Insulin là một hormone được tạo ra từ tuyến tụy cho phép cơ thể sử dụng đường (glucose) từ carbohydrates trong thức ăn để lấy năng lượng hoặc dự trữ glucose. Insulin giúp giữ cho lượng đường huyết ở mức bình thường, không tăng quá cao hoặc quá thấp.
Tế bào trong cơ thể cần đường để tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, đường không thể trực tiếp vào tế bào. Sau khi ăn và lượng đường trong máu tăng, tế bào trong tuyến tụy ( được biết là tế bào beta ) được báo hiệu để giải phóng insulinvào máu. Insulin sau đó gắn vào và phát tín hiệu cho tế bào hấp thu đường từ trong máu. Insulin được mô tả như “ chìa khóa” mở khóa tế bào cho đường vào và được sử dụng để tạo năng lượng.

Nếu lượng đường trong cơ thể nhiều hơn mức cần thiết, insulin tích trữ chúng vào gan và giải phóng khi đường huyết thấp hoặc khi cơ thể cần thêm đường, chẳng hạn như giữa các bữa ăn hoặc trong quá trình tập thể dục. Vì vậy, insulin giúp cân bằng đường huyết và giữ chúng trong mức bình thường. Khi đường huyết tăng, tuyến tụy tiết ra thêm insulin.
Nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc tế bào đề kháng với tác dụng của insulin, bạn có thể bị tăng đường huyết hay còn gọi là bệnh tiểu đường, nếu đường huyết ở mức cao trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều biến chứng sau này.
Biến chứng đái tháo đường

Insulin dùng để chữa trị đái tháo đường:
Bệnh nhân đái tháo đường type 1 không thể tạo insulin vì tế bào beta trong tụy bị tổn thương hoặc bị phá hủy. Vì vậy, những bệnh nhân này cần tiêm insulin để cơ thể sử dụng glucose và ngăn ngừa biến chứng từ tăng đường huyết.
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 không đáp ứng tốt hoặc đề kháng với insulin. Họ có thể cần tiêm insulin để giúp xử lý đường tốt hơn và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể được điều trị bằng thuốc uống cùng với chế độ dinh dưỡng và tập thể dục. Vì bệnh tiểu đường type 2 là một tình trạng tiến triển, người bệnh càng lâu thì càng có nhiều khả năng cần insulin để duy trì lượng đường trong máu.
Nhiều loại insulin khác nhau được sử dụng để chữa bệnh đái tháo đường
Insulin tác dụng nhanh: bắt đầu tác dụng khoảng 15 phút sau khi tiêm, cao nhất khoảng 1 giờ và tiếp tục tác dụng 2 đến 4 giờ sau. Loại này dùng trước bữa ăn và dùng kèm với insulin tác dụng dài.
Insulin tác dụng ngắn: bắt đầu tác dụng khoảng 30 phút sau tiêm, cao nhất 2 đến 3 giờ và tiếp tục tác dụng 3 đến 6 giờ sau. . Loại này dùng trước bữa ăn và dùng kèm với insulin tác dụng dài.
Insulin tác dụng trung bình: bắt đầu tác dụng khoảng 2 đến 4 giờ sau tiêm, cao nhất khoảng 4 đến 12 giờ sau và tiếp tục tác dụng 12-18 giờ. Loại này được dùng 2 lần mỗi ngày và dùng kèm với insulin tác dụng nhanh và ngắn.
Insulin tác dụng kéo dài: bắt đầu tác dụng vài giờ sau tiêm và duy trì khoảng 24 giờ. Nếu cần thiêt, chúng được dùng kèm với insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng ngắn.
Insulin có thể được dùng bằng ống tiêm, bút tiêm, hoặc dùng một thiết bị gọi là máy bơm insulin để cung cấp dòng insulin liên tục.
Kết luận:
Insulin là hormone giúp duy trì lượng đường huyết ở mức bình thường. Nếu lượng đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cho đến ngày này thì Insulin là giải pháp hiệu quả nhất để chữa trị bệnh đái tháo đường.
Tác giả: Nguyễn Thị Hương- SV năm 4- Khoa Y ĐHQG-HCM
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Nguồn tham khảo:
What Insulin?, endocrineweb, ,07/06/18, https://www.endocrineweb.com/conditions/type-1-diabetes/what-insulin
Understanding type 1 diabetes, 2015,https://www.youtube.com/watch?v=yCecGz67t9U
The Role of Insulin in the Human Body, 2011, Mechanism in Medicine,https://www.youtube.com/watch?v=OYH1deu7-4E
Understanding Type 2 Diabetes, 2014, Animated Diabetes Patients, https://www.youtube.com/watch?v=JAjZv41iUJU