top of page
Search

NHỮNG LƯU Ý KHI THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM

Nguy cơ tiềm ẩn [1]


Thụ tinh trong ống nghiệm cần nhiều thể lực, cảm xúc, thời gian lẫn tiền bạc. Nhiều cặp vợ chồng vô sinh đã lâm vào tình trạng căng thẳng và trầm cảm.

Một phụ nữ dùng thuốc trong quá trình này có thể bị đầy hơi, đau bụng, thay đổi tâm trạng, đau đầu và các tác dụng phụ khác. Nhiều loại thuốc IVF phải được tiêm, thường là nhiều lần trong ngày, có thể gây bầm tím.

Trong một số ít trường hợp, thuốc giúp thụ thai có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS). Tình trạng này gây tích tụ dịch trong bụng và ngực gây ra các triệu chứng bao gồm đau bụng, đầy hơi, tăng cân nhanh ( 4,5 kg trong vòng 3 đến 5 ngày), đi tiểu giảm mặc dù uống nhiều nước, buồn nôn, nôn ói và khó thở. Trường hợp nhẹ có thể nghỉ ngơi tại giường. Các trường hợp nặng hơn đòi hỏi phải dùng thủ thuật rút dịch và có thể phải nhập viện để theo dõi điều trị.

Các nghiên cứu y khoa hiện nay cho thấy các loại thuốc giúp thụ thai không liên quan đến ung thư buồng trứng.

Rủi ro của việc lấy trứng bao gồm các phản ứng với việc gây mê, chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương các cấu trúc xung quanh buồng trứng (cả ruột và bàng quang).

Có nguy cơ mang đa thai vì sẽ có nhiều phôi được chuyển vào tử cung nhằm mục đích tăng cơ hội mang thai. Điều này làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân. (Tuy nhiên, trong IVF ngay cả không mang đa thai thì em bé sinh ra cũng có nguy cơ sinh non và nhẹ cân cao hơn.)

Hiện nay vẫn chưa rõ liệu IVF có làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hay không.


Sau khi chuyển phôi [1]


Sau khi chuyển phôi, bạn sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi cho đến hết ngày. Không cần thiết phải nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường, trừ khi có nguy cơ mắc OHSS. Hầu hết phụ nữ sẽ trở lại hoạt động bình thường vào ngày hôm sau.

Sau IVF, bạn phải bổ sung hàng ngày hormone progesterone (dạng chích/viên uống) trong 8 đến 10 tuần sau khi chuyển phôi. Progesterone là một loại hormone được sản xuất tự nhiên bởi buồng trứng nhằm làm cho lớp niêm mạc tử cung dày lên để phôi có thể bám vào. Progesterone cũng giúp phôi được cấy ghép phát triển và hình thành trong tử cung. Bạn có thể tiếp tục dùng progesterone trong 8 đến 12 tuần sau khi mang thai. Quá ít progesterone trong những tuần đầu của thai kỳ có thể dẫn đến sẩy thai.

Khoảng 12 đến 14 ngày sau khi chuyển phôi, bạn sẽ quay lại phòng khám để thực hiện thử thai.

Lưu ý: Liên hệ ngay với bác sĩ nếu sau IVF bạn có các triệu chứng:

  • Sốt trên 38°C

  • Đau vùng xương chậu

  • Chảy máu âm đạo

  • Tiểu ra máu

Triển vọng[1]


Những thống kê này có thể thay đổi ở các trung tâm IVF khác nhau.

  • Tỷ lệ mang thai phản ánh số phụ nữ mang thai sau IVF. Nhưng không phải tất cả các trường hợp mang thai đều sinh con thành công.

  • Tỷ lệ trẻ sinh ra còn sống phản ánh số phụ nữ sinh con còn sống.

Theo Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ sinh sản (SART), cơ hội trung bình để bà mẹ sau IVF sinh con thành công như sau:

  • 41% đến 43% với phụ nữ dưới 35 tuổi

  • 33% đến 36% với phụ nữ từ 35 đến 37 tuổi

  • 23% đến 27% với phụ nữ từ 38 đến 40 tuổi

  • 13% đến 18% với phụ nữ từ 41 tuổi trở lên


Những vấn đề khác về IVF bạn cần quan tâm[2]


Số phôi nào bạn không sử dụng trong lần thử IVF đầu tiên đều có thể được trữ đông để sử dụng sau này. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền nếu bạn phải thực hiện IVF lần hai hoặc lần ba. Nếu bạn không muốn phôi còn sót lại, bạn có thể tặng cho một cặp vợ chồng vô sinh khác, hoặc bạn có thể yêu cầu phòng khám phá hủy phôi. Cả vợ chồng bạn đều phải đồng ý trước khi phòng khám phá hủy hoặc tặng số phôi này.

Độ tuổi của phụ nữ là một yếu tố chính quyết định sự thành công của thực hiện IVF. Ví dụ, một phụ nữ dưới 35 tuổi khi thực hiện IVF có khoảng 39,6% cơ hội sinh con, trong khi một phụ nữ trên 40 tuổi chỉ có khoảng 11,5% cơ hội. Tuy nhiên, CDC gần đây đã phát hiện ra rằng tỷ lệ thành công đang gia tăng ở mọi nhóm tuổi khi các kỹ thuật được cải tiến và bác sĩ có nhiều kinh nghiệm hơn.


 

Dịch:Nguyễn Thị Tường Vy- Khoa Y Tế Công Cộng- ĐH Y Dược TPHCM

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi


Tài liệu tham khảo:

  1. https://medlineplus.gov/ency/article/007279.htm

  2. https://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/guide/in-vitro-fertilization#1


2,837 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page