
Hiện nay, một nguyên nhân gây tử vong trên thế giới mà chúng ta có thể phòng ngừa được nhiều nhất đó là hút thuốc lá. Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá là một lựa chọn, thích thì hút và không thích thì ngưng.
Nhưng sự thật là, ngay cả khi đã ý thức được hoàn toàn về việc thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe, hầu hết người sử dụng không bỏ được hoặc rất khó để bỏ thuốc vì chất gây nghiện nicotine có trong thuốc lá.[3]
Nicotine là hoạt chất chính trong thuốc lá có khả năng gây nghiện, các thành phần khác chứa hầu hết các chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho người hút. [3]
Nicotine trong thuốc lá tạo cho người hút cảm giác bị phụ thuộc thể chất, khi bỏ hút sẽ gây bứt rứt, khó chịu (còn gọi là triệu chứng cai thuốc, xuất hiện khi ngưng đột ngột một chất gây nghiện nào đó)[2].
Liệu pháp nicotine thay thế (NRT) là cách thường được sử dụng nhất để cai thuốc lá. NRT giúp giảm các triệu chứng cai thuốc bằng cách cung cấp cho người hút một lượng nhỏ có kiểm soát nicotine và không kèm theo các chất độc hại như trong thuốc lá. Lượng nicotine này sẽ giúp thỏa mãn việc “tìm kiếm” nicotine và giảm hút thuốc lá.[1]
Các bác sĩ và chuyên gia về sức khỏe tin rằng NRT là một trong những phương pháp hữu ích nhất giúp bỏ thuốc lá, người hút có thể sẽ gặp một vài tác dụng phụ từ nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng NRT là an toàn và hiệu quả.[1]
Phân loại
NRT có nhiều dạng và được dùng bằng nhiều cách khác nhau. Người dùng có thể chọn loại phù hợp với mình. Một vài sản phẩm có thể có hiệu quả tốt hơn những sản phẩm khác trên 1 số người[1],[4]

Miếng dán phóng thích nicotine chậm trong khi đó các dạng khác như kẹo cao su, lọ xịt mũi, ống hít, hay thuốc dạng viên đều cung cấp nhanh một lượng nicotine cho cơ thể. Mỗi dạng sản phẩm sẽ có hiệu quả và tỉ lệ hấp thụ nicotine khác nhau, đạt hiệu quả cao nhất khi người dùng kết hợp song song với liệu pháp nhận thức hành vi, tuy nhiên, thuốc vẫn có hiệu quả khi dùng riêng lẻ.[3]
Cơ chế tác động cuả nicotine
Nicotine tác động bằng cách kích hoạt thụ thể nicotine ở vùng não thất (neural nicotinic acetylcholine receptors (NAChRs)). Khi hút thuốc, nicotine trong thuốc lá sẽ kích hoạt các thụ thể ở vùng não thất, vùng não thất sẽ có các nhân não tiết ra dopamine, tạo ra những xung thần kinh khiến ta có cảm giác dễ chịu, làm giảm triệu chứng khó chịu khi thiếu nicotine.
Liệu pháp nicotine thay thế (NRT) cũng tác động theo cơ chế như trên, giảm sự thích thú của việc hút thuốc lá.
NRT không hoàn toàn loại bỏ được triệu chứng cai thuốc vì không có hệ thống vận chuyển nicotine nào có thể tái tạo được nồng độ nicotine trong động mạch nhanh và cao như khi hút thuốc.
Các NRT có sẵn, nicotine hấp thu bằng đường tĩnh mạch, do đó không đạt nồng độ cao như khi vận chuyển bằng động mạch. Chỉ mất vài giây để nicotine từ thuốc lá vận chuyển đến vùng não thất, trong khi đó NRT sẽ mất vài phút (dạng cung cấp nicotine nhanh) hoặc vài giờ (dạng miếng dán) để nicotine có thể vận chuyển đến não.[3]

Vấn đề an toàn và gây độc của nicotine
Khi sử dụng liều thấp nicotine sẽ tạo cảm giác dễ chịu theo cơ chế đã đề cập đến như trên, nhưng khi sử dụng liều cao, nicotine làm ức chế hoạt động của hệ thần kinh. Liều gây độc của nicotine dao động từ 40mg đến 60mg, liều gây chết là 500mg, nicotine sẽ phong bế và làm tắc đường thở. Nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng NRT làm đe dọa tính mạng khi sử dụng ở phân liều cho phép.
Trong thời gian mang thai, nguy cơ gặp tác dụng phụ khi dùng NRT sẽ thấp hơn khi hút thuốc. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có bằng chứng chứng minh NRT sẽ mang lại tác động tốt hay xấu cho trẻ sau sinh. NRT an toàn cho người mắc bệnh tim mạnh, tuy nhiên vẫn cần cẩn trọng với các bệnh tim mạch cấp, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, hoặc người dưới 18 tuổi.
Nghiện nicotine là một trong những yếu tố chính làm việc từ bỏ thuốc lá khó hơn bao giờ hết.
Ngày nay đã có một số thuốc chứa nicotine với nhiều dạng, liều và hương vị, được khuyến cáo sử dụng cho người hút thuốc lá không mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Việc sử dụng NRT hay không vẫn phụ thuộc vào người hút thuốc lá. Bằng chứng gần đây cho thấy các dạng của NRT (kẹo cao su, kẹo ngậm, miếng dán,….) tăng tỉ lệ cai thuốc lá thành công, từ 50% đến 70%. [3]
Biên soạn:
DS. Phạm Trần Đan Thi
Nguyễn Trọng Nghĩa-SVY4- ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM
Tài liệu tham khảo:
Learn About Nicotine Replacement Therapy, CDC, September 17, 2018, https://www.cdc.gov/tobacco/campaign/tips/quit-smoking/guide/explore-medications.html (truy cập 19/09/2018)
Nicotine Replacement Therapy for Quitting Tobacco, American Cancer Society, January 12, 2017, https://www.cancer.org/healthy/stay-away-from-tobacco/guide-quitting-smoking/nicotine-replacement-therapy.html (truy cập 19/09/2018)
L Nagesh,Umesh Wadgave, Jul 2016, Nicotine Replacement Therapy: An Overview, The National Center for Biotechnology Information, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5003586/ (truy cập 19/09/2018)
Umesh Wadgave1 and L Nagesh, Nicotine Replacement Therapy: An Overview, International Journal of Health Sciences, 2016 Jul, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5003586/ (truy cập 19/09/2018)