
Những điều cần biết về bệnh Sốt phát ban
Sốt phát ban (còn gọi là bệnh thứ 6, phát ban đột ngột, và ban đào) là bệnh do vi rút gây ra chủ yếu ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt cao vài ngày, sau đó bùng phát phát ban.
2 loại vi rút thường gây bệnh sốt phát ban là vi rút herpes ở người (HHV) týp 6 và týp 7. Các vi rút này cùng họ với vi rút herpes simplex (HSV), nhưng không gây lở miệng và mụn rộp sinh dục giống HSV. [1]
Các dấu hiệu và triệu chứng
Phần lớn trẻ mắc Sốt phát ban sẽ xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên nhẹ, sau đó sốt cao (thường trên 39.5°C) kéo dài 3 đến 7 ngày, tiếp theo đó là phát ban kéo dài vài tiếng đến vài ngày. Trong suốt thời gian này, trẻ có thể quấy khóc hoặc cáu kỉnh, ăn uống kém hơn, và có thể sưng hạch cổ. [1]
Tình trạng sốt cao thường kết thúc đột ngột, và cùng khoảng thời gian đó xuất hiện phát ban đỏ phẳng hoặc phồng trên thân người. Các nốt ban trở nên trắng khi chạm vào, và mỗi nốt có thể có một quần sáng xung quanh. Phát ban thường lan đến cổ, mặt, cánh tay, chân . [1]

Sốt cao tăng nhanh có thể gây co giật (co giật do sốt cao) ở khoảng 10% đến 15% trẻ nhỏ sốt phát ban. Các dấu hiệu co giật do sốt cao gồm [1]:
· Mất ý thức
· Giật hoặc co giật tay, chân, hoặc mặt từ 2 đến 3 phút
· Mất tự chủ đại tiểu tiện
Đối với bệnh Sởi (Rubeola), phát ban do sởi là các nốt ban đỏ phẳng đắt đầu xuất hiện ở mặt và lan đến các phần còn lại của cơ thể. Khi ban xuất hiện, có thể sốt cao hơn 40°C. [2]

Lây truyền
Sốt phát ban là bệnh lây truyền. Bệnh lây truyền khi trẻ mắc bệnh nói, hắt hơi, hoặc ho vào trong không khí các giọt nước bọt nhỏ mà trẻ khoẻ mạnh có thể hít vào. Các giọt nước bọt cũng có thể nằm trên bề mặt, nếu trẻ khác chạm vào bề mặt đó và đưa lên mũi, miệng thì trẻ có khả năng nhiễm bệnh. [1]

Sốt phát ban có thể lây truyền trong giai đoạn sốt, nhưng không có khả năng lây bệnh khi đã phát ban. [1]
Mặc dù cùng đường và cơ chế lây truyền giống Sốt phát ban, tuy nhiên bệnh Sởi có nguy cơ lây lan bắt đầu từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban.[3]
Phòng bệnh
Hiện chưa có biện pháp phòng bệnh sốt phát ban. Nhưng vì bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn, nên các nhà khoa học cho rằng một đợt sốt phát ban ở trẻ có thể tạo ít nhiều miễn dịch phòng bệnh lâu dài. Có một số ít trường hợp có thể mắc bệnh lại.[1]
Điều trị
Bác sĩ cần thu thập tiền sử bệnh và khám thực thể để đưa ra chẩn đoán. Việc chẩn đoán bệnh sốt phát ban thường không chắc chắn cho đến khi hạ sốt và xuất hiện phát ban, vì vậy bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để chắc chắn rằng sốt không do các nhiễm trùng khác.
Bệnh không cần phải điều trị chuyên biệt. Khi mắc bệnh, điều trị chủ yếu là hạ sốt. Kháng sinh không được dùng để điều trị Sốt phát ban vì bệnh do vi rút gây ra, không phải vi khuẩn.[1]
Điều trị tại nhà
Dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt ở trẻ. Không được dùng aspirin cho trẻ em mắc bệnh do vi rút, do các trường hợp dùng aspirin có xuất hiện hội chứng Reye, có thể gây suy gan và tử vong.
Một số cha mẹ lau người trẻ bằng nước ấm để hạ sốt, tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy phương pháp này hiệu quả. Thực tế, việc lau người có thể khiến trẻ không thoải mái. Không được cho trẻ tắm nước lạnh, nước đá hoặc lau rượu lên người.
Để phòng mất nước do sốt, khuyến khích bù dịch lỏng cho trẻ như nước lọc với đá bào và dung dịch bổ sung điện giải cho trẻ em. Cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức cũng có thể giúp ngăn mất nước.[1]
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Liên hệ với bác sĩ nếu trẻ hôn mê hoặc không uống sữa, bỏ bú mẹ. Nếu trẻ co giật, cha mẹ hoặc người chăm sóc gọi cấp cứu ngay lập tức.[1]
Bs. Nguyễn Thuỳ Linh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Mai Thị Duyên - Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo:
1. About Roseola, Johns Hopkins, https://www.hopkinsallchildrens.org/Patients-Families/Health-Library/HealthDocNew/Roseola, (Truy cập 13 Mar 2019)
2. Signs and symtoms of Measles, CDC, 5 February 2019, https://www.cdc.gov/measles/about/signs-symptoms.html, (Truy cập 13 Mar 2019)
3. Trasmission of Measles, CDC, 5 February 2019, https://www.cdc.gov/measles/about/transmission.html, (Truy cập 13 Mar 2019)