Thai kỳ bắt đầu như thế nào?
Thụ tinh - sự kết hợp của một trứng và một tinh trùng thành một tế bào, là bước đầu tiên của quá trình mang thai. Sự thụ tinh diễn ra ở ống dẫn trứng. Qua một vài ngày, tế bào đó phân chia thành nhiều tế bào. Cùng lúc ấy, nhóm các tế bào đang phân chia đó di chuyển theo ống dẫn trứng đến nội mạc tử cung để làm tổ và bắt đầu lớn lên. Từ khi làm tổ cho đến cuối tuần thứ 8 của thai kỳ, nó được gọi là phôi. Từ tuần thứ 9 của thai kỳ đến khi sinh, nó được gọi là thai nhi.
Nhau thai là gì?
Nhau thai được tạo từ một số tế bào đang phân chia này. Nhau thai là hệ thống hỗ trợ sự sống trong suốt thai kỳ. Oxy, dinh dưỡng và hóc môn từ mẹ được vận chuyển qua nhau thai đến thai nhi, và chất thải từ thai nhi được vận chuyển qua nhau thai đến mẹ để thải ra ngoài.
Tử cung của bạn sẽ thay đổi như thế nào trong suốt thai kỳ?
Trong suốt thai kỳ, nội mạc tử cung dày lên, và những mạch máu lớn hơn để cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Khi thai nhi đang phát triển, tử cung tăng kích thước để có chỗ cho thai nhi đang lớn lên. Đến khi em bé được sinh ra, kích thước tử cung tăng gấp nhiều lần so với kích thước bình thường.
Thai kỳ kéo dài bao lâu?
Thai kỳ bình thường kéo dài 40 tuần, tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối (last menstrual period-LMP). Thai kỳ được cho rằng bắt đầu sau 2 tuần tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối do đó, thai nhi chính thức kéo dài 10 tháng (40 tuần) – không phải 9 tháng – bởi vì có 2 tuần thêm vào.
Độ dài của thai kỳ được đo như thế nào?
Thai kỳ có thể được chia thành các tuần và đôi khi là ngày. Một thai kỳ, 36 và 3/7 tuần nghĩa là “thai kỳ được 36 tuần và 3 ngày”. 40 tuần của thai kỳ được nhóm thành 3 tam cá nguyệt. Mỗi tam cá nguyệt kéo dài khoảng 12-13 tuần (hoặc khoảng 3 tháng).
- Tam cá nguyệt đầu: 0 tuần - 13 tuần 6 ngày (Tháng 1-3)
- Tam cá nguyệt thứ 2: 14 tuần 0 ngày – 27 tuần 6 ngày ( Tháng 4-7)
- Tam cá nguyệt thứ 3: 28 tuần 0 ngày – 40 tuần 6 ngày (Tháng 7-9)
Ngày dự sanh là gì?
Ngày con bạn dự kiến được sanh ra gọi là ngày dự sanh (EDD). Chỉ khoảng 1 trong 20 phụ nữ sinh con ra đúng ngày dự sanh. Cho đến giờ, EDD vẫn hữu dụng vì một số lý do. Nó xác định tuổi thai con của bạn xuyên suốt thai kỳ vì vậy có thể theo dõi sự lớn lên của thai nhi, giúp xác định thời gian cho những xét nghiệm nhất định mà bạn sẽ làm suốt thai kỳ của mình.
Ngày dự sanh được tính như thế nào?
Ngày dự sanh của bạn được tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối. Nhưng khi ngày kinh đầu của kỳ kinh cuối không chắc chắn, siêu âm có thể được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu để tính ngày dự sanh. Nếu bạn thụ tinh ống nghiệm, ngày dự sanh được tính bằng tuổi của phôi và ngày mà phôi được chuyển vào tử cung.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 1-8 của thai kỳ?
