
Sống với suy giảm miễn dịch sau ghép tạng
Hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động chống lại mầm bệnh và các vi sinh vật lạ khác. Khi cấy ghép nội tạng, cơ thể coi bộ phận mới cấy ghép là một tác nhân lạ nên sinh ra các chất tấn công để bảo vệ cơ thể.
Thuốc ức chế miễn dịch có thể ngăn chặn tác dụng của các biện pháp phòng vệ tự nhiên này, giúp cơ thể bạn hòa hợp với cơ quan hiến tạng. Tuy nhiên thuốc khiến cơ thể trở nên nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng.
Sống với cấy ghép nghĩa là luôn giữ cân bằng giữa thải ghép và nhiễm trùng. Bạn cần uống đủ liều để tránh tăng nguy cơ nhiễm trùng và thải ghép.
Biện pháp phòng ngừa sau cấy ghép nội tạng
Ngay sau khi ghép tạng, cơ thể dễ bị tấn công, vì vậy bạn phải sử dụng liều cao thuốc ức chế miễn dịch, do đó phải đặc biệt cẩn trọng:
· Rửa tay thường xuyên đặc biệt trước khi ăn. Đây là một cách hiệu quả để giảm phơi nhiễm với mầm bệnh.
· Tránh xa những người bị ốm, tốt nhất là giữ khoảng cách với người bị cúm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm khác như sởi và thủy đậu.
· Không đến những nơi đông đúc như siêu thị và rạp chiếu phim
· Không tiếp xúc với vật nuôi vì chúng mang mầm bệnh
· Không làm vườn vì một số vi khuẩn nguy hiểm sống trong đất
· Làm sạch răng thường xuyên bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa
· Làm sạch các vết cắt và vết trầy xước, băng bó cẩn thận. Liên hệ với nhân viên y tế nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
· Các bệnh lây qua đường tình dục như vi-rút herpes có thể nguy hiểm với người vừa ghép tạng. Bao cao su không thể bảo vệ bạn hoàn toàn.
· Khuyến cáo cụ thể phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh của mỗi người. Hỏi ý kiến chuyên viên y tế về thông tin chi tiết.
Thời gian phòng ngừa sau cấy ghép nội tạng
Sau cấy ghép nội tạng khoảng 6 tháng – 1 năm, bác sĩ có thể chuyển bệnh nhân sang giai đoạn “điều trị duy trì” với giảm số lượng thuốc và giảm liều. Cơ thể lúc này có sức đề kháng nhất định, một số biện pháp phòng ngừa không còn cần thiết. Tuy nhiên bạn vẫn nên rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hoặc mới tiêm vắc-xin.
Nếu cơ thể bạn đã từng thải trừ cơ quan mới cấy ghép, bác sĩ có thể cần phải thay đổi thuốc hoặc tăng liều thuốc ức chế miễn dịch.
Bác sĩ đôi khi cũng cần phải thay đổi phác đồ do một số thuốc không thể hiện tác dụng trong thời gian điều trị. Các loại thuốc mới trên thị trường hiệu quả hơn sẽ thay thế thuốc cũ.
Sử dụng thuốc sau cấy ghép nội tạng
Sống với nội tạng cấy ghép có nghĩa là sống với thuốc, có thể là suốt đời. Phần lớn mọi người dùng từ 6 đến 12 loại thuốc khác nhau hàng ngày. Việc uống quá nhiều thuốc mỗi ngày có thể khiến bệnh nhân nản chí.
Thuốc là yếu tố quan trọng để giữ cơ thể khỏe mạnh sau hiến tạng. Dưới đây là một vài lời khuyên
Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ
Sử dụng hộp chia thuốc để chia liều và dễ theo dõi
Sử dụng đồng hồ báo thức, máy hẹn giờ để nhắc nhở uống thuốc đúng giờ
Giữ thuốc xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi
Bảo quản thuốc ở nơi khô mát
Để thuốc ở nơi dễ thấy
Nếu bạn quên uống 1 liều, không được uống gấp đôi liều trong lần kế tiếp
Kiểm soát lượng thuốc còn lại, mua bổ sung khi thuốc sắp hết
Nếu được sự đồng ý của bác sĩ, uống thuốc cùng thức ăn để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa
Đặt thời gian uống thuốc trùng với hoạt động hằng ngày như đánh răng, ăn trưa hoặc đi ngủ để dễ nhớ
Không ngừng dùng thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ điều trị
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Tham khảo:
Living With Immunosuppression After an Organ Transplant, June 30, 2019, WebMD,
https://www.webmd.com/a-to-z-guides/organ-transplants-antirejection-medicines-topic-overview#1 truy cập 18/10/2019