top of page
Search

NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM



Bệnh gây ra do thực phẩm (hay còn gọi là ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng do thực phẩm) xảy ra khá phổ biến, gây tốn kém nhưng có thể phòng ngừa được. Ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn thức ăn bị nhiễm nhiều loại vi sinh vật hoặc các chất độc hại. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính mỗi năm 48 triệu người mắc bệnh do thực phẩm; 128,000 người phải nhập viện và 3,000 người tử vong. [3],[2]


Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm có thể bị nhiễm nhiều loại vi sinh vật gây bệnh khác nhau, do đó có nhiều bệnh nhiễm trùng thực phẩm khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 250 loại bệnh do thực phẩm. Trong đó hầu hết là bệnh nhiễm trùng, gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng. Năm loại vi sinh vật hàng đầu gây bệnh từ thực phẩm ở Hoa Kỳ là: Norovirus, Salmonella, Clostridium perfringens, Campylobacter, Staphylococcus (Staph). Một số vi sinh vật khác không gây ra nhiều bệnh, nhưng khi mắc phải, bệnh nhân có nguy cơ cao phải nhập viện bao gồm: Clostridium botulinum (botulism), Listeria, Escherichia coli (E. coli), Vibrio.

Các độc tố và hóa chất độc hại cũng có thể nhiễm vào thực phẩm và gây bệnh.[1]


Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, khác nhau phụ thuộc vào loại vi sinh vật bị nhiễm. Những triệu chứng phổ biển nhất là:

· Đau, co thắt dạ dày

· Buồn nôn

· Nôn

· Tiêu chảy

· Sốt

Sau khi bạn ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn, các triệu chứng biểu hiện sau khoảng vài giờ hoặc vài ngày. Hãy uống nhiều nước để bù lại nước mất do nôn và tiêu chảy. [2]


Khi nào nên đi khám bác sĩ [2]

Gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn có những triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm:

· Đi ngoài ra máu

· Sốt cao (trên 39°C đo ở miệng)

· Nôn thường xuyên (có thể dẫn đến mất nước)

· Dấu hiệu của việc mất nước như thiểu niệu hoặc vô niệu, môi và cổ họng khô, cảm thấy chóng mặt khi đứng lên.

· Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.

Một số biện pháp để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

• Sạch sẽ

Rửa tay và làm sạch các bề mặt dùng nấu ăn trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn. Vi trùng có thể tồn tại ở nhiều nơi xung quanh nhà bếp kể cả bàn tay, đồ dùng, thớt và mặt bàn.

• Tách riêng

Để riêng thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng ra khỏi thực phẩm đã nấu chín và có thể ăn liền. Sử dụng thớt riêng biệt và giữ thịt sống tránh xa các thực phẩm khác trong giỏ hàng và tủ lạnh.

• Nấu ăn

Nấu thức ăn đến nhiệt độ bên trong đủ để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Sử dụng nhiệt kế thực phẩm.

• Bảo quản

Giữ tủ lạnh dưới 4°C. Bỏ vào tủ lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 giờ sau khi nấu (hoặc trong vòng 1 giờ nếu thực phẩm tiếp xúc với nhiệt độ trên 32°C, như trong xe hơi nóng).


 

Tổng hợp và chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1.Foodborne Illnesses and Germs,CDC,2018, https://www.cdc.gov/foodsafety/foodborne-germs.html

2.Food Poisoning Symptoms,CDC,2018,

https://www.cdc.gov/foodsafety/symptoms.html

3.How to Prevent Food Poisoning,CDC,2019,

https://www.cdc.gov/foodsafety/prevention.html

4.Key Facts About Food Poisoning,CDC,2019,

https://www.cdc.gov/foodsafety/food-poisoning.html

(truy cập 9/2019)

78 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page