Sinh lý bệnh của tình trạng mất ngủ
Mất ngủ được xem là một rối loạn của phản ứng tăng nhạy cảm quá độ xảy ra trong ngày, tính kích thích này giúp cá nhân đó tỉnh táo cao vào ban ngày nhưng lại khó có thể ngủ được vào ban đêm. Như việc chịu quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống sẽ gây mất ngủ cấp tính. Rất nhiều tính huống xảy ra thường ngày, như việc quá lo lắng/ hay phấn khích vì một sự kiện nào đó khiến cá nhân khó ngủ, khó duy trì giấc ngủ và hay tỉnh giấc rất sớm.[1]
Tuy nhiên do việc mất ngủ của ngày hôm trước gây tác hại cho ngày hôm sau. Và những căng thẳng âu lo của ngày hôm sau lại ảnh hưởng đến giấc ngủ của tối ngày hôm đó. Tác động tiêu cực của việc lo lắng cho tình trạng mất ngủ có thể làm nặng nề thêm tình trạng mất ngủ này.
Ngoài ra, ở những người mất ngủ kinh niên, họ có nồng độ cortisol tự do trong nước tiểu trong 24h ( một loại hormone được tiết ra khi cơ thể chịu stress ) và catecholamin (hormone kích thích cũng thường gặp trong các tình huống stress ) khá cao. Việc đó gợi ý tình trạng chịu stress kéo dài ở những người bị mất ngủ này. Đó có thể là nguyên nhân gây mất ngủ, cũng có thể là hậu quả của việc cơ thể bị bào mòn do tình trạng mất ngủ kéo dài
Có lời giải thích khác cho việc kích thích quá mức gây tình trạng mất ngủ. Đó là do các yếu tố sinh lý và thần kinh. Có nghiên cứu chỉ ra, đối với những người bị chứng mất ngủ thì cơ thể của họ có sự chuyển hóa trao đổi chất cao hơn so với người khác. Khả năng hoạt động và tiêu thụ năng lượng của não cũng cao hơn, kể cả trong lúc ngủ. Hay có thể hiểu đơn giản là do đặc điểm của cơ thể quá “năng động”, nên người đó khó có thể ngủ vào ban đêm.[1]
Hậu quả của việc mất ngủ
Do đặc thù kéo dài của bệnh, tình trạng mất ngủ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều lên chất lượng sống của bệnh nhân. Khả năng sinh hoạt, làm việc, giao thiệp xã hội, sức sống, sức khỏe tinh thần đều bị giảm sút.
Có những rối loạn về cảm xúc và cả sức khỏe tâm thần. Không chỉ riêng vấn đề trầm cảm, người mất ngủ còn suy giảm rất nhiều trong khả năng họat động thể chất. Dĩ nhiên lối sống và sinh hoạt với bạn bè và người thân cũng gặp khó khăn.[1]

1. Bệnh mất ngủ và các bệnh mạn tính khác [2]
Tình trạng mất ngủ từ trung bình đến nặng sẽ bào mòn cơ thể rất nhiều. Người mắc phải có thể sẽ chịu tình trạng đau nhức mà không rõ nguyên nhân cụ thể. Người mắc chứng mất ngủ trong thời gian dài sẽ có nguy cơ cao mắc các căn bệnh mạn tính sau:
Bệnh tim mạch
Tăng huyết áp
Đau mạn tính
Đồng thời họ còn gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh và hô hấp.
Một người mắc bệnh mạch vành mạn, đồng thời còn bị chứng mất ngủ, sẽ có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn người mắc bệnh mạch vành nhưng không gặp vấn đề về giấc ngủ.
Trong một nghiên chỉ ra, trong số người bị chứng mất ngủ thì có đến 40% nói họ còn gặp thêm tình trạng đau nhức mạn tính. Cũng có mối tương quan giữa việc đau mạn tính và giấc ngủ, những người bị đau thường rất khó để đi vào giấc ngủ.[2]
2.Mối quan hệ giữa mất ngủ và các rối loạn tâm thần
Mất ngủ và các rối loạn tâm thần có mối quan hệ rất mật thiết. Khoảng 40% số người bị chứng mất ngủ có kèm theo một rối loạn tâm thần nào đó, còn đối với người không bị rối loạn giấc ngủ thì con số này là 16,4% [1] . Đồng thời, trong các rối loạn trầm cảm và lo âu, thì triệu chứng phổ biến nhất chính là rối loạn giấc ngủ. Tình trạng mất ngủ thường xảy ra trước một rối loạn cảm xúc, hơn là xảy ra sau.

Một người mắc chứng mất ngủ còn có khả năng lạm dụng thuốc, nghiện rượu, và có thể có hành vi tự tử cao hơn người thường [2]
3. Ảnh hưởng của tình trạng mất ngủ lên kinh tế xã hội
Mất ngủ đầu tiên sẽ bào mòn sức khỏe của bản thân người mắc. Nhưng nó không dừng lại ở đó, tình trạng mất ngủ còn ảnh hưởng đến công việc, và rất nhiều vấn đề lớn hơn đến cộng đồng.
Với việc suy giảm khả năng nhận thức và độ tập trung, người mắc chứng mất ngủ có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 2.5 đến 4.5 lần so với người thường.[1]

Việc mất ngủ đầu tiên làm giảm khả năng làm việc, lao động và học tập của một cá nhân. Có thống kê rằng người mất ngủ trung bình một năm cần gấp đôi số ngày nghỉ việc vì lý do sức khỏe, đi làm thường muộn hơn, đấy là chưa kể đến hiệu suất làm việc kém hơn người bình thường.[2]

Việc mất ngủ còn làm hao tốn nguồn lực y tế. Với tình trạng mất ngủ kinh niên và khó trị, kèm theo các bệnh mạn tính khác, người mất ngủ cần nhiều chăm sóc y tế hơn.[2]
Người mất ngủ có khả năng gây “nguy hiểm” cho xã hội. Họ gây nhiều tai nạn hơn, như tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, việc mà không chỉ ảnh hưởng một cá nhân. Tình trạng mất ngủ khiến độ tập trung và độ tinh nhạy kém đi nhiều, và các sai phạm dễ xảy ra.[2]
Kết luận:
Tình trạng mất ngủ mạn tính có tần suất rất cao, tương đương với 30% tổng dân số chung.
Mất ngủ gây ra những tác động tai hại lên chức năng nhận thức và hoạt động của người mắc phải. Bản chất của tình trạng mất ngủ vừa có thể là triệu chứng, hay nặng hơn là một rối loạn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Không chỉ tác động lên cá nhân, căn bệnh này còn làm tăng gánh nặng cho chăm sóc y tế, gia đình và xã hội. Chính vì thế mà việc hiểu, chẩn đoán và điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ này là rất quan trọng.
Người dịch và biên soạn: Nguyễn Hiếu Nghĩa
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Infographic: Phạm Hoài Phương Lan-SV3- ĐH Công Nghệ TPHCM
1.Thomas Roth, PhD; 2007 Aug 15; Insomnia: Definition, Prevalence, Etiology, and Consequences – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1978319/?report=classic
2.Evelyn Mai, M.D. and Daniel J. Buysse, M.D.; 2009 Jan 1.; Insomnia: Prevalence, Impact, Pathogenesis, Differential Diagnosis, and Evaluation – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2504337/