Tia tử ngoại có ở đâu?
Ánh sáng mặt trời là nguồn chính tạo ra tia tử ngoại (UV) [2]
Ngoài ra tia tử ngoại còn được tạo ra từ những nguồn nhân tạo khác như là buồng nhuộm da, ánh đèn màu đen, đèn diệt khuẩn, đèn hơi thủy ngân, đèn halogen, đèn chiếu sáng cường độ cao, nguồn huỳnh quang và một số loại tia laser [3]
Phân loại tia tử ngoại

Ánh sáng mặt trời là một dạng thường gặp nhất của tia UV mặc dù tỉ lệ tia UV trong ánh sáng mặt trời rất nhỏ. Tia tử ngoại là nguyên nhân chính của những ảnh hưởng xấu mà ánh sáng mặt trời gây nên cho da chúng ta [2].
Có 3 loại tia UV chính:[1]
- UVA
- UVB
- UVC
UVA có bước sóng dài nhất, tiếp đến là UVB và UVC có bước sóng ngắn nhất. Tầng ozone cho tia UVA và phần lớn tia UVB được truyền qua để xuống mặt đất, và hấp thụ một phần tia UVB và toàn bộ tia UVC, chính vì vậy mà tia UV chúng ta tiếp xúc hằng ngày chính là tia UVA và một phần tia UVB
- Tia UVB có bước sóng ngắn nên chỉ tác động đến lớp ngoài cùng của da (lớp biểu bì). UVB có năng lượng lớn hơn UVA, có thể phá hủy trực tiếp DNA của tế bào da, và là tác nhân chính gây tình trạng da cháy nắng. UVB được cho là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư da. [1],[2]
- Tia UVA có bước sóng dài hơn nên có thể đi đến lớp giữa của da (lớp hạ bì), gây lão hóa da và phá hủy DNA của tế bào da. Tia UVA là nguyên nhân của những hệ quả dài hạn như nếp nhăn trên da và cũng được cho là nguyên nhân của một số trường hợp ung thư da. [1],[2]

Những yếu tố ảnh hưởng đến cường độ của tia tử ngoại [2]
- Thời gian trong ngày: cường độ tia UV mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Mùa: mạnh nhất vào mùa xuân và mùa hè
- Khoảng cách từ đường xích đạo (vĩ độ): Càng đi xa đường xích đạo thì bị ảnh hưởng bởi tia UV càng ít.
- Độ cao so với mực nước biển: Càng ở trên cao thì bị ảnh hưởng bởi tia UV càng nhiều.
- Mây che phủ: Ảnh hưởng của mây cũng thay đổi, đôi khi mây có thể ngăn cản tia nhưng cũng có khi lại tăng cường độ của tia UV. Nhưng điều quan trọng chúng ta nên nhớ là tia UV vẫn có thể xuyên qua ngay cả khi trời nhiều mây.
- Sự phản xạ của bề mặt: UV bị phản xạ ngược trở lại ở các bề mặt như nước, cát, tuyết, vỉa hè, kiếng dẫn đến việc tăng cường độ của tia UV.
Lượng tia UV tiếp xúc với cơ thể phụ thuộc vào cường độ, thời gian tiếp xúc của da và da có được che chắn bởi quần áo hoặc kem chống nắng hay không.
Những tổn thương trên da do tia tử ngoại
UVA và UVB đều gây hại cho da. Cháy nắng là dấu hiệu của việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, tiếp đến sẽ là lão hóa da sớm và ung thư da nếu da chúng ta tiếp xúc với tia UV trong một thời gian dài.
Những dạng thuốc uống và thuốc bôi ví dụ: kháng sinh, Thuốc tránh thai, sản phẩm có chứa benzoyl peroxide, cũng như một số loại mỹ phẩm có thể làm tăng nhạy cảm của da với tia UV. Vì vậy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Liệu tia tử ngoại có mang lại lợi ích gì không?
Việc tiếp xúc với tia tử ngoại giúp da sản sinh ra vitamin D (Vitamin D3), đây là một chất kết hợp với calci giúp cho cơ xương chắc khỏe. Tuy nhiên, để mang lại lợi ích còn phụ thuộc vào một số yếu tố: lượng vitamin D bổ sung hằng ngày trong bữa ăn, màu da, việc sử dụng kem chống nắng, quần áo che chắn, khu vực sinh sống, thời gian trong ngày, thời gian trong năm.
Và cũng lưu ý là FDA không phê duyệt cho việc sử dụng những dụng cụ nhuộm da để giúp sản sinh ra vitamin D trong nhà mà không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Tia UV có trong tia laser, đèn hoặc đèn laser, thuốc bôi làm tăng nhạy cảm với tia UV được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác. Phương pháp điều trị này gọi là liệu pháp ánh sáng, được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được huấn luyện dưới sự giám sát của bác sĩ da liễu. Một số nghiên cứu cho thấy, có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng để điều trị những trường hợp bệnh nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác như:
- Bệnh còi xương
- Bệnh vẩy nến
- Bệnh eczema
- Bệnh bạch biến
- Bệnh lupus
DS: Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo:
1. Ultraviolet (UV) Radiation, Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), 12/12/2017, https://www.fda.gov/radiation-emittingproducts/radiationemittingproductsandprocedures/tanning/ucm116425.htm (truy cập 11/09/2018)
2. What Is Ultraviolet (UV) Radiation?, American Cancer Society (ACS), April 19, 2017, https://www.cancer.org/cancer/skin-cancer/prevention-and-early-detection/what-is-uv-radiation.html (truy cập 11/09/2018)
3. What is Ultraviolet Light? – Definition, Wavelength & Uses, study.com,
https://study.com/academy/lesson/what-is-ultraviolet-light-definition-wavelength-uses.html(truy cập 11/09/2018)