top of page
Search

NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỐT RÉT

  • Sốt rét là một bệnh đe dọa tính mạng do ký sinh trùng gây ra, truyền bệnh sang người qua vết cắn của muỗi cái Anophele bị nhiễm bệnh. Đây là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.

  • Năm 2017, ước tính có khoảng 219 triệu ca sốt rét ở 87 quốc gia.

  • Ước tính số ca tử vong do sốt rét đứng ở mức 435,000 trong năm 2017.

  • Khu vực Châu Phi chiếm tỷ lệ cao không cân xứng trong gánh nặng sốt rét toàn cầu. Năm 2017, khu vực này chiếm 92% trường hợp mắc sốt rét và 93% trường hợp tử vong do sốt rét.

  • Tổng kinh phí cho việc kiểm soát và loại trừ bệnh sốt rét đạt ước tính 3,1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017. Đóng góp từ chính phủ của các quốc gia có bệnh lưu hành lên tới 900 triệu đôla Mỹ, chiếm 28% tổng kinh phí.[1]

Bệnh sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Ký sinh trùng lây lan sang người qua vết cắn của muỗi cái Anophele bị nhiễm bệnh, được gọi là vật chủ trung gian hay “vector sốt rét”. Có 5 loài ký sinh trùng gây bệnh sốt rét ở người và 2 trong số đó - P. falciparum và P. vivax - là mối đe dọa lớn nhất.

Năm 2017, P. falciparum chiếm 99,7% các ca sốt rét ước tính ở các quốc gia ở khu vực Châu Phi có đại diện của WHO, cũng như phần lớn các trường hợp ở khu vực Đông Nam Á (62,8%), Đông Địa Trung Hải (69%) và Tây Thái Bình Dương (71,9%).

P. vivax là ký sinh trùng chiếm ưu thế ở Khu vực Châu Mỹ, chiếm 74,1% các trường hợp sốt rét.[1]


Muỗi Anophele

Tình hình bệnh sốt rét tại Việt Nam (Theo CDC - Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, Mỹ)

  • Tại Việt Nam sốt rét chỉ xuất hiện tại các vùng nông thôn, rất hiếm ở đồng bằng sông MeKong và sông Hồng. Không có trường hợp nào ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nha Trang và Quy Nhơn.

  • Các thuốc đã bị kháng: Chloroquine và Mefloquine.

  • Các loài gây bệnh sốt rét: P. falciparum 50-90%, P. vivax 10-50%, P. knowlesi hiếm gặp.

  • Biện pháp dự phòng bằng thuốc được khuyến cáo:

  1. Các tỉnh phía nam gồm: Đăk Lăk, Gia Lai, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Sông Bé ( bao gồm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay), Tây Ninh: Atovaquone-proguanil, doxycycline, hoặc tafenoquine.

  2. Các khu vực khác bị sốt rét trừ khu vực sông Mê Kông và sông Hồng: Atovaquone-proguanil, doxycycline, mefloquine hoặc tafenoquine.

  3. Khu vực sông Mê Kông và sông Hồng: Chỉ cần phòng tránh muỗi.[2]


TRIỆU CHỨNG


Sốt rét là một bệnh sốt cấp tính. Các triệu chứng đầu tiên là sốt, và các triệu chứng giống cúm, bao gồm: nhức đầu, run ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi - có thể nhẹ và khó nhận biết là sốt rét. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể xảy ra. Sốt rét có thể gây thiếu máu và vàng da (vàng da và mắt) do mất hồng cầu. Với người không có miễn dịch, các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng từ 10 đến 15 ngày sau khi bị muỗi đốt. Nếu không được điều trị trong vòng 24 giờ, sốt rét do P. falciparum có thể tiến triển thành nặng, thường dẫn đến tử vong.


Trẻ bị sốt rét nặng thường diễn tiến có một hoặc nhiều triệu chứng sau: thiếu máu nặng, suy hô hấp liên quan đến nhiễm toan chuyển hóa hoặc sốt rét thể não. Ở người lớn, suy đa tạng cũng thường xảy ra. Tại các vùng sốt rét lưu hành, người ta có thể có miễn dịch một phần, dẫn đến các nhiễm bệnh không triệu chứng có thể xảy ra.[1]


NHỮNG AI CÓ NGUY CƠ?


Năm 2017, gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Hầu hết các trường hợp sốt rét và tử vong xảy ra ở châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, các khu vực ở Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và Châu Mỹ cũng có nguy cơ. Trong năm 2017, 87 quốc gia và khu vực đang lan truyền bệnh sốt rét.


Một số nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao hơn đáng kể và phát triển bệnh nặng hơn những nhóm khác. Những người này bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, cũng như người di cư không có miễn dịch, và khách du lịch. Các chương trình phòng chống sốt rét quốc gia cần thực hiện các biện pháp đặc biệt để bảo vệ các nhóm dân số này khỏi bị nhiễm sốt rét và xem xét từng trường hợp cụ thể của họ.[1]


TRUYỀN BỆNH


Trong hầu hết các trường hợp, sốt rét được truyền qua vết cắn của muỗi Anophele cái. Có hơn 400 loài muỗi Anophele khác nhau; trong đó khoảng 30 loài là các vật chủ trung gian hay gây bệnh sốt rét. Tất cả các loài vật chủ trung gian hay gây bệnh này đều đốt vật chủ trong khoảng thời gian giữa hoàng hôn và bình minh. Mức độ lây truyền phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến ký sinh trùng, vật chủ trung gian, vật chủ (con người) và môi trường.


Muỗi Anophele đẻ trứng trong nước, nở thành ấu trùng, ấu trùng phát triển thành muỗi trưởng thành ra khỏi nước. Muỗi cái tìm kiếm máu để nuôi dưỡng trứng của chúng. Mỗi loài muỗi Anophele có môi trường sống thủy sinh ưa thích riêng; ví dụ, một số loài nhỏ thích vùng nước ngọt nông, như vũng nước, có rất nhiều vào mùa mưa ở các nước nhiệt đới.


Sự lây truyền mạnh hơn ở những nơi mà vòng đời của muỗi dài hơn (để ký sinh trùng có thời gian hoàn thành sự phát triển bên trong muỗi) và nơi muỗi thích đốt người hơn các động vật khác. Vòng đời dài và thói quen rất hay đốt người của các loài “vectơ” châu Phi là lý do chính tại sao khoảng 90% các ca sốt rét trên thế giới là ở châu Phi.


Sự lây truyền cũng phụ thuộc vào điều kiện khí hậu do khí hậu ảnh hưởng đến số lượng và tỷ lệ sống của muỗi, chẳng hạn lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm. Ở nhiều nơi, sự lây truyền là theo mùa, với cao điểm là trong và ngay sau mùa mưa. Dịch bệnh sốt rét có thể xảy ra khi khí hậu và các điều kiện khác đột nhiên thuận lợi cho việc lây truyền ở những khu vực mà người dân có ít hoặc không có khả năng miễn dịch với bệnh sốt rét. Dịch bệnh cũng có thể xảy ra khi những người có khả năng miễn dịch thấp di chuyển vào các khu vực có sốt rét đang lây lan cao, như để tìm việc làm hoặc tị nạn.


Khả năng miễn dịch của con người là một yếu tố quan trọng khác, đặc biệt là ở những người trưởng thành sống trong các khu vực có điều kiện lây truyền vừa hoặc mạnh. Miễn dịch một phần được phát triển qua nhiều năm phơi nhiễm, miễn dịch này không bao giờ cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn, nhưng nó sẽ làm giảm nguy cơ ký sinh trùng sốt rét gây bệnh nặng. Vì lý do này, hầu hết các trường hợp tử vong do sốt rét ở châu Phi xảy ra ở trẻ nhỏ, trong khi ở những khu vực ít lây truyền và khả năng miễn dịch thấp, tất cả các nhóm tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh[1].


