top of page
Search

MEN VI SINH ( PROBIOTIC, LỢI KHUẨN)


Bình thường cơ thể chúng ta có những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại.

Thành phần giữa những loại vi khuẩn này luôn được duy trì cân bằng để cho sức khỏe tối ưu.

Tuổi, di truyền và chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến thành phần vi khuẩn trong cơ thể (hệ vi sinh vật (microbiota)).

Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đặc biệt là hệ vi sinh vật đường ruột (dysbiosis) gây ra những bệnh đường ruột, bao gồm viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, bệnh celiac (Bệnh rối loạn tự miễn do cơ thể phản ứng với gluten – một protein có trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại hạt khác, bệnh gây phá hủy lông mao trên thành ruột non dẫn đến việc ruột non không hấp thu được chất dinh dưỡng từ thức ăn [4]) và bệnh Crohn (một dạng của bệnh viêm ruột [5]), cũng như những bệnh lý toàn thân (systemic disease) như béo phì, đái tháo đường type 1 và type 2. [1]


vi khuẩn có lợi, vi khuẩn có hại
Vi khuẩn có lợi, Vi khuẩn có hại

Men vi sinh là gì


Vào tháng 10/2013, Hiệp hội Khoa học Quốc tế về Probiotics và Prebiotics (ISAPP) đã tổ chức hội nghị gồm những chuyên gia về lợi khuẩn (probiotics) (với những chuyên gia về lĩnh vực tiêu hóa, nhi khoa, đa khoa, hệ vi khuẩn đường ruột, vi sinh học của lợi khuẩn, di truyền vi sinh vật, miễn dịch học và khoa học thực phẩm) để đánh giá lại khái niệm lợi khuẩn. Họ định nghĩa lợi khuẩn là “Những vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe vật chủ khi được cung cấp cho cơ thể vật chủ một lượng vừa đủ.” Họ cũng phân biệt giữa những sản phẩm chứa lợi khuẩn và những sản phẩm chứa vi sinh vật sống hoặc đang hoạt động. Sau đây là những tiêu chuẩn để phân biệt: [1]


– Tiêu chuẩn cho sản phẩm chứa vi sinh vật sống hoặc vi sinh vật hoạt động:


  • Tất cả thực phẩm có chứa vi sinh vật lên men.

  • Chứa vi khuẩn sống ở mức tối thiểu phản ánh được mức đặc trưng hay gặp ở thực phẩm lên men, được đề nghị là 1 x 109 CFU trong một khẩu phần (CFU = colony forming units-đơn vị hình thành khuẩn lạc) hay 1 x 109 vi khuẩn sống trong một khẩu phần [6]

  • Không cần có bằng chứng hoặc nghiên cứu cụ thể

– Tiêu chuẩn lợi khuẩn cho sản phẩm không khẳng định lợi ích sức khỏe:


  • Nằm trong nhóm lợi khuẩn an toàn, có đủ bằng chứng cho tác động có lợi trên người hoặc hoặc một lợi khuẩn có một đặc tính (ví dụ, một cấu trúc, hoạt động hoặc sản phẩm chuyển hóa cuối cùng) và đặc tính này có đủ bằng chứng cho tác động có lợi trên người.

  • Bằng chứng có chứa mức vi khuẩn sống phù hợp với mức được sử dụng trong những nghiên cứu bổ trợ ở người.

– Tiêu chuẩn lợi khuẩn cho sản phẩm khẳng định lợi ích sức khỏe:


  • (Những) Chủng lợi khuẩn đã được xác định.

  • Có bằng chứng khi đến thời điểm hết hạn sử dụng sản phẩm vẫn có chứa (những) chủng vi khuẩn sống (viable strain(s)) ở liều còn tác dụng.

  • Cần có bằng chứng thuyết phục về (những) chủng vi khuẩn cụ thể hoặc sự kết hợp chủng vi khuẩn trong chỉ định cụ thể về sức khỏe.

Sản phẩm lợi khuẩn được bày bán bao gồm thực phẩm (ví dụ như sữa chua), thực phẩm chức năng và những sản phẩm không sử dụng đường uống, ví dụ như kem thoa trên da.[2]


Yogurt-sản phẩm chứa lợi khuẩn thường gặp
Yogurt-sản phẩm chứa lợi khuẩn thường gặp

Phân loại men vi sinh


Rất nhiều loại vi khuẩn được xếp loại là lợi khuẩn. Chúng đều có nhiều lợi ích khác nhau, nhưng đa số thuộc 2 nhóm: [3]


-Latobacillus: Đây có lẽ là lợi khuẩn phổ biến nhất. Bạn có thể tìm thấy nó trong sữa chua và các thực phẩm lên men. Những chủng khác nhau sẽ có ích trong trường hợp bị tiêu chảy, không tiêu hóa được lactose (một loại đường có trong sữa)


-Bifidobacterium: Bạn có thể tìm thấy trong vài sản phẩm từ sữa [3]. Nghiên cứu đã cho thấy bifidobacteria có thể giúp cải thiện mỡ máu và rối loạn dung nạp glucose [1] (rối lọan dung nạp glucose(GI) được định nghĩa là loạn đường huyết ở tiền đái tháo đường và đái tháo đường [7]). Bifidobacteria cho thấy hiệu quả làm giảm bớt hội chứng ruột kích thích (IBS) và cản thiện đáng kể triệu chứng của IBS như đau bụng/khó chịu, đầy hơi, mót rặn và các rối loạn tiêu hóa. [1]


*Saccharomyces boulardii là một nấm men được tìm thấy trong lợi khuẩn, giúp giảm tiêu chảy và những rối loạn tiêu hóa.[1]


