
Ai cũng có khả năng bị ngộ độc thực phẩm, nhưng một số nhóm đối tượng nhất định có nguy cơ mắc bệnh và tiến triển thành bệnh lý nghiêm trọng. Khả năng của cơ thể chống lại mầm bệnh không hiệu quả vì một vài nguyên nhân. Những nhóm người này bao gồm:
1. Người già từ 65 tuổi trở lên [1],[2]
Người già có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm bởi vì khi tuổi càng cao, hệ miễn dịch và chức năng cơ quan suy giảm dẫn đến không nhận biết được và loại bỏ mầm bệnh có hại. Gần một nửa dân số từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh do thực phẩm từ Salmonella, Campylobacter, Listeria hoặc E. coli phải nhập viện. Người già từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn do các bệnh gây ra bởi thực phẩm. Nguyên nhân là do cơ quan và cơ thể thay đổi khi con người già đi:
· Hệ tiêu hóa giữ thức ăn lâu hơn, cho phép vi khuẩn phát triển
· Chức năng thải trừ độc tố và tác nhân lạ của gan và thận suy giảm
· Dạ dày không tiết đủ axit để có thể giảm số lượng vi khuẩn trong đường ruột
· Các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường hay ung thư làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm
2. Người bị suy giảm miễn dịch
Hệ miễn dịch giúp loại bỏ nhiễm trùng và các tác nhân lạ. Các vấn đề về sức khỏe hoặc thuốc làm giảm khả năng của cơ thể chống lại mầm bệnh dẫn đến nguy cơ dễ ngộ độc thực phẩm. Ví dụ những bệnh nhân tiểu đường, mắc các bệnh lý về gan và thận; HIV/ADIS; bệnh tự miễn; bệnh nhân phải ghép tạng hoặc đang điều trị bằng hóa trị và xạ trị.
Những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh kéo dài, phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong nếu bệnh đó gây ra bởi thực phẩm. Để tránh điều này, bạn nên cẩn thận trong việc lựa chọn, xử lý, chế biến và tiêu thụ thực phẩm.
Thực hiện các bước dưới đây để giảm nguy cơ mắc phải các bệnh do thực phẩm:
Sạch sẽ: rửa tay, dụng cụ và vệ sinh bề mặt thường xuyên. Mầm bệnh có thể lan truyền và sống sót ở nhiều nơi.
Tách riêng: nên để riêng thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng vì chúng có thể lây lan vi khuẩn sang thực phẩm ăn liền.
Nấu: Thực phẩm chỉ an toàn khi được nấu ở nhiệt độ đủ cao để tiêu diệt mầm bệnh gây bệnh.
Bảo quản: bảo quản trong tủ lạnh. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển nhanh nhất trong khoảng 4°C đến 60°C
3. Trẻ em dưới 5 tuổi [3]
Ở trẻ em dưới 5 tuổi hệ miễn dịch vẫn đang phát triển nên có nguy cơ cao mắc các bệnh do thực phẩm và các biến chứng liên quan. Khả năng chống lại nhiễm trùng ở trẻ em kém hơn so với người lớn. Ngoài ra ở trẻ em dạ dày sản xuất ít axit để tiêu diệt vi khuẩn có hại hơn, khiến trẻ em dễ bị mắc bệnh.
Ngộ độc thực phẩm có thể đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ vì thường gây nôn hoặc tiêu chảy hoặc cả hai dẫn đến mất nước.

Một số lời khuyên khi dùng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn nghiền và thức ăn đặc cho trẻ nhỏ an toàn
• Không bỏ thức ăn trong lọ vào lò vi sóng. Thay vào đó, chuyển thức ăn ra đĩa trước khi cho vào lò. Bằng cách này, thức ăn được đồng đều về nhiệt độ và hương vị.
• Hâm nóng khoảng 100 gam thứa ăn đặc trong khoảng 15 giây. Sau đó khuấy, để yên trong 30 giây và nếm thử trước khi cho ăn. Thức ăn được nêm nếm và đủ ấm có thể cho bé ăn.
• Không hâm nóng thịt, thức ăn cho trẻ hoặc trứng trong lò vi sóng. Sử dụng mặt bếp thay thế. Những thực phẩm này có hàm lượng chất béo cao, lò vi sóng làm nóng chất béo nhanh hơn các chất khác, những thực phẩm này có thể gây văng vì quá nóng.
Một số lời khuyên giúp chuẩn bị và bảo quản sữa bột cho trẻ an toàn
• Đọc kỹ và tuân theo hướng dẫn trên hộp đựng sữa bột cho trẻ sơ sinh.
• Rửa tay kỹ trước khi chuẩn bị bình sữa hoặc cho bé ăn.
• Làm sạch và vệ sinh không gian nơi bạn sẽ chuẩn bị sữa cho trẻ.
• Sử dụng bình sạch, khử trùng.
