top of page
Search

NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU Ở PHỤ NỮ




Nhiễm trùng đường tiết niệu (NTĐTN) rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Hơn một nửa phụ nữ sẽ bị NTĐTN ít nhất một lần trong đời. NTĐTN khá nghiêm trọng và thường gây đau đớn. Tuy nhiên phần lớn NTĐTN được điều trị dễ dàng bằng kháng sinh. [1]


NTĐTN có thể ảnh hưởng tới bất kì phần nào của đường tiết niệu như niệu quản, niệu đạo, bàng quang và thận nhưng phổ biến nhất là nhiễm trùng bàng quang. [1]


NTĐTN có nguyên nhân chính là từ vi khuẩn, hoặc hiếm khi là do nấm xâm nhập vào đường tiết niệu. Chúng sẽ sinh sôi nảy nở và gây ra viêm (sưng) và đau. Cơ thể con người có nhiều cách để chống nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu. Chẳng hạn nước tiểu thông thường chỉ chảy từ thận xuống niệu quản tới bàng quang. Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu sẽ bị tống ra ngoài khi đi tiểu. Dòng nước tiểu một chiều này giúp ngăn chặn vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu. [1][2]


Đôi khi cơ thể không thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn dẫn tới NTĐTN. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng niệu đạo hay bàng quang nếu được chữa trị ngay lập tức sẽ có thể ngăn ngừa được nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng thận có thể tiến triển khi nhiễm trùng di chuyển ngược dòng lên một hay cả hai quả thận. Nhiễm trùng thận thường rất đau đớn và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó tốt nhất là khi bị NTĐTN thì phải chữa trị sớm. [2]


NTĐTN nếu được chẩn đoán và chữa trị kịp thời thì hầu như không gây nguy hiểm. [2]




Ai dễ bị NTĐTN? [1]


Phụ nữ có thể bị NTĐTN nhiều gấp 30 lần so với đàn ông. Ngoài ra, có thể có tới 4 trên 10 phụ nữ sẽ bị tái NTĐTN trong vòng 6 tháng.


Nguyên nhân: niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ tiểu) của phụ nữ ngắn hơn của đàn ông. Điều này dẫn tới vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn. Thêm vào đó, lỗ tiểu của phụ nữ lại gần âm đạo và hậu môn, là ổ của nhiều loại vi khuẩn như Escherichia coli (E. coli) gây NTĐTN.


Có phải một số phụ nữ sẽ dễ bị NTĐTN hơn người khác? [1] [3]


Đúng. Những người sau đây sẽ có nguy cơ cao bị NTĐTN hơn người khác:

  • Có quan hệ tình dục, và đặc biệt là khi có người tình mới. Khi quan hệ, vi trùng gây NTĐTN có thể sẽ được đưa từ những nơi khác như từ âm đạo tới niệu đạo.

  • Ngừa thai bằng màng ngăn âm đạo hoặc dùng kem diệt tinh trùng kết hợp màng ngăn âm đạo hoặc bao cao su. Kem diệt tinh trùng có thể diệt luôn cả những vi khuẩn tốt bảo vệ bạn khỏi NTĐTN.

  • Đang mang thai. Các hormone thai kì có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn trong đường tiết niệu, gây nguy cơ NTĐTN. Ngoài ra, nhiều phụ nữ mang thai gặp rắc rối với việc bài tiết hoàn toàn nước tiểu khỏi bàng quang vì tử cung cùng với em bé đang phát triển bên trong nằm đè lên bàng quang trong suốt thai kì. Phần nước tiểu còn sót lại cùng vi khuẩn trong đó có thể gây ra NTĐTN.

  • Đã và đang mãn kinh. Sau mãn kinh, lượng hormone estrogen bị giảm làm mô âm đạo bị mỏng và khô. Điều này có thể làm các vi khuẩn có hại dễ dàng sinh sôi nảy nở dẫn đến NTĐTN.

  • Bị tiểu đường, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và làm tổn thương các dây thần kinh, gây khó khăn trong việc bài tiết hoàn toàn nước tiểu ra ngoài.

  • Đang bị bất kì tình trạng bệnh nào, chẳng hạn sỏi thận, mà có thể làm tắt nghẽn dòng chảy của nước tiểu giữa thận và bàng quang.

  • Đang hoặc mới vừa đặt ống thông tiểu. Ống thông tiểu là một ống nhỏ đặt xuyên từ niệu đạo vào bàng quang, giúp đưa nước tiểu ra ngoài khi bạn không thể tự đi tiểu được, chẳng hạn như khi đang phẫu thuật.

Triệu chứng của NTĐTN [1][3]


Nếu bị NTĐTN, bạn có thể có một vài hoặc tất cả các triệu chứng sau đây:

  • Đau hay nóng rát khi đi tiểu

  • Tiểu lắt nhắt, không nhiều mỗi lần đi

  • Thấy nặng vùng bụng dưới

  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc đục

  • Có máu trong nước tiểu, phổ biến ở phụ nữ trẻ. Đi khám ngay lập tức nếu có hiện tượng này.

  • Mệt mỏi, run rẩy, lú lẫn hoặc cảm thấy yếu. Những hiện tượng này phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi.