PHÒNG NGỪA


Kiểm soát véc tơ gây bệnh là cách phương pháp chủ yếu để ngăn ngừa và giảm lây truyền bệnh sốt rét. Hai hình thức kiểm soát véc tơ là: màn chống muỗi đã qua xử lý thuốc (insecticide-treated net (ITN)) và phun thuốc tồn lưu trong nhà (Indoor residual spraying (IRS)) cho thấy có hiệu quả trong nhiều trường hợp. Phun thuốc trong nhà cho thấy hiệu quả trong việc giảm nhanh lây lan của sốt rét, phun thuốc bên trong nhà 1-2 lần trong năm[1].


THUỐC NGỪA SỐT RÉT


Thuốc ngừa sốt rét được sử dụng để ngăn ngừa bệnh sốt rét. Đối với khách du lịch, bệnh sốt rét có thể được ngăn ngừa thông qua dự phòng bằng thuốc, giúp ức chế “giai đoạn máu” của nhiễm bệnh sốt rét từ đó ngăn ngừa được bệnh. Đối với phụ nữ mang thai sống ở khu vực có mức độ truyền nhiễm từ trung bình đến cao, WHO khuyến cáo điều trị dự phòng gián đoạn bằng sulfadoxine-pyrimethamine, tại mỗi lần khám thai ​​sau ba tháng đầu thai kỳ. Tương tự, đối với trẻ sơ sinh sống ở các khu vực truyền nhiễm cao ở châu Phi, nên sử dụng 3 liều dự phòng gián đoạn bằng sulfadoxine-pyrimethamine, cùng với tiêm chủng định kỳ[1].


CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ


Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh sốt rét làm giảm bệnh và ngăn ngừa tử vong, đồng thời góp phần làm giảm lây truyền bệnh sốt rét. Phương pháp điều trị tốt nhất, đặc biệt đối với sốt rét do P. falciparum, là liệu pháp phối hợp dựa trên artemisinin (ACT).


WHO khuyến cáo rằng tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt rét phải được xác nhận bằng cách sử dụng xét nghiệm chẩn đoán dựa trên ký sinh trùng (quan sát dưới kính hiển vi hoặc xét nghiệm nhanh) trước khi tiến hành điều trị. Kết quả xác nhận ký sinh trùng có trong 30 phút hoặc ngắn hơn. Điều trị dựa trên các triệu chứng chỉ nên được xem xét khi không thể chẩn đoán ký sinh trùng[1].


VẮC XIN PHÒNG NGỪA SỐT RÉT


RTS,S/AS01 (RTS, S) là loại vắc-xin đầu tiên và cho đến nay là loại vắc-xin duy nhất cho thấy sự bảo vệ một phần chống lại sốt rét ở trẻ nhỏ. Vắc-xin này có hiệu quả trên P. falciparum, ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất toàn cầu và phổ biến nhất ở châu Phi. Trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, ở những trẻ nhận được 4 liều vắc-xin, cho thấy vắc-xin có hiệu quả bảo vệ 4 trong 10 trường hợp mắc sốt rét trong vòng 4 năm[1].


Sốt rét là một bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Nếu bạn đang chuẩn bị đi du lịch, hãy tìm hiểu tình hình dịch tễ và các thông tin phương pháp phòng ngừa sốt rét tại quốc gia đó thông qua trang của CDC - Viện phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, Mỹ, theo đường link sau:

https://www.cdc.gov/malaria/travelers/country_table/a.html




Biên soạn: Dược sĩ Quản Thị Thùy Linh.


Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Malaria, WHO.

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/malaria


2. Malaria Information and Prophylaxis, by Country

https://www.cdc.gov/malaria/travelers/country_table/v.html?fbclid=IwAR3FkSMS94EOETj89U_X-mKfgvFcm7Dg8ulc4ZQYzpcaGFXvy608GvewS2E

124 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page