top of page
Search

HIẾN TIỂU CẦU - MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP


1. Hiến tiểu cầu là gì?

Hiến tiểu cầu khác với hiến máu toàn phần ở những điểm sau:

- Người tình nguyện chỉ có thể hiến tiểu cầu ở bệnh viện hoặc trung tâm hiến máu của Hội chữ thập đỏ thay vì địa điểm hiến máu thông thường, và yêu cầu có cuộc hẹn với nhân viên y tế trước khi hiến.

- Hiến tiểu cầu sử dụng máy để tách tiểu cầu sau đó phần máu còn lại được đưa trở lại cơ thể.

- Hiến tiểu cầu mất khoảng 3 giờ từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

- Trong quá trình hiến tiểu cầu sử dụng cả 2 tay, 1 tay để lấy tiểu cầu, tay còn lại để đưa máu trở lại cơ thể.

- Một lần hiến tiểu cầu tương đương với 5 lần hiến máu toàn phần, lượng tiểu cầu thu được có thể cung cấp cho 2 hoặc 3 bệnh nhân.

- Một người có thể hiến tiểu cầu nhiều nhất 24 lần một năm trong khi hiến máu toàn phần là 6 lần.

Quá trình hiến tiểu cầu:

- Một lượng máu nhỏ được đưa ra khỏi cánh tay và đi vào một máy được gọi là máy chiết tách tế bào

- Máu sau đó quay nhanh trong máy, tiểu cầu được tách ra khỏi những thành phần còn lại

- Tiểu cầu tách được sau đó được đưa vào túi nhựa vô trùng dùng một lần.

- Phần còn lại của máu bao gồm huyết tương, hồng cầu và bạch cầu được đưa trở lại cơ thể.

Chu trình này lặp lại nhiều lần. Một lần hiến tiểu cầu cung cấp vài đơn vị tiểu cầu có thể truyền được.


2. Tiểu cầu có thể đi đến đâu và giúp đỡ những ai?

Tiểu cầu là nhu cầu liên tục của các bệnh viện.

Sau khi hiến, tiểu cầu của bạn ngay lập tức được kiểm tra và chuẩn bị để chuyển đến bệnh viện. Trung bình, tiểu cầu được truyền trong vòng 3 ngày kể từ ngày hiến.

Tiểu cầu giúp bệnh nhân ung thư chống chọi với căn bệnh. Tác dụng phụ của việc điều trị ung thư là số lượng tiểu cầu giảm. Không được truyền tiểu cầu, bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nguy cơ chảy máu cao đe dọa đến tính mạng vì tiểu cầu giúp máu đông lại.

Tiểu cầu cũng giúp bệnh nhân phục hồi sau các cuộc phẫu thuật lớn hoặc chấn thương nghiêm trọng. Lượng tiểu cầu bị mất do chảy máu có thể được thay thế nhờ phần tiểu cầu truyền vào.

Các bệnh nhân mắc các rối loạn về máu hoặc sau ghép tạng, truyền tiểu cầu giúp họ có một cuộc sống tích cực và lành mạnh hơn.

Bởi vì tiểu cầu phải được sử dụng trong vòng năm ngày, nên người tình nguyện là cần thiết mỗi ngày.


3. Lợi ích khi hiến tiểu cầu

Biết rằng bạn đang giúp đỡ bệnh nhân ung thư có một ngày tốt khi thời gian còn lại của họ chỉ đếm bằng ngày.

Một lần hiến tiểu cầu có thể cung cấp một đơn vị đầy đủ tiểu cầu cho một bệnh nhân, đôi khi lên đến ba bệnh nhân. Nhiều bác sĩ và bệnh viện thích nó cho bệnh nhân cần truyền tiểu cầu.

Hiến tiểu sử dụng kim nhỏ hơn so với hiến máu truyền thống, giúp người tình nguyện cảm thấy thoải mái hơn.

Toàn bộ chất lỏng và hồng cầu của người tình nguyện sẽ quay trở về cơ thể sau khi hiến tiểu cầu nên họ cảm thấy ít uể oải hơn sau đó.

Nhiều người tình nguyện nói rằng hiến tiểu cầu là khoảng thời gian riêng giúp họ thư giãn sau những căng thẳng hàng ngày của cuộc sống mà vẫn cứu sống nhiều người.


