top of page
Search

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ-NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM


Thông thường mất ngủ được hiểu là, khi một đối tượng bị khó ngủ. Khó để duy trì giấc ngủ, khó để bắt đầu ngủ, thức giấc giữa đêm mà không có nguyên do, không có cảm giác buồn ngủ về đêm, hay là cảm giác trằn trọc trên giường ngủ có thể được xem là những biểu hiện của khó ngủ. [1]


Khó ngủ có bản chất vừa là triệu chứng, mà cũng có thể là bệnh. Nếu hiện tượng mất ngủ kéo dài khoảng một hai đêm, do thói quen sinh hoạt thay đổi. Chẳng hạn đi du lịch làm thay đổi giờ sinh hoạt, hay bản thân đang bị stress khi đang ôn thi hoặc công việc quá nặng nhọc khiến bản thân khó có thể ngủ ngon giấc. Những hình thức mất ngủ này được xem là triệu chứng, và sẽ cải thiện nếu nguyên nhân gây ra mất ngủ kia được giải quyết. Tuy nhiên trong bài viết này sẽ nhìn nhận việc mất ngủ là một bệnh, cần phải có thái độ quan tâm và điều trị tích cực.


Các hình thức mất ngủ:


Mất ngủ nguyên phát và thứ phát[4]


  • Mất ngủ nguyên phát: tình trạng mất ngủ xảy ra tự thân nó, mà không liên quan trực tiếp đến bất cứ vấn đề về sức khỏe nào khác. Mất ngủ nếu không tìm ra nguyên nhân cụ thể nào cũng được xem là mất ngủ nguyên phát.

  • Mất ngủ thứ phát: việc mất ngủ là hậu quả của một vấn đề nào khác nào đó chẳng hạn tình trạng bệnh lý, ví dụ như hen suyễn, stress, viêm khớp, ung thư…, do đau, do thuốc đang điều trị hoặc do rượu.

Mất ngủ cấp tính và mạn tính[4]


Tình trạng mất ngủ có thể thay đổi về thời gian kéo dài và tần suất xảy ra.

  • Mất ngủ cấp tính: tình trạng gặp khó khăn trong việc đi ngủ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, tạm thời, có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần. Đa phần mất ngủ cấp tính sẽ hết khi nguyên nhân gây ra nó được giải quyết.

  • Mất ngủ mạn tính: tình trạng mất ngủ kéo dài, và gây nhiều nguy cơ sức khỏe cho người mắc phải. Theo định nghĩa của DSM-IV 1, mất ngủ gọi là mạn tính khi tình trạng mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần 1 tuần và kéo dài 1 tháng hoặc lâu hơn.

Người mắc chứng mất ngủ cần quan tâm những gì


Khi nghi ngờ bản thân bị chứng mất ngủ, thì bạn cần chú ý những đặc tính sau. Hoặc có thể nhờ người thân trong gia đình theo dõi những thay đổi của cơ thể ( nhiều trường hợp bản thân người mắc chứng mất ngủ không để tâm đến sự suy nhược của cơ thể ):[2]


  1. Đặc điểm của tình trạng mất ngủ: do khó để bắt đầu ngủ, giấc ngủ không sâu, khó duy trì giấc ngủ hoặc ngủ mà không giúp tinh thần thoải mái.

  2. Giờ giấc đi ngủ, tổng thời gian ngủ trong ngày, mấy giờ thì thức dậy. Giờ giấc ngủ có cố định hay thường hay thay đổi.

  3. Sinh hoạt trong ngày, năng suất làm việc và các biểu hiện mệt mỏi thay đổi như thế nào? Những thay đổi này có thể không rõ ràng đối với bản thân, bạn có thể nhờ người thân hoặc đồng nghiệp để ý giúp.

  4. Trước khi ngủ bạn hay làm gì? Xem TV, dùng máy tính, nghe radio, hay lướt web nhiều không? Phòng ngủ hay chỗ ngủ của bạn có quá ồn, quá sáng không. Khi mất ngủ bạn hay có thói quen nhìn đồng hồ theo dõi hay không ( một thói quen thường thấy ở người mất ngủ, việc đó không hề giúp ích mà còn làm người đó “tỉnh táo” hơn).

  5. Bạn có đến khám bác sĩ chưa? Có đang dùng thuốc hay thảo dược gì không?

  6. Bạn có biểu hiện của các rối loạn giấc ngủ khác hay không? Như ngáy, chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên,… Các rối loạn giấc ngủ khác cũng có thể tác động lên tình trạng mất ngủ.

  7. Ngoài tình trạng mất ngủ này, bạn còn đang  gặp phải vấn đề bệnh tật nào khác không, nó có làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn hay không? Như các bệnh tim mạch, hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa, nội tiết, hay các bệnh lý về cơ xương khớp.

  8. Bạn có đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần không? Như rối loạn lo âu, trầm cảm, có hay bị hốt hoảng, căng thẳng,…

  9. Bạn có đang sử dụng chất  gì hay không? Như coffee, thuốc lá, trà, rượu bia, hay những chất kích thích khác. Có đang dùng thuốc giảm đau ( trong việc điều trị bệnh khác ) không?

  10. Trong gia đình bạn có ai gặp tình trạng mất ngủ tương tự không? Có ai mắc các rối loạn giấc ngủ, sức khỏe tâm thần, họ có đang dùng thuốc điều trị bệnh không?

* Những câu hỏi trên giúp người mất ngủ có thể hình dung bệnh tình của mình tốt hơn, giúp họ tự tìm ra nguyên nhân tác động gián tiếp hay trực tiếp làm mình mất ngủ. Người mất ngủ có thể tự thay đổi lối sống của mình, và một số liệu pháp thư giãn mà không cần dùng đến thuốc. Những câu hỏi trên cũng rất thường được hỏi bởi các bác sĩ khám bệnh. Việc tìm hiểu trước giúp buổi thăm khám với bác sĩ có hiệu quả hơn, đồng thời bản thân có thể đặt câu hỏi với bác sĩ.về bệnh tình của mình.


Tuy rằng có rất nhiều người đã, đang và sẽ mắc rối loạn này, nhưng tình trạng mất ngủ vẫn chưa được xem nặng. Người mắc phải xem mất ngủ như một vấn đề “phiền phức” và thường không nghĩ nhiều đến các tác hại mà nó mang lại. Các triệu chứng thường bị bỏ sót bởi chính các bác sĩ khi thăm khám bệnh nhân, việc điều trị cũng ít được để tâm.


 

Người dịch và biên soạn: Nguyễn Hiếu Nghĩa

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi


Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM

Nguồn:

1.Thomas Roth, PhD; 2007 Aug 15; Insomnia: Definition, Prevalence, Etiology, and Consequences – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1978319/?report=classic

2. Evelyn Mai, M.D. and Daniel J. Buysse, M.D.; 2009 Jan 1.; Insomnia: Prevalence, Impact, Pathogenesis, Differential Diagnosis, and Evaluation – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2504337/

4. Neha Pathak, MD; on January 17, 2017; An Overview of Insomnia –https://www.webmd.com/sleep-disorders/guide/insomnia-symptoms-and-causes#1

36 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page