top of page
Search

SỐT THƯƠNG HÀN (Typhoid fever)



Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sốt thương hàn (Typhoid fever) là một bệnh nhiễm trùng toàn thân cấp tính do vi khuẩn Salmonella Typhi gây ra, thường do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm khuẩn. Một bệnh tương tự nhưng thường ít nghiêm trọng hơn là sốt phó thương hàn (Paratyphoid fever), do Salmonella Paratyphi A B gây ra. Ước tính trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 11 – 21 triệu trường hợp và 128000 – 161000 ca tử vong liên quan đến thương hàn xảy ra trên toàn thế giới. [1]


1. Nguyên nhân mắc bệnh


Tác nhân lây truyền[3],[5]

Sốt thương hàn và sốt phó thương hàn phổ biến ở các khu vực có nhiều khả năng bị ô nhiễm nguồn nước. Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn thương hàn (Salmonella Typhi) và phó thương hàn (Salmonella paratyphi), chúng có thể tồn tại trong nước 2-3 tuần, trong nước đá hoặc trong phân có thể tồn tại 2-3 tháng. Tuy nhiên loại này có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ 50oC trong 1 giờ hoặc 100 oC trong 5 phút, ngoài ra trực khuẩn thương hàn có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường.Khi ăn thực phẩm và uống nước nhiễm Salmonella Typhi hoặc Paratyphi, vi khuẩn có thể nhân lên và lan truyền trong cơ thể, gây nên sốt thương hàn hoặc sốt phó thương hàn.


Phương thức lây truyền

Sốt thương hàn và phó thường hàn thường được lây truyền do uống nước hay ăn phải thực phẩm nhiễm phải phân của người đang bị sốt thương hàn hoặc người mang vi khuẩn. [7]


Nguồn lây truyền

Những người đang trong đợt cấp của bệnh có thể làm lây nhiễm vi khuẩn vào môi trường xung quanh qua phân. Khoảng 3 – 5% số người sau đợt cấp vẫn tiếp tục mang vi khuẩn. Những người này dù không có triệu chứng của bệnh nhưng vẫn mang vi khuẩn, trở thành nguồn gốc của những đợt bùng phát mới của bệnh trong nhiều năm.[2]


2. Phòng bệnh

Hai biện pháp cơ bản và hiệu quả để phòng sốt thương hàn đó là:[4]

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh

  • Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và đồ uống

*Vắc xin phòng bệnh:

3 loại vắc-xin thương hàn hiện nay được khuyên dùng: [1]

  • Vắc-xin liên hợp thương hàn (TCV), bao gồm kháng thể Vi polysaccharid liên quan đến protein độc tố uốn ván, được cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn dưới 45 tuổi

  • Vắc-xin polysaccharid không liên hợp có nguồn gốc từ kháng thể Vi tinh khiết (được biết đến với cái tên Vi-PS) dành cho người từ 2 tuổi trở lên.

  • Vắc-xin sống Ty21a đường uống cho người từ 6 tuổi trở lên (viên nhộng/nang)

Nếu bạn đi đến quốc gia có sốt thương hàn phổ biến, bạn nên cân nhắc tiêm vắc-xin kháng thương hàn.Việc tiêm chủng nên được hoàn thành ít nhất 1-2 tuần (tùy thuộc vào loại vắc-xin) trước khi bạn đi vì vắc-xin cần thời gian để phát huy tác dụng. Vắc-xin thương hàn mất hiệu quả sau khoảng vài năm. Nếu trước đây bạn đã từng tiêm vắc-xin, hỏi bác sĩ có cần thiết tiêm tăng cường hay không. Sử dụng kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị, không giúp ngăn ngừa sốt thương hàn.[5]


3. Chẩn đoán


Triệu chứng[6]

Sốt thương hàn và sốt phó thương hàn có triệu chứng giống nhau. Người mắc bệnh thường bị sốt kéo dài, có thể sốt cao đến 103–104° F (39–40° C).

