top of page
Search

KEM CHỐNG NẮNG VÀ TÁC DỤNG BẢO VỆ DA KHỎI TÁC ĐỘNG CỦA ÁNH SÁNG MẶT TRỜI

Updated: May 26, 2019

Kem chống nắng hiện nay là một sản phẩm không còn xa lạ gì đối với người tiêu dùng. Để kem chống nắng có thể phát huy đầy đủ tác dụng bảo vệ da, chúng ta cần sử dụng nó một cách hợp lý và đúng đắn. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin sau về cách bảo vệ da cũng như cách sử dụng kem chống nắng trong việc bảo vệ da khỏi tác động của mặt trời.


Mặt trời gây hại cho da bằng cách nào? (1)


Tia cực tím (UV) là tác nhân gây tổn thương cho da mà mắt thường không thể nhìn thấy, cháy nắng là một dạng tổn thương do tia UV gây ra. Sạm da là một dấu hiệu cho việc da phản ứng lại với tác động của tia cực tím bằng cách tạo ra thêm sắc tố để bảo vệ da khỏi cháy nắng.


Mọi màu da đều có nguy cơ bị cháy nắng và và chịu những tác động có hại khác của tia cực tím. Và bạn đặc biệt phải chú ý bảo vệ da nếu bạn:


  • Đang điều trị ung thư da.

  • Thành viên trong gia đình bị ung thư da.

Một số thuốc sẽ làm tăng sự nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời, vì vậy nếu bạn đang dùng thuốc, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thận trọng trong việc chống nắng cho da. Có đến 80% tia cực tím vẫn có thể xuyên qua mây ngay cả trong những ngày trời âm u nhiều mây vì vậy nên ở trong mát nhiều nhất có thể.


Làm thế nào để bảo vệ da khỏi tác hại của mặt trời? (1), (4)


Bạn có thể giảm nguy cơ bị ung thư da và lão hóa da sớm bởi tác động của ánh sáng mặt trời bằng những cách sau:


  • Hạn chế ra nắng đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, đây là khoảng thời gian nắng gay gắt nhất trong ngày.

  • Mặc đồ chống nắng khi ra ngoài: áo tay dài, quần, kính mát và nón rộng vành.

  • Theo FDA, chúng ta nên sử dụng các loại kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ≥ 15 (kem chống nắng phổ rộng là loại có thể bảo vệ da khỏi cả 2 loại tia tử ngoại là tia UVA và UVB). Còn theo học viện da liễu Hoa Kỳ, các bác sĩ da liễu khuyên nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ≥ 30 để có thể bảo vệ da khỏi 97% tia UVB, chỉ số SPF cao hơn sẽ giúp bảo vệ da khỏi tia UVB nhiều hơn nhưng không có kem chống nắng nào ngăn cản được 100% tia UVB. (Tìm hiểu thêm về tia tử ngoại tại đây –> TÁC HẠI VÀ LỢI ÍCH CỦA TIA TỬ NGOẠI)

Luôn luôn đọc thông tin trên nhãn kem chống nắng để sử dụng một cách đúng đắn và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.


Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ≥ 15 ngay cả khi trời mát.


Tác hại của tia tử ngoại (1)


Chúng ta nên bảo vệ da khỏi tác động của mặt trời trong tất cả các thời điểm trong năm bất kể thời tiết như thế nào vì việc tiếp xúc với mặt trời sẽ làm da bị cháy nắng, lão hóa da ( xuất hiện những đốm nâu trên da, nếp nhăn, sạm da), và nguy hiểm hơn có thể gây ung thư da- một loại ung thư phổ biến trong các loại ung thư.



Sự khác nhau giữa kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý? (4)

  • Kem chống nắng hóa học hoạt động như một vật xốp và hút nước, nó hấp thụ tia UV, chứa một hoặc nhiều các thành phần hoạt tính sau: oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene, homosalate and octinoxate. Những thành phần này có khuynh hướng dễ ăn vào da và không để lại những vết trắng .

  • Kem chống nắng vật lý hoạt động như là lớp che chắn, phủ trên bề mặt da và ngăn các tia UV. Thành phần hoạt tính gồm zinc oxide và/hoặc titanium dioxide. Lựa chọn loại kem chống nắng vật lý nếu bạn thuộc type da nhạy cảm.

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã xác nhận những thành phần trong 2 loại kem chống nắng trên đều an toàn và hiệu quả.  (Tìm hiểu về thành phần kem chống nắng tại đây –> HIỂU ĐÚNG VỀ NHÃN KEM CHỐNG NẮNG)




Lưu ý khi sử dụng kem chống nắng (1),(2),(3), (4)


  • Thoa kem chống nắng 30 phút trước khi đi ra ngoài để kem chống nắng đủ thời gian phát huy hết tác dụng.

