top of page
Search

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ


Định nghĩa về mất ngủ:

Thông thường mất ngủ được hiểu là, khi một đối tượng bị khó ngủ. Có nhiều hình thức của mất ngủ như: khó để duy trì giấc ngủ, khó để bắt đầu ngủ, thức giấc giữa đêm mà không có nguyên do, không có cảm giác buồn ngủ về đêm, hay là cảm giác trằn trọc trên giường ngủ. [1]


Khó ngủ có bản chất vừa là triệu chứng, vừa là dấu hiệu của bệnh. Mất ngủ kéo dài khoảng một hai đêm, do thói quen sinh hoạt thay đổi, chẳng hạn đi du lịch làm thay đổi giờ sinh hoạt, hay bản thân đang bị stress khi đang ôn thi hoặc công việc quá nặng nhọc khiến bản thân khó có thể ngủ ngon giấc. Những hình thức mất ngủ này được xem là triệu chứng, và sẽ cải thiện nếu nguyên nhân gây ra mất ngủ kia được giải quyết. Tuy nhiên trong bài viết này sẽ nhìn nhận việc mất ngủ là một bệnh, cần phải có thái độ quan tâm và điều trị tích cực.


Bệnh mất ngủ và rối loạn giấc ngủ:


1. Thế nào là “rối loạn”:


Khi mất ngủ được coi là một bệnh, hay một rối loạn, cần phải thỏa các tiêu chí sau:


  • Khó khăn trong việc bắt đầu ngủ, duy trì giấc ngủ, hay ngủ không chất lượng ( sau khi ngủ nhưng cơ thể vẫn mệt mỏi ).

  • Mất ngủ, kể cả khi có đủ điều kiện và cơ hội để ngủ.

  • Tình trạng mất ngủ ban đêm còn kèm theo những ảnh hưởng đến sinh hoạt ban ngày.

  • Tình trạng này xảy ra ít nhất 3 lần 1 tuần và kéo dài trên 1 tháng

Rối loạn mất ngủ, là khi việc mất ngủ gây ra những hệ quả tiêu cực. Những hệ quả này được xem là do nguyên nhân của bệnh lý, chứ không hề đơn giản là do việc thiếu ngủ mà ra. [1]


2. Các dạng mất ngủ:


Sau đây là một số dạng mất ngủ, dựa theo phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ ( ICSD-2 )[2]

  • Mất ngủ do thay đổi thói quen ( mất ngủ cấp tính )

  • Mất ngủ do tâm lý

  • Mất ngủ nghịch lý

  • Mất ngủ không rõ nguyên nhân

  • Mất ngủ do rối loạn tâm thần

  • Thói quen ngủ không lành mạnh

  • Mất ngủ do lạm dụng thuốc

  • Mất ngủ do các bệnh lý khác


3.Về phân độ nặng của việc mất ngủ dựa theo ICSD-2 [3]


  • Mất ngủ mức độ nhẹ: đối tượng thượng than phiền về việc ngủ không đủ, hay sau khi ngủ dậy mà vẫn không thấy thoải mái. Gần như không có biểu hiện của việc ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc. Ngoài ra còn có các cảm giác như: bứt rứt, lo âu, mệt mỏi, …

  • Mất ngủ mức độ trung bình: Ngoài việc than phiền về việc ngủ không đủ, đối tượng còn có tình trạng giảm khả năng làm việc và giao tiếp xã hội.

  • Mất ngủ mức độ nặng: tình trạng mất ngủ gây ảnh hưởng nặng nề lên khả năng làm việc và sinh hoạt. Các triệu chứng mệt, bứt rứt, lo âu, đuối sức… biểu hiện rất rõ.


4. Tần suất:


Theo như một nghiên cứu chỉ ra, có đến 30% người trưởng thành trải qua ít nhất một trong các hình thức mất ngủ:

  • Khó đi vào giấc ngủ

  • Khó duy trì giấc ngủ sâu

  • Thức giấc quá sớm

  • Tình trạng mệt mỏi do giấc ngủ không chất lượng

Ước tính có 10% người trưởng thành bị mất ngủ có kèm theo tình trạng giảm khả năng sinh hoạt vào ban ngày và 6% số người trưởng thành mắc bệnh mất ngủ, với tình trạng mất ngủ này kéo dài trên 1 tháng.[1]


5. Yếu tố nguy cơ:


Những đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh mất ngủ:[1]

  • Người lớn tuổi

  • Phụ nữ

  • Mắc các bệnh mạn tính khác

  • Rối loạn tâm thần

  • Làm việc ca đêm và công việc đòi hỏi phải đổi giờ sinh hoạt liên tục

  • Tình trạng chịu stress kéo dài

Việc người lớn tuổi thường bị mất ngủ có thể là do việc tiết các hormone để đưa bộ não vào giấc ngủ bị giảm sút. Còn một lý do do nữa: ở người lớn tuổi thường mắc các bệnh của tuổi già. Như tình trạng đau nhức kinh niên, các bệnh tim mạch, … gây ra, hay làm nặng nề thêm tình trạng mất ngủ.[1]


Ở phụ nữ, việc mất ngủ hay xảy ra ở giai đoạn kinh nguyệt và tiền mãn kinh.[1]

Theo một nghiên cứu chỉ ra, 75% – 90% số người mắc chứng mất ngủ có mắc kèm theo các bệnh mạn tính sau:[1]


  • Các tình trạng bệnh gây suy hô hấp và khó thở

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

  • Đau

  • Bệnh suy nhược thần kinh

  • Các rối loạn giấc ngủ khác: ngáy, chứng ngưng thở khi ngủ

Bệnh đồng mắc thường gặp nhất của chứng mất ngủ là các chứng rối loạn tâm thần (khoảng 40% số bệnh nhân mất ngủ ). Và trong các rối loạn tâm thần này, thì rối loạn trầm cảm là hay gặp nhất. Trong việc chẩn đoán của các rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu, thì có một tiêu chí cần quan tâm: chứng mất ngủ.[1]



 

Người dịch và biên soạn: Nguyễn Hiếu Nghĩa

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic:  Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM


Nguồn:

1.Thomas Roth, PhD; 2007 Aug 15; Insomnia: Definition, Prevalence, Etiology, and Consequences – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1978319/?report=classic

2.Evelyn Mai, M.D. and Daniel J. Buysse, M.D.; 2009 Jan 1.; Insomnia: Prevalence, Impact, Pathogenesis, Differential Diagnosis, and Evaluation – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2504337/

3. Sahoo Saddichha; 2010 Apr-Jun; Diagnosis and treatment of chronic insomnia – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2924526/ 

8 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page