• Sử dụng nguồn nước an toàn để pha sữa cho trẻ.
• Đong lượng nước phù hợp với lượng sữa theo hướng dẫn ghi trên hộp, cho nước vào bình trước rồi mới thêm sữa.
• Nếu em bé còn rất nhỏ (dưới 3 tháng tuổi), sinh non hoặc hệ miễn dịch yếu, các biện pháp phòng ngừa bổ sung trong việc chuẩn bị sữa bột cho trẻ sơ sinh là cần thiết để bảo vệ trẻ chống lại Cronobacter, một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể gây ra bởi vi trùng trong sữa bột trẻ em.
• Sử dụng sữa bột đã pha trong vòng 2 giờ sau khi chuẩn bị và trong vòng 1 giờ kể từ khi bắt đầu cho ăn.
• Nếu bạn không bắt đầu sử dụng nó trong vòng 2 giờ, hãy cất bình trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 24 giờ.
• Bỏ sữa còn thừa lại trong bình sau khi cho bé ăn.
Làm nóng sữa mẹ hoặc sữa công thức
Sữa mẹ hay sữa bột cho trẻ sơ sinh không cần phải được làm ấm trước khi cho bé ăn. Nếu bạn muốn làm ấm bình sữa của bé, nên làm theo những lời khuyên dưới đây
Dưới vòi nước nóng: Đặt bình sữa dưới vòi nước nóng, cho chảy đến khi đạt được nhiệt độ mong muốn, sẽ mất khoảng từ 1 đến 2 phút.
Trên bếp: Đun nước trong nồi. Lấy nồi ra khỏi bếp và đặt bình sữa vào đó cho đến khi ấm.
Khi hâm nóng sữa cho bé, luôn lắc bình để làm giảm nhiệt độ và kiểm tra bằng bàn tay, không phải là cổ tay (đây là một trong những khu vực ít nhạy cảm nhất với nhiệt). Khi sữa ấm thì có thể cho bé ăn.
Không bao giờ hâm nóng sữa mẹ hoặc sữa bột trong lò vi sóng. Lò vi sóng làm nóng sữa và thức ăn không đều, dẫn đến các điểm nóng có thể làm bỏng miệng và cổ họng của bé.
4. Phụ nữ có thai [4]
Sự thay đổi hệ thống miễn dịch ở phụ nữ mang thai khiến bản thân phụ nữ, thai nhi và trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm. Tình trạng bệnh trở nên xấu hơn trong thai kỳ và có thể dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non. Một số bệnh truyền gây ra do thực phẩm, như Listeria và Toxoplasma gondii, có thể lây nhiễm cho thai nhi ngay cả khi người mẹ không cảm thấy triệu chứng bệnh. Vì vậy các bác sĩ thường xuyên hướng dẫn phụ nữ mang thai cụ thể về thực phẩm mà họ nên và không nên ăn.
Hải sản
Nấu chín hải sản: Hải sản nên được nấu tới nhiệt độ 63 ° C. Hải sản sống có thể chứa ký sinh trùng hoặc vi khuẩn, bao gồm cả Listeria, nguy cơ gây bệnh cho phụ nữ mang thai bị bệnh và thai nhi. Các món từ hải sản cần tránh: sushi, sashimi, hàu sống, ngao sống, sò sống, gỏi.
Cẩn thận với hải sản hun khói: Hải sản hun khói đông lạnh là mối đe dọa thực sự của Listeria. Không ăn hải sản hun khói đông lạnh trừ khi món đó đã được nấu chín, như các món bỏ lò với nhiệt độ bên trong 165 ° F đủ để tiêu diệt mầm bệnh có hại.
Không uống nước ép trái cây chưa tiệt trùng hoặc rượu táo
Tránh sữa tươi, phô mai từ sữa tươi và các sản phẩm từ sữa tươi khác
Sữa tươi là sữa từ bất kỳ động vật nào chưa được tiệt trùng để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Sữa tươi, còn được gọi là sữa chưa tiệt trùng, có thể chứa vi khuẩn như Campylobacter, E. coli, Listeria, Salmonella hoặc vi khuẩn gây bệnh lao. Để tránh mắc các bệnh từ thực phẩm này, chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa đã tiệt trùng, bao gồm cả phô mai.
Nấu chín kỹ trứng
Tránh thịt và gia cầm chưa nấu chín
Hâm nóng hoặc hấp lại thịt ở 165°F trước khi ăn kể cả khi thức ăn đã được nấu trước đó.
Không ăn bột thô
Bột nên được nướng hoặc nấu trước khi ăn do bột chưa được xử lý có thể chứa vi khuẩn như E. coli gây bệnh. Trứng sống cũng có thể chứa Salmonella.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Nguồn :
1.https://www.cdc.gov/foodsafety/people-at-risk-food-poisoning.html
2.https://www.foodsafety.gov/people-at-risk/older-adults
3.https://www.foodsafety.gov/people-at-risk/children-under-five