  • Sử dụng lượng vừa đủ cho toàn bộ mặt và cơ thể (trừ mắt và miệng). Trung bình cần ít nhất 28.3 gram/ 29.5ml kem chống nắng để thoa đều cơ thể từ đầu đến chân.  

  • Chú ý những vùng hay bị bỏ sót khi bôi kem chống nắng : tai, mũi, môi, phía sau cổ, tay, đầu ngón chân, vùng trán gần chân tóc, vùng da bị hói hoặc tóc thưa

  • Cùng một điều kiện thì người da trắng sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn là người da sậm màu, vì vậy bạn phải biết da mình thuộc loại nào để sử dụng kem chống nắng cho phù hợp

  • Thoa kem chống nắng ở tất cả các vùng da không được che chắn đặc biệt là mũi, tai, cổ, tay, chân, môi (không bôi vào trong miệng và mắt)Kem chống nắng có chỉ số SPF cao có thời gian tác dụng bằng với loại có chỉ số SPF thấp hơn, vì vậy việc sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao không có nghĩa là bạn có thể ở ngoài nắng lâu hơn mà không cần phải thoa kem chống nắng lại.

  • Thoa kem chống nắng lại mỗi ít nhất 2 tiếng, và thoa lại thường xuyên hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ mồ hôi. Nếu tóc thưa, nên thoa kem chống nắng lên đỉnh đầu hoặc đội nón

  • Kem chống nắng không bảo vệ hoàn toàn khỏi tia UV, vì vậy nên kết hợp với mặc quần áo bảo vệ, kính mát và ở trong mát để có thể bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời tốt nhất.

  • Không có kem chống nắng không thấm nước. Tất cả kem chống nắng cuối cùng đều bị rửa trôi. Nếu sản phẩm còn tác dụng trong 40 phút, 80 phút khi bơi hoặc ra mồ hôi, nhãn sẽ được ghi tương ứng là  “water resistence (40 mins)”, “water resistence (80 mins)” (3)




Sử dụng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (2)


Sử dụng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Sử dụng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kem chống nắng không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh. FDA khuyến cáo trẻ sơ sinh nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và dùng quần áo để bảo vệ nếu bắt buộc phải ra ngoài nắng.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng kem chống nắngcho trẻ em dưới 6 tháng tuổi .

Với trẻ trên 6 tháng tuổi, FDA khuyến cáo sử dụng kem chống nắng theo hướng dẫn sử dụng khi trên nhãn của sản phẩm.

Lưu ý: Kem chống nắng được đóng gói dưới nhiều dạng: Chất lỏng bôi ngoài da, kem, thỏi, gel, dầu, bột nhão, dạng xịt. FDA không phê duyệt việc bán các sản phẩm kem chống nắng dưới dạng khăn giấy ướt, phấn, sữa tắm, hoặc dầu gội.


Bảo quản kem chống nắng (2)


Không để lọ kem chống nắng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc điều kiện nhiệt độ quá cao



Các tips bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời

 

DS. Phạm Trần Đan Thi


Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV Dược- ĐH Công Nghệ TPHCM


Tài liệu tham khảo:


1. Tips to Stay Safe in the Sun: From Sunscreen to Sunglasses, U.S Food and Drug Administration, 16July2018, https://www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUpdates/ucm049090.htm (truy cập 07/09/2018)

2. Sunscreen: How to Help Protect Your Skin from the Sun, U.S Food and Drug Administration, 14July2017, https://www.fda.gov/Drugs/ResourcesForYou/Consumers/BuyingUsingMedicineSafely/UnderstandingOver-the-CounterMedicines/ucm239463.htm (truy cập 07/09/2018)

3. CFR – Code of Federal Regulations Title 21, FDA, 09/04/2018,

 https://www.accessdata.fda.gov/scripts/cdrh/cfdocs/cfCFR/CFRSearch.cfm?fr=201.327  (truy cập 15/9/2018)

4. Sunscreen FAQs, the american academy of dermatology (AAD),                 https://www.aad.org/media/stats/prevention-and-care/sunscreen-faqs, (truy cập 15/09/2018)

5. Kevin P. Boyd, 2013, Why do we have to wear sunscreen?, Ted-Ed, https://www.youtube.com/watch?v=ZSJITdsTze0  (truy cập 15/09/2018)


35 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page