

Mùa mưa lạnh lại về với những tin cảnh báo về việc cẩn thận với RSV. Vậy RSV là gì? Và tại sao chúng ta phải cẩn thận với chúng?
RSV là viết tắt của Respiratory Syncytial Virus, là một loại virus thường gặp trên hệ hô hấp, có cấu trúc giống virus cúm Influenza, dễ biến đổi nên hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Trong không khí, RSV có thể được lây lan qua dịch mũi, nước bọt của người bị nhiễm khi ho hoặc hắt hơi. Hoặc bạn có thể nhiễm nếu tiếp xúc với bề mặt có RSV, ví dụ như cầm cái nắm cửa hoặc hôn lên mặt đứa bé nhiễm RSV [1].
RSV gây ra các triệu chứng nhẹ, tương tự bệnh cúm và thường tự hết sau 1 – 2 tuần. Tuy vậy, nhiễm RSV cũng có thể trở nên nghiêm trọng đối với người già và trẻ nhỏ. Trên thực tế, RSV là nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản và viêm phổi ở trẻ em dưới 1 tuổi, có tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sinh non hoặc không được điều trị sớm [1]. Với người lớn tuổi, RSV làm gia tăng nguy cơ trầm trọng hơn các bệnh hô hấp (hen, suyễn, viêm phế quản/ viêm phổi,...). Đặc biệt là người có bệnh tim mạn tính ( như suy tim), bệnh về phổi, bị suy giảm miễn dịch hoặc tuổi hơn 65 [2].
Các triệu chứng nghi ngờ nhiễm RSV gồm:
Chảy mũi/ Hắt hơi
Kém ăn/ mất khẩu vị.
Ho/ đau họng
Sốt/ đau đầu
Cáu gắt (ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi).
Khó thở (thở khò khè, lõm ngực) hoặc mất nước ( mắt trũng, da khô) ở trẻ dưới 1 tuổi và người hơn 65 tuổi, cần đưa họ đến bệnh viện sớm để điều trị kịp thời [3].
Thông thường nhiễm RSV sẽ biến mất sau 1 – 2 tuần, nên bạn có thể đến nhà thuốc để mua thuốc giảm đau, hạ sốt. Nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, hãy nhớ bổ sung đủ nước ( 2 lít mỗi ngày) để tránh mất dịch cơ thể.
Biên soạn: DS. Lê Minh Ngọc Anh
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Tham khảo:
1.Hall CB, Weinberg GA, Iwane MK, Blumkin AK, Edwards KM, et al. The burden of respiratory syncytial virus infection in young childrenExternal. New Engl J Med. 2009;360(6):588-98. 2.Falsey AR, Hennessey PA, Formica MA, Cox C, Walsh EE. Respiratory syncytial virus infection in elderly and high-risk adultsExternal. New Engl J Med. 2005;352(17):1749-59.
3.CDC National Center for Immunization and Respiratory Diseases (NCIRD), Division of Viral Diseases