Lợi ích của men vi sinh


Lợi khuẩn bảo vệ cơ thể chúng ta bằng 2 cách. [1]


  • Thứ nhất là vai trò của lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Chúng ta biết rằng hệ tiêu hóa của chúng ta cần sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, vậy điều gì giúp giữ sự cân bằng này?. Thực phẩm kém chất lượng, stress, thiếu ngủ, sử dụng quá kháng sinh quá mức, các loại thuốc khác và tác động từ môi trường có thể làm cân bằng nghiêng về phía vi khuẩn có hại. Khi đường tiêu hóa khỏe mạnh, nó sẽ lọc và loại trừ những thứ có thể gây hại, như là vi khuẩn có hại, các độc chất, hóa chất và những chất thải khác. Sự cân bằng khỏe mạnh ở vi khuẩn (đường ruột) được hỗ trợ bởi sự điều hòa nhu động ruột (gastrointestinal motility) và duy trì chức năng của hàng rào niêm mạc ruột (gut barrier function). Vai trò của lợi khuẩn trong việc giúp cho cơ thể khỏe mạnh là:[3]Khi cơ thể bị mất đi vi khuẩn có lợi thì lợi khuẩn có thể thay thế vai trò của chúng và lợi khuẩn giúp cân bằng vi khuẩn có lợi và có hại để đảm bảo cho cơ thể hoạt động bình thường.

  • Cách thứ hai là ảnh hưởng của lợi khuẩn lên hệ thống miễn dịch. Một vài ý kiến tin rằng vai trò này là quan trọng nhất. Hệ miễn dịch bảo vệ chúng ta khỏi các tác nhân gây bệnh. Phản ứng dị ứng, rối loạn miễn dịch (ví dụ: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp) và nhiễm trùng (ví dụ: tiêu chảy nhiễm trùng, nhiễm H.pylori, nhiễm trùng da và nhiễm trùng âm đạo) là những bệnh gặp phải khi chức năng miễn dịch gặp vấn đề.

Tác dụng phụ của men vi sinh [2]


Lợi khuẩn có an toàn cho bạn hay không phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe.


Ở những người khỏe mạnh, lợi khuẩn được ghi nhận có độ an toàn cao. Tác dụng phụ, nếu có xảy ra, thường chỉ bao gồm những triệu chứng tiêu hóa nhẹ như đầy hơi.


Mặc khác, đã có những báo cáo về những tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến lợi khuẩn, ví dụ như nhiễm trùng nguy hiểm ở những người có bệnh lý tiềm ẩn.


Những người có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nhiều nhất bao gồm các bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân vừa phẫu thuật, trẻ sơ sinh bệnh nặng và những người suy giảm miễn dịch.


Thậm chí với người khỏe mạnh, vẫn có những sự không chắc chắn về sự an toàn của lợi khuẩn.


Vì nhiều nghiên cứu về lợi khuẩn chưa phân tích kỹ về tính an toàn, hiện tại chưa có đủ bằng chứng để trả lời những câu hỏi về độ an toàn. Phần lớn thông tin về độ an toàn đến từ những nghiên cứu về Lactobacillus và Bifidobacterium; những lợi khuẩn khác ít được biết đến. Thông tin về tính an toàn về lâu dài của lợi khuẩn vẫn còn hạn chế và có thể khác nhau giữa các loại lợi khuẩn. Ví dụ, mặc dù một nghiên cứu được tài trợ bởi NCCIH ( National Center for Complementary and Integrative Health) cho thấy một loại vi khuẩn trong nhóm Lactobacillus an toàn trên người khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên, nó không có nghĩa là tất cả lợi khuẩn sẽ an toàn cho những người thuộc nhóm tuổi này.


Lưu ý khi sử dụng lợi khuẩn[2]


Không thay thế các điều trị đã được chứng minh về mặt khoa học bằng các sản phẩm và cách điều trị chưa được kiểm chứng.


Không sử dụng sản phẩm bổ sung sức khỏe như lợi khuẩn như là một lý do để trì hoãn việc gặp nhân viên y tế khi có vấn đề về sức khỏe.


Nếu bạn đang cân nhắc một chế độ dinh dưỡng bổ sung lợi khuẩn, hãy trao đổi với nhân viên y tế của bạn trước, đặc biệt là khi bạn có những vấn đề sức khỏe.


Nếu bạn có thai hay (cho con bú), hoặc nếu bạn đang cân nhắc cho bé một chế độ dinh dưỡng bổ sung, ví dụ như thêm lợi khuẩn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.


 

DS. Phạm Trần Đan Thi


Nguyễn Thái Khang-SVY5- Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch


Infographic: Mai Thị Duyên –  Anh ngữ Popodoo Lai Châu


Tài liệu tham khảo:


1. What are probiotics?, medicinenet,

https://www.medicinenet.com/probiotics/article.htm#what_are_probiotics_continued (access 1/2/2019)

2. Probiotics: In Depth, National Institutes of Health, October 2016 https://nccih.nih.gov/health/probiotics/introduction.htm (access 2/1/2019)

3. What Are Probiotics?,WebMD Medical Reference, June 25, 2018

https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-are-probiotics#1s

4. What Is CeliacDisease?, WebMD Medical Reference,November 25, 2018,

https://www.webmd.com/digestive-disorders/celiac-disease/celiac-disease#1

(access 2/1/2019)

5. Inflammatory bowel disease, NHS, 25/04/2017,

https://www.nhs.uk/conditions/Inflammatory-bowel-disease/ (access 2/1/2019)

6. Probiotics, WebMD Medical Reference, July 18, 2017, https://www.webmd.com/diet/probiotics#1 (access 8/1/2019)

7. Glucose Intolerance, NCBI,October 27, 2018,  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499910/ (access 8/1/2019)

42 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page