
Sốt vàng da là bệnh xuất huyết cấp tính do vi-rút gây ra và lây truyền qua muỗi. Tên của bệnh thể hiện triệu chứng vàng da có thể gặp phải ở 1 số bệnh nhân.
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi-rút sốt vàng da ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày. Triệu chứng thường gặp là sốt, đau cơ, đặc biệt là đau lưng, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng biến mất sau 3 đến 4 ngày.
Tuy nhiên, ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân sẽ bước sang giai đoạn nặng hơn trong vòng 24 giờ sau khi hồi phục từ những triệu chứng giai đoạn đầu. Bệnh nhân sốt cao, một số cơ quan có thể bị ảnh hưởng, thường là gan và thận. Trong giai đoạn này, người bệnh có khả năng bị vàng da (vàng da, mắt), nước tiểu sẫm màu, đau bụng kèm theo nôn mửa, có thể chảy máu từ miệng, mũi, mắt hoặc dạ dày. Một nửa số bệnh nhân tiến triển đến giai đoạn nặng tử vong trong vòng 7 - 10 ngày.
Chẩn đoán
Rất khó để chẩn đoán sốt vàng da, đặc biệt trong giai đoạn sớm. Ở giai đoạn nặng, sốt vàng da có thể bị nhầm lẫn với sốt rét nặng, bệnh truyền nhiễm do xoắn khuẩn, viêm gan vi-rút (đặc biệt là viêm gan ác tính), sốt xuất huyết, nhiễm vi-rút nhóm Flavivirus (như sốt xuất huyết Dengue) và ngộ độc.
Xét nghiệm PCR máu và nước tiểu đôi khi có thể phát hiện vi-rút ở giai đoạn sớm của bệnh. Ở giai đoạn muộn, xét nghiệm phát hiện kháng thể là cần thiết (ELISA và PRNT)
Quần thể có nguy cơ
Bệnh sốt vàng da lưu hành tại 47 quốc gia- châu Phi (34), Trung và Nam Mỹ (13). Một nghiên cứu dựa trên thu thập số liệu tại châu Phi ước tính năm 2013 sốt vàng da là nguyên nhân của 84000-170000 trường hợp nghiêm trọng và 29000-60000 trường hợp tử vong.
Tỷ lệ nhỏ khách du lịch mang mầm bệnh vào các quốc gia hiện không có dịch bệnh. Để phòng tránh điều này, nhiều nước yêu cầu xuất trình bằng chứng đã tiêm vắc-xin chống sốt vàng da trước khi cấp visa, đặc biệt trường hợp khách du lịch đã đi đến quốc gia có dịch sốt vàng da.
Vào thế kỷ 17-19, dịch sốt vàng da bùng nổ ở Bắc Mỹ và châu Âu, gây suy thoái nền kinh tế, gián đoạn sự phát triển, thậm chí thiệt hại nặng nề dân số.
Lây truyền
Vi-rút gây bệnh sốt vàng da là một loại arbovirus thuộc chi Flavivirus và được truyền qua muỗi thuộc loài Aedes và Haemogogus. Các loài muỗi khác nhau sống trong các môi trường sống khác nhau - một số giống quanh nhà , một số khác trong rừng (hoang dã) và một số ở cả hai môi trường . Có 3 loại chu trình truyền bệnh:
Sốt vàng da ở rừng: Trong các khu rừng mưa nhiệt đới, khỉ là ổ chứa vi-rút gây bệnh chủ yếu, khỉ bị đốt bởi muỗi Aedes và Haemogogus, sau đó muỗi truyền vi-rút cho các loài khỉ khác. Khi con người làm việc hoặc đi du lịch trong rừng bị muỗi mang vi-rút đốt và bị nhiễm bệnh.
Sốt vàng da trung gian: Trong kiểu lây truyền này, muỗi bán nội địa (những loài sinh sản cả trong tự nhiên và xung quanh các hộ gia đình) lây nhiễm cả khỉ và người. Sự tiếp xúc ngày càng tăng giữa người và muỗi bị nhiễm bệnh dẫn đến gia tăng lây truyền và bùng nổ dịch bệnh. Đây là loại dịch phổ biến nhất ở châu Phi.
Sốt vàng da đô thị: Dịch bệnh lớn xảy ra khi người nhiễm bệnh đưa vi-rút vào khu vực đông dân cư với mật độ muỗi Aedes aegypti cao và nơi hầu hết mọi người có ít hoặc không có miễn dịch, do thiếu vắc-xin hoặc không tiếp xúc với sốt vàng da trước đó. Trong những điều kiện này, muỗi nhiễm bệnh truyền vi-rút từ người sang người.
Điều trị
Điều trị tốt và sớm trong bệnh viện giúp cải thiện tỷ lệ sống sót. Hiện tại không có thuốc đặc hiệu cho bệnh sốt vàng da, chăm sóc đặc biệt để điều trị mất nước, suy gan, thận, và sốt. Nhiễm khuẩn liên quan có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên