
Một người phụ nữ sẽ có khoảng 450 kỳ kinh nguyệt trong suốt quãng đời. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều khá thú vị liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt mà có thể bạn chưa biết. Dưới đây là 5 trong số đó.
1. Bạn có thể mang thai trong kỳ kinh nguyệt
Trong chu kỳ kinh nguyệt bạn vẫn có thể mang thai vì các lí do sau đây. Thứ nhất, một số phụ nữ bị chảy máu khi rụng trứng, và nhầm lẫn rằng đã đến “ngày đèn đỏ”. Khả năng thụ thai là cao nhất khi rụng trứng. Vì vậy, nếu bạn quan hệ tình dục trong thời gian này thì khả năng mang thai sẽ cao hơn.
Thứ hai, trứng có thể rụng trước khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc hoặc trong vài ngày sau khi hết chảy máu, mà tinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể tới 3 ngày nên quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này trứng vẫn có thể được thụ tinh.
Sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp kiểm soát sinh sản khác để tránh mang thai ngoài ý muốn, bất kể thời gian nào trong tháng.
2. Chu kỳ kinh nguyệt khi uống thuốc tránh thai không phải là chu kỳ kinh nguyệt thật
Thông thường, trứng rụng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nếu trứng không được thụ tinh, nồng độ hormone sẽ giảm, khiến lớp nội mạc tử cung bong tróc và được đẩy ra ngoài.
Hầu hết các thuốc tránh thai hàng ngày bao gồm 21 viên có chứa hormon để tránh thai và 7 viên chứa giả dược, không có thành phần hormon. Mặc dù thuốc ngăn ngừa rụng trứng, nhưng không thể ngăn việc niêm mạc tử cung dầy lên. Chảy máu là phản ứng của cơ thể khi thiếu hormon trong tuần uống 7 viên thuốc giả dược.
3. Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi trong suốt cuộc đời
Khi bắt đầu có kinh nguyệt, thời gian mỗi lần hành kinh có thể kéo dài. Một chu kỳ điển hình ở một thiếu nữ có thể từ 21 đến 45 ngày. Theo thời gian, chu kỳ sẽ ngắn lại và dễ dự đoán hơn, trung bình khoảng từ 21 đến 35 ngày.
Thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh. Những năm trước khi mãn kinh cơ thể bắt đầu sản xuất ít estrogen. Khoảng cách giữa các lần hành kinh có thể ngắn hoặc dài hơn. Do đó bạn có thể bị chảy máu ít hoặc nhiều hơn. Giai đoạn này có thể kéo dài đến 10 năm trước khi mãn kinh.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ khi có các vấn đề bất thường xảy ra như chảy máu nặng hoặc bị chậm kinh.
4. Tampon và miếng lót không phải là lựa chọn duy nhất
Cốc nguyệt san là một cốc nhỏ có thể cho vừa khít âm đạo để hứng kinh nguyệt. Quần lót dùng cho những ngày đèn đỏ là quần siêu thấm, bạn có thể mặc vào những ngày ít kinh nguyệt hoặc phối hợp với tampon khi máu ra nhiều.
Miếng vải lót có thể giặt và tái sử dụng.
Những sản phẩm này giúp tiết kiệm chi phí, có thể dùng lại, tạo ra ít chất thải hơn và kéo dài thời gian sử dụng. Ví dụ, bạn cần thay tampon cứ sau 4 đến 8 giờ, nhưng với cốc nguyệt san bạn có thể sử dụng 1 lần trong 12 giờ liên tục
Mỗi sản phẩm có ưu và nhược điểm riêng. Bạn có thể tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mình.
5. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) vẫn là một bí ẩn.
Phần lớn phụ nữ mắc phải hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm các biểu hiện như uể oải, thèm ăn, đầy hơi và thay đổi tâm lý diễn ra khoảng 1 đến 2 tuần trước khi hành kinh. Hiện nay các bác sĩ vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân gây ra hội chứng này. Nguồn gốc của PMS được cho là do một loạt sự thay đổi hormon trong chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi các chất hóa học trong não và các vấn đề về cảm xúc ví dụ như trầm cảm. Các cơn đau liên quan đến kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ khó tập trung vào công việc của họ.
Cách tốt nhất để kiểm soát PMS là thay đổi lối sống bằng việc tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và không hút thuốc lá. Chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp cải thiện tình trạng của hội chứng PMS bao gồm ăn bổ sung trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế muối cũng như đường, cà phê và rượu.
Bạn hãy trao đổi với bác sĩ nếu triệu chứng của PMS ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của bạn, hoặc nếu bạn có biểu hiện trầm cảm hoặc lo lắng vì có thể bạn bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, sẽ rất nghiêm trọng nếu không can thiệp y tế kịp thời.
Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Nguyễn Phương Uyên
Tham khảo:
5 Things You May Not Know About Your Period,WebMD,February 11, 2019