Cấy ghép tạng là gì?
Là thay thế một cơ quan suy yếu bằng một cơ quan khỏe mạnh khác có thể từ chính người bệnh – Autograft, hoặc từ người hiến tặng - Allograft.
Một ví dụ điển hình về Autograft là cấy ghép da từ đùi lên mặt của một bệnh nhân bị phỏng mặt. Tương tự như Autograft, việc ghép tạng giữa các cặp song sinh (Isograft) hoặc giữa các thành viên có chung huyết thống sẽ dễ dàng hơn so với Allograft. Do sự khác nhau về kiểu gene, tỉ lệ xảy ra rủi ro cao hơn rất nhiều trong các phẫu thuật ghép nội tạng từ một người hiến tặng khác.
Các nguyên nhân nào có thể khiến bạn phải ghép tạng?
Thủ thuật ghép tạng thường được chỉ định với những bệnh nhân có suy giảm chức năng một cơ quan nào đó trong cơ thể. Việc suy giảm này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như do tai nạn, chấn thương gây hư hại tạng hoặc các bệnh lý khác như hở van tim 2 lá, suy thận độ 4, bệnh gan giai đoạn cuối (xơ gan do rượu, viêm gan siêu vi,…),….
Điều gì bạn cần phải biết trước khi tham gia một thủ thuật ghép tạng?
Vì số lượng tạng hiến tạng rất ít so với số người cần ghép tạng, cho nên đầu tiên, bác sĩ cần thực hiện các quy trình sàng lọc nghiêm ngặt trước khi quyết định thực hiện một phẫu thuật ghép tạng để đảm bảo lợi ích cho bệnh nhân. Các xét nghiệm sàng lọc ung thư và nhiễm trùng sẽ được thực hiện để tránh sự lây lan bệnh từ người cho sang người nhận.
Trường hợp người hiến mắc ung thư tại một cơ quan khác tạng hiến, bác sĩ cần phải đánh giá xem các tế bào ung thư có còn tồn tại hoặc tiên lượng khả năng di căn ung thư đến tạng ghép. Với trường hợp nhiễm trùng, người hiến tặng cần phải điều trị triệt để nhiễm trùng trước khi cho tạng và người nhận phải sử dụng kháng sinh để dự phòng nguy cơ lây nhiễm.
Tương tự vậy, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm các virus gây bệnh như virus cytomegalovirus (CMV), virus Epstein-Barr (EBV), virus viêm gan B và C, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus T lymphotropic (HTLV). Tất cả những xét nghiệm sàng lọc trên đều được thực hiện ở người nhận, đặc biệt là các xét nghiệm về mức độ trầm trọng của bệnh để tiên lượng thời gian cũng như tỉ lệ sống còn cho bệnh nhân nếu thực hiện phẫu thuật ghép tạng.

Sau khi bệnh nhân đã cân nhắc kỹ các rủi ro, bác sĩ sẽ hỗ trợ tiến hành thủ tục đăng ký cho bệnh nhân vào danh sách chờ ghép tạng. Khi xuất hiện một tạng hiến tặng, hệ thống sẽ ra soát sự tương thích giữa người hiến tạng và người nhận trên các kết quả xét nghiệm sàng lọc bao gồm máu, kích cỡ cơ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe có đủ để thực hiện phẫu thuật hay không. Cụ thể là giữa họ cần có sự tương hợp giữa nhóm máu, khoảng trống cơ thể người nhận phải đủ sức chứa tạng ghép hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ dự đoán thời gian họ có thể chờ đợi là bao lâu. Ví dụ như với trường hợp ghép gan, bác sĩ sẽ xác định điểm số MELD hoặc PELD (mô hình bệnh gan giai đoạn cuối ở người lớn hoặc trẻ em) của người nhận, điểm số càng cao thì mức độ ưu tiên càng lớn. Tuy vậy, khoảng cách giữa người nhận và người hiến tặng cũng là 1 yếu tố quan trọng hơn cả để xác định mức độ tương thích. Do thời gian di chuyển tạng ghép phải phù hợp với thời gian tồn tại bên ngoài cơ thể đối với từng loại cơ quan khác nhau. Ví dụ như một quả tim cần được cấy ghép trong vòng 4 – 6 giờ sau khi cắt ra khỏi cơ thể, hoặc 8 – 12 giờ đối với gan và dài nhất là 24 – 36 giờ đối với cơ quan thận.

Bệnh nhân ghép tạng cũng cần phải cân nhắc đến khả năng tài chính bản thân liệu có thể chi trả trong suốt quá trình đợi tạng, ghép tạng và hậu phẫu hay không? Quá trình này bao gồm tất cả các chi phí khi nằm viện, phẫu thuật, thuốc men, chi phí vận chuyển, bảo quản tạng và cả chi phí tái khám định kỳ nhiều năm sau đó.

