
Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B. Vắc-xin viêm gan B an toàn và hiệu quả. Tiêm đủ mũi là cần thiết để đảm bảo sự bảo vệ toàn diện cho cơ thể [3]. WHO khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24h sau khi sinh. Tiêm chủng viêm gan B định kỳ cho trẻ sơ sinh tăng lên trên toàn cầu với tỷ lệ ước tính là 84% (liều thứ 3) vào năm 2017. Tiêm vắc-xin viêm gan B rộng rãi đã góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B mạn tính ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống chỉ còn khoảng 1.3% vào năm 2015.[1]
Lộ trình tiêm chủng cho trẻ em và người lớn bao gồm 3 mũi tiêm bắp, trong đó mũi thứ hai và mũi thứ ba tiêm lần lượt sau mũi đầu 1 và 6 tháng. Lịch trình thay thế được phê duyệt cho một số vắc-xin và/hoặc một bộ phận dân số. Vắc-xin mới Heplisav-B (HepB-CpG) sản xuất bởi Dynavax được sử dụng cho tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.[2]
Khi tiêm đủ liệu trình vắc-xin, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể bảo vệ ở hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Sự bảo vệ kéo dài ít nhất 20 năm và có thể suốt đời. Do đó, WHO không khuyến nghị tiêm vắc-xin tăng cường cho những người đã hoàn thành đủ liệu trình tiêm bao gồm 3 mũi. [1]
Nếu có sự gián đoạn giữa các mũi vắc-xin viêm gan B, không cần phải tiêm lại từ đầu.
• Nếu lộ trình tiêm vắc-xin bị gián đoạn sau mũi đầu tiên, nên tiêm mũi thứ hai càng sớm càng tốt.
• Mũi thứ hai và mũi thứ ba nên tiêm cách nhau ít nhất 8 tuần.
• Nếu chỉ có liều thứ ba bị trì hoãn, nên tiêm bổ sung càng sớm càng tốt.
VẮC-XIN VIÊM GAN B HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Vắc-xin viêm gan B kích thích hệ thống miễn dịch tự nhiên sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể trước vi - rút viêm gan B. Những kháng thể này sẽ chống lại nhiễm trùng nếu cơ thể tiếp xúc với vi-rút viêm gan B trong tương lai. [3]
AI NÊN TIÊM PHÒNG VIÊM GAN B?[2]
Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) khuyến nghị những người sau đây nên tiêm vắc-xin viêm gan B:
• Trẻ sơ sinh
• Trẻ em dưới 19 tuổi chưa được tiêm chủng
• Những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh do quan hệ tình dục:
o Bạn tình có sự hiện diện kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) trong cơ thể.
o Những người có mối quan hệ một vợ - một chồng không lâu dài (ví dụ: người quan hệ tình dục với nhiều hơn 1 người trong 6 tháng gần đây)
o Đàn ông quan hệ tình dục đồng giới
• Những người có nguy cơ bị nhiễm trùng do tiếp xúc qua da hoặc niêm mạc với máu:
o Người nghiện chất cấm hiện tại hoặc gần đây (dùng đường tiêm)
o Người sống cùng nhà dương tính với HBsAg
o Bệnh nhân chạy thận nhân tạo và tiền lọc máu, lọc màng bụng và bệnh nhân chạy thận tại nhà
o Người mắc bệnh tiểu đường ở độ tuổi từ 19 - 59; người trên 60 tuổi mắc bệnh tiểu đường theo quyết định của bác sĩ điều trị
• Du khách đến các quốc gia có mức độ lưu hành vi-rút viêm gan B (HBV) cao hoặc trung bình (tỷ lệ lưu hành HBsAg ≥2%)
• Người bị nhiễm vi rút viêm gan C
• Những người mắc bệnh gan mạn tính (bao gồm, nhưng không giới hạn ở những người bị xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh gan do rượu, viêm gan tự miễn và nồng độ alanine aminotransferase [ALT] hoặc aspartate aminotransferase [AST] gấp đôi giới hạn trên của mức bình thường)
• Người nhiễm HIV
• Những người bị giam giữ
• Người đang tìm biện pháp bảo vệ khỏi nhiễm HBV
Vắc-xin viêm gan B đã được chứng minh về độ an toàn và hiệu quả. Kể từ năm 1982, hơn 1 tỷ liều vắc-xin viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới. Ở nhiều quốc gia, nơi 8-15% trẻ em từng bị nhiễm vi-rút viêm gan B mạn tính, việc tiêm phòng đã làm giảm tỷ lệ này xuống còn dưới 1%.
Ngoài tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, việc thực hiện các chiến lược an toàn về máu, bao gồm sàng lọc đảm bảo chất lượng tất cả các thành phần máu trước khi truyền cũng góp phần ngăn ngừa lây truyền HBV. Trên toàn thế giới, vào năm 2013, 97% số lượng máu hiến tặng đã được sàng lọc và đảm bảo chất lượng, nhưng vẫn tồn tại những trường hợp ngoại lệ. Thực hành tiêm an toàn là chiến lược hiệu quả để chống lây truyền HBV. Tiêm không an toàn giảm từ 39% năm 2000 xuống 5% năm 2010 trên toàn thế giới. Hơn nữa, thực hành tình dục an toàn, bao gồm giảm thiểu số lượng bạn tình và sử dụng các biện pháp bảo vệ (bao cao su) cũng chống lây truyền HBV. [1]
Biên soạn và chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo:
Hepatitis B, WHO, 18 July 2019
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b (truy cập 17/08/2019)
2. Hepatitis B Questions and Answers for Health Professionals, CDC,May 16, 2019
https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/hbvfaq.htm#vaccFAQ (truy cập 17/08/2019)
3. Hepatitis B Questions and Answers for the Public, CDC,July 3, 2019
https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/bfaq.htm (truy cập 17/08/2019)