau khi ăn

• ngay sau khi tập thể dục

• bị ốm

• bị căng thẳng

Ngoài ra, bạn không nên sử dụng kết quả vị trí lấy mẫu thay thế để hiệu chỉnh máy theo dõi glucose liên tục hoặc trong việc tính liều lượng insulin.


 

Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Nguyễn Phương Uyên


Nguồn: FDA




493 views0 comments
bottom of page