top of page
Search

BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE



Tổng quan: (1)


Mỗi năm ước tính có 400 triệu người nhiễm virus dengue, trong đó có 96 triệu người sẽ chuyển thành bệnh sốt xuất huyết.

Từ ngày 1/1/2019 đến ngày 15/8/2019 Việt Nam đã có 124,751 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó đã có 15 ca tử vong. Con số thống kê cho thấy sự gia tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.


Định nghĩa: (2)


Sốt xuất huyết Dengue là bệnh phổ biến hay gặp nhất trong các bệnh lý truyền nhiễm. Con người mắc bệnh khi bị muỗi mang virus Dengue đốt. Có 4 serotype virus Dengue gây bệnh: DENV – 1, -2, -3, -4. Khi bạn nhiễm 1 serotype, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể kháng lại serotype đó. Kháng thể này sẽ tồn tại cho đến hết cuộc đời và bạn sẽ không mắc phải bệnh do serotype đó gây ra nữa, tuy nhiên bạn vẫn có thể mắc những serotype khác vì kháng thể đó không giúp bạn chống lại những virus Dengue thuộc serotype khác. Vì vậy, bạn có thể mắc bệnh tối đa 4 lần, mỗi lần cho 1 serotype.


Loài muỗi lan truyền virus Dengue có tên là muỗi Aedes aegypti
Loài muỗi lan truyền virus Dengue có tên là muỗi Aedes aegypti

Triệu chứng: (3)


Bắt đầu xuất hiện sau 4 – 6 ngày, chậm nhất là 10 ngày sau nhiễm. Triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Sốt cao, đột ngột

  • Đau đầu

  • Đau nhức hóc mắt

  • Đau khớp và đau cơ

  • Mệt mỏi

  • Buồn nôn, nôn ói

  • Ban da - xuất hiện sau 2 đến 5 ngày sau đợt sốt đầu tiên

  • Xuất huyết nhẹ (như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, dễ bầm da)

Đôi khi, triệu chứng bệnh khá nhẹ và dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm hoặc nhiễm các loại virus khác. Ở trẻ nhỏ và người trẻ chưa từng nhiễm bệnh trước đây thì bệnh thường nhẹ hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành. Tuy nhiên, những trường hợp nặng vẫn có thể xảy ra. Những trường hợp nặng đặc trưng bởi việc sốt cao, tổn thương hệ lympho và mạch máu, chảy máu mũi và chân răng, tổn thương đến gan và suy hệ tuần hoàn. Những triệu chứng này có thể diễn tiến tới xuất huyết nặng, shock và tử vong. Điều này được gọi là hội chứng shock dengue.




Chẩn đoán: (3)


Việc chẩn đoán được bác sĩ thực hiện với các xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của virus hoặc kháng thể kháng virus hiện diện trong máu. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết, vì thế, khi xuất hiện sốt hoặc những triệu chứng khác đã kể trên sau khi bị muỗi cắn vài ngày, bạn nên đến với các bác sĩ để được chẩn đoán và đưa ra điều trị tốt nhất cho bản thân.


Điều trị: (4)


Hiện tại không có điều trị y khoa đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue

Điều trị triệu chứng dưới sự theo dõi của bác sĩ là tốt nhất hiện tại.

Nếu bạn nghĩ bạn mắc sốt xuất huyết dengue, hãy làm những việc sau:

  • Hãy gặp bác sĩ nếu bạn có sốt hoặc các triệu chứng của dengue đã kể trên. Kể với họ về hoạt động du lịch của bạn.

  • Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể

  • Sử dụng acetaminophen (paracetamol) để hạ sốt và giảm đau. Chú ý: không được sử dụng thêm aspirin hay ibuprofen vì có thể gây xuất huyết cho bạn

  • Uống nhiều chất lỏng như nước hay các loại nước có chứa điện giải

Triệu chứng dengue có thể trở nặng trong vòng ít giờ. Sốt xuất huyết dengue nặng phải được điều trị tại phòng cấp cứu của bệnh viện.


Sốt xuất huyết dengue nặng:

  • Khoảng 1 trong 20 người mắc sốt xuất huyết dengue sẽ chuyển thành sốt xuất huyết dengue nặng

  • Dengue nặng là 1 dạng nguy hiểm của bệnh mà kết quả có thể là shock, xuất huyết nội và thậm trí là chết

  • Bạn có nhiều khả nặng trở nặng nếu bạn đã có tiền sử mắc sốt xuất huyết dengue trước đó.

  • Ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai sẽ tăng nguy cơ phát triển thành sốt xuất huyết dengue nặng

  • Triệu chứng của dengue nặng đã nói qua ở phần triệu chứng


Điều trị sốt xuất huyết dengue nặng:

  • Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, hãy tới ngay bác sĩ hoặc tới phòng cấp cứu của bệnh viện ngay lập tức.

  • Dengue nặng là 1 cấp cứu y khoa và được yêu cầu cần can thiệp điều trị y tế ngay lập tức

Làm thế nào để phòng ngừa sốt xuất huyết? (5)


Hãy phòng dengue bằng cách phòng muỗi cắn.
Hãy phòng dengue bằng cách phòng muỗi cắn.


  • Có 4 loại virus dengue được lan truyền qua vết cắn 1 của muỗi aedes bị nhiễm. Những con muỗi aedes này cũng có thể lan truyền cả virus chikungunya và Zika.

  • Muỗi aedes được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và các vùng cận nhiệt đới trên thế giới

  • Muỗi aedes hoạt động cả ngày lẫn đêm

Phòng ngừa muỗi cắn:

  • Sử dụng thuốc bôi chống muỗi: sử dụng thuốc bôi chống muỗi khá phổ biến và dễ dàng với các loại thuốc có chất hoạt động được liệt kê dưới đây. Khi sử dụng đúng theo hướng dẫn, các loại thuốc bôi chống muỗi này đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả kể cả cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú.

  • DEET

  • Picaridin ( còn có tên là KBR 3023 và icaridin)

  • IR3535

  • Tinh dầu bạch đàn chanh (OLE)

  • Para – menthane – diol (PMD)

  • 2 – undecanone

Lưu ý cho trẻ nhỏ:

  • Luôn dạy cho trẻ cách sử dụng thuốc bôi

  • Không sử dụng thuốc bôi cho trẻ dưới 2 tháng tuổi. Thay vào đó hãy mặc đồ dài tay và quần dài phủ hết chân, sử dụng mùng cho ghế đẩy trẻ đi dạo hay nôi của trẻ để ngừa muỗi

  • Không sử dụng sản phầm có tinh dầu bạch đàn chanh và PMD cho trẻ dưới 3 tuổi.

  • Không bôi thuốc bôi chống muỗi lên tay, mắt, miệng, vùng da bị thương hay bị kích ứng của trẻ.

  • Mặc áo dài tay và quần dài cho bản thân khi ngủ, làm việc hay đi chơi.

  • Làm sạch quần áo và vật dụng

  • Sử dụng permethrin để làm sạch quần áo và vật dụng ( như ủng, quần, vớ, lều trại..) hoặc mua quần áo hoặc vật dụng đã được làm sạch với permethrin

  • Không sử dung permethrin trực tiếp lên da

  • Kiểm soát muỗi trong và ngoài ngôi nhà của bạn:

  • Sử dụng màng cho cửa sổ và cửa nhà bạn. Đảm bảo rằng không có lỗ trên màng để có thế giữ muỗi ngoài cửa.

  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi trong không khí nếu có thể

  • Diệt muỗi bằng cách tiêu diệt lăng quăng ở trong và gần nguồn nước:

  • 1 lần trong tuần hãy làm trống và cọ rửa, úp ngược, che đậy, hoặc vứt đi dụng cụ có thể chứa nước như: thùng, xô, chậu hoa, hồ bơi, lu nước,…..

  • Kiểm tra thường xuyên trong và ngoài ngôi nhà để phát hiện chỗ ứ đọng.

  • Ngủ mùng trong mọi trường hợp.


 

Biện soạn: BS. Lê Ngọc Vũ

Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.who.int/docs/default-source/wpro---documents/emergency/surveillance/dengue/dengue-20190815.pdf?sfvrsn=b42cfbd0_16

  2. https://www.cdc.gov/dengue/resources/denguedhf-information-for-health-care-practitioners_2009.pdf

  3. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/dengue-fever-reference#1

  4. https://www.cdc.gov/dengue/symptoms/index.html

  5. https://www.cdc.gov/dengue/prevention/prevent-mosquito-bites.html

87 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page