Các triệu chứng khác của sốt thương hàn và phó thương hàn bao gồm

  • Mệt mỏi

  • Đau bụng

  • Đau đầu

  • Tiêu chảy hoặc táo bón

  • Ho

  • Chán ăn

  • Một số trường hợp có thể nổi ban đỏ toàn thân.

Chẩn đoán xác định

Sau khi ăn phải thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm, vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào ruột non rồi tạm thời vào máu. Nhờ bạch cầu, vi khuẩn được mang đến gan gan, lá lách và tủy xương, nơi chúng nhân lên và trở lại vào máu. Lúc này triệu chứng bắt đầu xuất hiện, bao gồm sốt. Vi khuẩn xâm nhập túi mật, hệ thống mật và mô bạch huyết của ruột. Tại đây, vi khuẩn nhân lên với số lượng lớn, sau đó đi vào đường ruột và có thể được phát hiện trong phân. Nếu kết quả xét nghiệm không rõ ràng, xét nghiệm mẫu máu và mẫu nước tiểu được thực hiện để chẩn đoán. [2]


4. Điều trị [6]

  • Sốt thương hàn được điều trị bằng kháng sinh

  • Hiện tượng kháng kháng sinh đang tăng lên ở những vi khuẩn gây ra sốt thương hàn và phó thương hàn. Khi vi khuẩn đề kháng với kháng sinh, vi khuẩn không bị tiêu diệt, quá trình phát triển không bị ức chế. Để giúp ích cho việc điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm đặc biệt để xác định chủng Salmonella gây bệnh có kháng thuốc hay không.

*Nguy hiểm từ sốt thương hàn và sốt phó thương hàn không chấm dứt ngay cả khi triệu chứng đã hết [6]


Bạn vẫn có thể mang vi khuẩn thương hàn và phó thương hàn trong cơ thể ngay cả khi triệu chứng đã biến mất. Vì vậy, bạn có nguy cơ mắc lại bệnh hoặc lây truyền vi khuẩn cho người khác. Nếu bạn là nhân viên chăm sóc sức khỏe, hoặc làm công việc xử lý thực phẩm, hoặc chăm sóc trẻ nhỏ, bạn có thể được yêu cầu không trở lại làm việc cho đến khi bác sĩ xác định bạn không còn mang vi khuẩn trong người.

Bệnh nhân đang điều trị sốt thương hàn và phó thương hàn cần tuân theo các yêu cầu dưới đây:

  • Sử dụng kháng sinh theo khuyến cáo của bác sĩ

  • Rửa tay cẩn thận với xà phòng và nước sau khi sử dụng phòng tắm. Không chuẩn bị chuẩn bị và phục vụ đồ ăn cho người khác. Điều này sẽ giảm khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khỏe mạnh.

  • Đến bác sĩ kiểm tra phân để chắc chắn không còn vi khuẩn thương hàn và phó thương hàn trong cơ thể.



 

Biên soạn: DS. Đỗ Thị Thu Thủy

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội

Infographic: Nguyễn Phương Uyên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. WHO, Typhoid, 2018, https://www.who.int/immunization/diseases/typhoid/en/

  2. Typhoid Fever, WebMD, 2017, https://www.webmd.com/a-to-z-guides/typhoid-fever#1

  3. Bệnh thương hàn, Cục Y Tế dự phòng, Bộ Y tế,http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1099/benh-thuong-han

  4. Questions and Answers, CDC, 2018, https://www.cdc.gov/typhoid-fever/sources.html

  5. Vaccination, CDC, 2019,https://www.cdc.gov/typhoid-fever/typhoid-vaccination.html

  6. Symptoms and Treatment,CDC, 2018,https://www.cdc.gov/typhoid-fever/symptoms.html

  7. Information for Healthcare Professionals, CDC, 2018,https://www.cdc.gov/typhoid-fever/health-professional.html(tất cả các link truy cập vào 7/2019)

189 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page