
Sẹo là vết tích tự nhiên trên cơ thể sau khi liền vết thương của da hoặc mô nào đó. Hầu hết các vết thương, ngoại trừ vết thương nhỏ đều dẫn đến hình thành sẹo ở một mức độ nào đó.
Sẹo có thể xuất hiện sau tai nạn, phẫu thuật, do bệnh tật hoặc tình trạng da như mụn trứng cá.
Các lớp của da

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, với tổng diện tích khoảng 20 mét vuông. Da bảo vệ chúng ta khỏi vi khuẩn và các tác nhân có hại từ môi trường, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và nhận biết cảm giác nóng, lạnh, …
Da có ba lớp:
• Lớp biểu bì, lớp ngoài cùng của da, tạo ra một hàng rào chống thấm nước. Lớp biểu bì có chứa các tế bào malanocyte, sản sinh ra sắc tố melanin tạo nên màu da.
• Lớp trung bì, bên dưới lớp biểu bì, chứa mô liên kết cứng, nang lông và tuyến tiết mồ hôi.
• Lớp hạ bì cấu tạo từ chất béo và mô liên kết.
Sẹo được hình thành như thế nào?
Sẹo hình thành khi lớp hạ bì bị tổn thương. Cơ thể hình thành các sợi collagen mới (một loại protein tự nhiên trong cơ thể) để làm lành vết thương, dẫn đến sẹo. Các mô sẹo mới sẽ có kết cấu và thể chất khác với các mô xung quanh. Sẹo hình thành sau khi vết thương lành hoàn toàn.
Có nhiều loại sẹo khác nhau. Hầu hết các vết sẹo phẳng và có màu nhợt. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ thể sản xuất quá nhiều collagen, sẹo có thể lồi lên. Loại sẹo này phổ biến hơn hơn ở người trẻ và người da sậm màu.
Sẹo sau phẫu thuật hoặc sẹo do mụn trứng cá thường lõm hoặc rỗ. Loại sẹo này xảy ra khi các cấu trúc nằm bên dưới da (ví dụ như mỡ hoặc cơ) bị mất.
Sẹo cũng có thể xuất hiện khi da bị căng, chẳng hạn da bị kéo giãn nhanh ( trong quá trình phát triển hoặc khi mang thai). Ngoài ra, loại sẹo này có thể xảy ra khi da phải chịu áp lực (ví dụ gần khớp) trong quá trình chữa lành.
Điều trị sẹo như thế nào?
Mặc dù không loại bỏ hoàn toàn nhưng vẫn có thể cải thiện sẹo ở một mức độ nào đó bằng các phương pháp sau, bao gồm:
• Các phương pháp điều trị ngoài da, ví dụ như vitamin E, kem bơ cacao và một số sản phẩm chăm sóc da có thể phần nào hiệu quả trong việc làm lành sẹo.
• Phẫu thuật. Phẫu thuật không loại bỏ sẹo nhưng có thể thay đổi hình dạng, làm giảm kích thước hoặc làm mờ sẹo. Phẫu thuật không được khuyến cáo trong trường hợp sẹo lồi vì sẹo có nguy cơ tái phát hoặc trở nên nặng hơn.
• Tiêm steroid. Tiêm thuốc steroid giúp làm đầy đối với sẹo rỗ và làm mềm đối với sẹo lồi.
• Xạ trị. Ở liều thấp xạ trị có vai trò ngăn ngừa tái phát sẹo lồi. Tuy nhiên biện pháp này chỉ sử dụng trong trường hợp nghiêm trọng vì tiềm ẩn tác dụng phụ lâu dài.
• Mài da. Mài da là kĩ thuật thẩm mỹ giảm sẹo bằng thiết bị đặc biệt giúp cải thiện diện mạo của da bị nếp nhăn sâu, sẹo và một số tổn thương khác.
• Siêu mài mòn da là một hình thức điều trị không xâm lấn nhưng rất hiệu quả với vết sẹo bề mặt.
• Tái tạo bề mặt bằng laser. Phương pháp này làm giảm sẹo bằng việc sử dụng các loại laser khác nhau. Tia laser tác động vào lớp collagen trong lớp trung bì mà không cần loại bỏ các lớp trên của da. Sự cải tiến này đòi hỏi thời gian ít hơn, rút ngắn thời gian hồi phục so với mài da và tái tạo da bằng laser truyền thống.
• Tiêm Filler. Tiêm filler giúp làm đầy sẹo lõm. Tuy nhiên, tác dụng của những mũi tiêm này chỉ là tạm thời và yêu cầu tiêm thường xuyên.
• Lăn kim vi điểm. Lăn kim vi điểm hoạt động bằng cách sử dụng kim nhỏ để chích lên nhiều điểm trên da tạo ra các tổn thương nhỏ nhằm kích thích sản sinh collagen và giảm sự xuất hiện của sẹo.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Nguồn: WebMD