4. Tính an toàn của hiến tiểu cầu

Quá trình hiến tiểu cầu rất an toàn.

Hiến tặng tiểu cầu được thực hiện trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ bởi các nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Tiểu cầu lấy được từ mỗi người tình nguyện thông qua một kim mới, vô trùng được sử dụng một lần và sau đó loại bỏ.

Mặc dù hầu hết mọi người đều cảm thấy khỏe sau khi hiến tiểu cầu, một số ít người có thể cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt, đau bụng hoặc xuất hiện vết bầm tím nơi đặt kim tiêm.


5. Hiến tiểu cầu có đau không?

Đặt kim tiêm chỉ diễn ra trong chốc lát, cảm giác như ai đó véo nhẹ vào phần thịt dưới cánh tay bạn.

Hiến tiểu sử dụng kim nhỏ hơn so với hiến máu truyền thống, giúp người tình nguyện cảm thấy thoải mái hơn.

Có chăn để giữ ấm trong trường hợp người tình nguyện cảm thấy lạnh khi chất lỏng được đưa trở lại cơ thể. Ngoài ra, một số người tình nguyện có thể cảm thấy ngứa ran nhẹ. Đây là một phản ứng với thuốc chống đông máu được sử dụng khi máu được đưa trở lại cơ thể và có thể nhanh chóng giảm bớt bằng canxi. Nếu trường hợp này xảy ra, nhân viên y tế sẽ cung cấp cho bạn chất bổ sung canxi như Tums®.


6. Khoảng thời gian giữa các lần hiến tiểu cầu

Bạn có thể hiến tiểu cầu cứ sau 7 ngày, tối đa 24 lần một năm. Nếu mỗi người tình nguyện hiến tiểu cầu ít nhất 10 lần mỗi năm thì sẽ tạo ra tác động lớn và giúp đỡ được nhiều bệnh nhân


7. Ai đủ điều kiện để hiến tiểu cầu?

Người ở độ tuổi từ 16-17 có sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu về cân nặng và chiều cao đủ điều kiện để hiến tiểu cầu.

Không dùng các sản phẩm có chứa aspirin trong ít nhất 2 ngày trước khi hiến máu. Ví dụ: nếu bạn dùng sản phẩm aspirin vào thứ Hai, thời gian sớm nhất bạn có thể hiến tiểu cầu là thứ Năm.

Điều kiện cần thiết đối với hiến tiểu cầu giống với hiến máu toàn phần. Nếu bạn đáp ứng những tiêu chí cơ bản của hiến máu toàn phần, bạn có thể hiến tiểu cầu.


8. Người nhóm máu nào nên hiến tiểu cầu

Tất cả nhóm máu, ngoại trừ O (-) và B (-) đều được khuyến khích tham gia hiến tiểu cầu. Người mang nhóm máu O (-) và B (-) vẫn có thể tham gia hiến hồng cầu để giúp đỡ bệnh nhân có nhu cầu.

Nếu bạn thuộc nhóm máu AB, bạn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn nhất bằng cách hiến huyết tương. Với số lần hiến ít hơn, khi hiến huyết tương độc lập, lượng huyết tương bạn hiến có thể gấp 3 lần lượng huyết tương thu được khi hiến máu toàn phần hoặc hiến tiểu cầu.


9. Có thể hiến huyết tương cùng lúc với hiến tiểu cầu không?

Có. Nếu bạn có nhóm máu AB và Trung tâm Hội Chữ thập đỏ địa phương hiện không thực hiện hiến huyết tương độc lập, hiến tiểu cầu là lựa chọn tốt nhất tiếp theo của bạn. Bạn có thể hiến tiểu cầu và huyết tương cùng một lúc.

Bệnh nhân, không kể đến nhóm máu đều có thể nhận huyết tương từ người tình nguyện mang nhóm máu AB.


 

Dịch: Đỗ Khánh Linh-SV ĐH Dược Hà Nội

Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi

Sub video: BS. Nguyễn Hiếu Nghĩa

Platelet Donation, American Red Cross,

https://www.redcrossblood.org/donate-blood/how-to-donate/types-of-blood-donations/platelet-donation.html

13,178 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page