Nhau thai được hình thành. Não bộ và tủy sống bắt đầu hình thành. Các mô hình thành tim bắt đầu đập và nhịp tim có thể được phát hiện ra bằng siêu âm lúc thai kỳ khoảng 6 tuần. Mầm chi xuất hiện với bàn tay, bàn chân trông như mái chèo. Mắt, tai và mũi bắt đầu phát triển. Mi mắt hình thành, nhưng vẫn đóng. Bộ phận sinh dục bắt đầu phát triển. Trước ngày cuối cùng của tuần thứ 8, tất cả các cơ quan chính và hệ thống cơ thể đã phát triển.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 9-12 của thai kỳ?
Mầm răng xuất hiện. Ngón tay và ngón chân bắt đầu hình thành. Móng mềm bắt đầu hình thành. Xương và cơ bắt đầu lớn lên. Ruột bắt đầu hình thành. Xương cột sống thì mềm và có thể uốn cong. Da mỏng và trong suốt. Bàn tay thì phát triển hơn bàn chân. Cánh tay thì dài hơn chân.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 13-16 của thai kỳ?
Tay và chân có thể uốn cong. Cơ quan sinh dục ngoài được hình thành. Tai ngoài bắt đầu phát triển. thai nhi có thể nuốt hoặc nghe. Cổ được hình thành. Thận bắt đầu thực hiện chức năng và bắt đầu sản xuất nước tiểu
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 17-20 của thai kỳ?
Phản xạ mút phát triển. Thai nhi có thể mút ngón cái khi bàn tay trôi vào miệng. Da có nếp nhăn, và cơ thể được phủ bởi một lớp sáp (vernix – bã nhờn) và lông mịn (lông tơ). Thai nhi hoạt động nhiều hơn. Bạn có thể cảm nhận thấy sự di chuyển. Thai nhi ngủ và thức giấc điều đặn. Móng phát triển tới đầu mút của các ngón tay. Túi mật bắt đầu sản xuất mật, cần thiết cho tiêu hóa dinh dưỡng. Ở bé gái, trứng được hình thành ở buồng trứng. Ở bé trai, tinh hoàn di chuyển xuống dưới. Có thể biết được giới tính của thai nhi trên kiểm tra siêu âm.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 21-24 của thai kỳ?
Thai nhi có thể nấc cục. Não bộ phát triển nhanh chóng. Tuyến lệ đang phát triển. Dấu vân ngón tay và ngón chân có thể được nhìn thấy. Phổi được hình thành đầy đủ nhưng chưa sẵn sàng để thực hiện chức năng bên ngoài tử cung.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 25-28 của thai kỳ?
Đôi mắt có thể mở và đóng, nhận thức được sự thay đổi của ánh sáng. Thai nhi biết đá và duỗi. Thai nhi có thể thực hiện được cử động nắm và đáp ứng với âm thanh. Tế bào phổi bắt đầu tạo một chất giúp trẻ thở được.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 29-32 của thai kỳ?
Hoàn thành phần lớn sự phát triển, thai nhi tăng trọng rất nhanh. Xương cứng hơn, nhưng xương sọ vẫn mềm và linh hoạt để chuẩn bị cho việc sanh nở.
Những vùng khác nhau của não tiếp tục được hình thành. Tóc trên đầu bắt đầu mọc. Lông tơ bắt đầu biến mất.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 33-36 của thai kỳ?
Thai kỳ thường quay đầu xuống dưới cho việc chào đời. Não tiếp tục phát triển. Da ít nhăn hơn. Phổi trưởng thành và sẵn sàng cho việc thực hiện chức năng bên ngoài tử cung.
Điều gì xảy ra trong suốt tuần 37-40 của thai kỳ?
Thai nhi lọt xuống thấp hơn xương chậu. Mỡ tích tụ dày hơn, đặc biệt là quanh khuỷu tay, đầu gối và vai. Thai nhi tăng khoảng nửa pound (1pound = 0.454 kg) mỗi tuần trong suốt tháng cuối cùng của thai kỳ.
Dịch: Lương Thị Mỹ Huyền-Khoa Y - ĐHQG TPHCM
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Video: Nguyễn Hiếu Nghĩa
Tài liệu tham khảo: https://www.acog.org/Patients/FAQs/How-Your-Fetus-Grows-During-Pregnancy, April 2018 (truy cập 3/2019)