  • Bị sốt, thường có nghĩa là thận bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng thận ít phổ biến hơn nhưng lại nghiêm trọng hơn. Những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng thận bao gồm đau phần lưng dưới, sốt cao (38,3 độ C hoặc cao hơn), buồn nôn và nôn, thay đổi nhận thức, ớn lạnh hoặc toát mồ hôi về đêm.


Cách chẩn đoán NTĐTN [1]


Để chẩn đoán bạn có bị NTĐTN hay không, các bác sĩ sẽ cho thử nước tiểu. Trước tiên bạn sẽ lau vùng kín bằng giấy chùi đặc biệt, sau đó sẽ hứng lấy nước tiểu giữa dòng vào ly. Bác sĩ sẽ cho mẫu nước tiểu đi xét nghiệm tìm vi khuẩn để xem có phải bạn bị NTĐTN hay không, có thể sẽ mất vài ngày.


Nếu đã từng bị NTĐTN trước đây, bác sĩ có thể cho làm thêm một vài kiểm tra để loại trừ các nguyên nhân khác. Các kiểm tra này có thể bao gồm:

  • Cystogram: đây là một dạng chụp x quang đường tiết niệu. Kết quả có thể cho thấy được bất kì bất thường nào bao gồm sưng hoặc sỏi thận.

  • Nội soi bàng quang: bác sĩ sử dụng một ống nhỏ đặt vào niệu đạo để quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang nhằm tìm ra vấn đề.

Cách chữa NTĐTN [1]


Dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Bạn có thể sẽ cảm thấy khá hơn sau 1-2 ngày. Lưu ý uống đủ liều được kê ngay cả khi đã cảm thấy khỏe.


Nếu bị NTĐTN mà không chữa thì có sao không? [1]


Nếu được chữa trị ngay lập tức, NTĐTN hầu như không gây hại đến đường tiết niệu. Tuy nhiên nếu không chữa trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận và các bộ phận khác của cơ thể. Thuốc kháng sinh cũng có thể được dùng để chữa nhiễm trùng thận.

Đôi khi nhiễm trùng có thể lan vào máu, mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng lại cực kì nguy hiểm đến tính mạng.


Ảnh hưởng của NTĐTN đến thai kỳ [1]


Sự thay đổi lượng hormone trong suốt thai kỳ làm tăng nguy cơ NTĐTN. NTĐTN trong thai kỳ thường dễ lan tới thận.

Nếu đang mang thai và có dấu hiệu NTĐTN thì cần phải đi khám ngay. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh an toàn cho thai kỳ của bạn.

Nếu không chữa trị, NTĐTN có thể dẫn tới nhiễm trùng thận và các vấn đề trong thai kỳ bao gồm:

  • Sinh non (em bé sinh ra trước 39-40 tuần)

  • Em bé sinh ra nhẹ cân (nhẹ hơn 2,5 kg)

  • Cao huyết áp, có thể dẫn đến tiền sản giật rất nguy hiểm.

Cách ngăn ngừa NTĐTN [1]


Bạn có thể thực hiện các bước sau để giúp ngăn ngừa NTĐTN, mặc dù vẫn có nguy cơ bị NTĐTN:

  • Đi tiểu khi cần thiết. Không nên nhịn tiểu quá 3-4 tiếng. Nước tiểu ở trong bàng quang càng lâu thì vi khuẩn càng có nhiều thời gian để phát triển.

  • Cố gằng đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục

  • Luôn luôn lau từ trước ra sau

  • Cố gắng uống 6-8 ly nước mỗi ngày

  • Vệ sinh hậu môn và môi lớn của vùng kín mỗi ngày.

  • Không thụt rửa hay dùng các bình xịt vệ sinh phụ nữ.

  • Nếu bị NTĐTN nhiều lần và có dùng kem diệt tinh trùng thì nên cân nhắc sử dụng biện pháp tránh thai khác.

  • Mặc quần lót có phần đáy bằng chất liệu cotton. Tránh mặc quần chật gây giữ ẩm, và thay đồ bơi ướt và đồ tập thể dục ngay lập tức.

  • Giảm thời gian ngâm bồn nước xuống khoảng 30 phút hoặc ít hơn.

Nếu bị NTĐTN tái đi tái lại phải làm gì? [1]


Những phụ nữ bị NTĐTN 2 lần trong vòng 6 tháng hoặc 3 lần trong một năm được cho là bị NTĐTN tái phát. Bác sĩ có thể sẽ cho làm một số kiểm tra để tìm ra nguyên nhân. Nếu kết quả cho thấy bình thường, bạn có thể cần phải dùng một lượng nhỏ kháng sinh mỗi ngày để ngừa nhiễm trùng. Bác sĩ còn có thể kê kháng sinh dùng sau khi quan hệ tình dục hoặc ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng.


 

Biên soạn: DS. Lê Võ Hoàng Yến

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Infographic: Nguyễn Phương Uyên

Tài liệu tham khảo

  1. Urinary tract infection, Office of Women’s Health, April 01 2019, https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/urinary-tract-infections#10

  2. Bladder infection (Urinary tract infection) in adults, National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, March 2017, https://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/bladder-infection-uti-in-adults/all-content

  3. Urinary tract infection, CDC, April 17 2015, https://www.cdc.gov/antibiotic-use/community/for-patients/common-illnesses/uti.html

66 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page