Sau một cuộc ghép tạng thành công, người được ghép tạng còn cần phải tuân thủ một quá trình điều trị hậu phẫu nghiêm ngặt để duy trì và kéo dài tuổi thọ của tạng ghép. Quá trình này bao gồm việc tuân thủ sử dụng thuốc chống thải ghép, chế độ ăn uống – tập luyện bên cạnh sự theo dõi của các nhân viên y tế trong những năm sau đó. Vì vậy người ghép tạng nếu có tham gia bảo hiểm nên gọi cho nhân viên bảo hiểm để biết rõ được hạn mức hỗ trợ chi phí mình được nhận khi thực hiện thủ thuật đắt đỏ này. Đối với bảo hiểm y tế tại Việt Nam thì mức hỗ trợ chi phí cho 1 ca ghép tạng gần 100 triệu đồng và chi phí thuốc chống thải ghép từ 8 – 10 triệu đồng/ tháng.
Các rủi ro, biến chứng có thể xảy ra khi cấy ghép tạng?
Các ca phẫu thuật đều mang những rủi ro tiềm tang nhất định từ khâu chuẩn bị gây mê đến sau khi phẫu thuật xong. Đối với bệnh nhân ghép tạng thì nguy hiểm nhất vẫn là sự đào thải ghép của người nhận. Đây chính là phản ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng nhận biết các tác nhân lạ bằng các phân tử trên bề mặt của chúng (hay còn gọi là kháng nguyên) và phát động cuộc tấn công tiêu diệt kẻ xâm nhập đó để bảo vệ bản thân. Trong trường hợp này thì tạng được ghép chính là kẻ xâm nhập. Việc ghép tạng phức tạp hơn việc truyền máu, vì trên tế bào hồng cầu trong máu chỉ có 3 loại kháng nguyên A, B và Rh; còn ở tạng, người ta phải xét đến cả kháng nguyên bạch cầu người (HLA) hoặc phức hợp tương hợp chính (MHC) có trên mỗi bề mặt tế bào trong cơ thể. Để loại trừ nguy cơ thải ghép, trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ sàng lọc máu người nhận với các kháng thể chống lại các mô của người hiến tặng. Nếu các kháng thể này có trong cơ thể, việc cấy ghép là sẽ không được thực hiện vì cơ thể người nhận sẽ từ chối ngay lập tức tạng ghép. Các biện pháp sàng lọc được sử dụng thường là trao đổi huyết thanh và globulin miễn dịch đường tĩnh mạch (IVIG). Mặc dù đắt tiền, nhưng những phương pháp điều trị này đã được chứng minh là có hiệu quả.
Dù đã có những xét nghiệm tương hợp về kháng nguyên – kháng thể trước đó, người nhận có thể vẫn phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, điển hình như Cyclosporin và Corticoids sau khi đã được ghép tạng. Các loại thuốc này giúp làm giảm khả năng nhận biết và tấn công tạng ghép của cơ thể giúp tăng tỉ lệ thành công của thủ thuật ghép tạng. Tuy nhiên, liệu trình này kéo dài đến vài tháng, tùy theo loại tạng được cấy ghép, có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư,… và đặc biệt là nhiễm trùng nặng do tác dụng ức chế hệ miễn dịch. Khi đó, chúng ta phải giải một bài toán cân đong giữa việc giảm liều sẽ tăng nguy cơ thải ghép và nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.
Những điều cần lưu ý sau khi thực hiện ghép tạng?
Như đã đề cập ở trên, sau khi ca phẫu thuật ghép tạng thành công, bạn cần phải tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra. Các bác sĩ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn và tạng ghép liên tục trong khoảng 6 tháng đến 1 năm bằng các xét nghiệm định kỳ.
Sau khi được xuất viện, ngoài việc tái khám định kỳ, bạn nên lựa chọn một dược sĩ uy tín để có thể được tư vấn cách sử dụng thuốc cũng như theo dõi các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra.
Việc chọn một lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng đối với người ghép tạng. Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, tập thể dục thường xuyên và tránh hút thuốc để tăng cường sức khỏe cho cơ quan mới cũng như cả cơ thể. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và bác sĩ dinh dưỡng của trung tâm cấy ghép để xây dựng kế hoạch cho chế độ ăn uống lành mạnh và bài tập thể dục phù hợp sau phẫu thuật ghép tạng.
Chế độ ăn uống được khuyến cáo cho người ghép tạng thường được cân bằng với nhiều trái cây và rau quả, ăn một lượng muối tối thiểu, sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để thêm hương vị thay cho muối, uống nhiều nước (trừ khi bạn được yêu cầu hạn chế chất lỏng), cố gắng ăn thực phẩm giàu chất xơ (chẳng hạn như rau và trái cây tươi), thêm canxi vào chế độ ăn uống của bạn bằng cách ăn thực phẩm giàu canxi (chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa ít béo và rau xanh hoặc bổ sung viên uống canxi), hạn chế ăn càng ít chất béo và dầu mỡ càng tốt.
Hiện nay, ở Việt Nam đã gần 20 trung tâm cấy ghép tạng và có những chính sách khuyến khích người dân tham gia đăng ký hiến tạng, nhưng do hạn chế về mặt chi phí cao cũng như là số lượng tạng hiến ít, theo thống kê năm 2019, vẫn còn 23.000 bệnh nhân đang trong danh sách chờ ghép tạng trên cả nước. Cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, các nhà khoa học đang nghiên cứu và thử nghiệm những phát minh mới như công nghệ tế bào gốc, công nghệ tạng nhân tạo bằng kỹ thuật sao chép 3D,… với hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề về nguồn cung, chi phí và biến chứng của việc ghép tạng.
Thông tin thêm: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia Việt Nam vẫn đang rất cần những người đăng ký hiến tạng khi chết hoặc chết não. Bạn có thể đến trực tiếp hoặc gửi đơn đăng ký về 1 trong 2 trụ sở
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Địa chỉ: Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức ( Số 40 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội), làm việc trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 và nghỉ lễ theo các quy định chung.
Bệnh viện Chợ Rẫy 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Hồ Chí Minh.
Biên soạn: DS. Lê Minh Ngọc Anh
Chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Hình ảnh : Nguyễn Phương Uyên
Tài liệu tham khảo:
Terri L. Allison, Immunosuppressive Therapy in Transplantation, Nursing Clinics of North America, Volume 51, Issue 1, 2016, Pages 107-120, ISSN 0029-6465, ISBN 9780323416535
U.S. Government Information on Organ Donation and Transplantation, https://www.organdonor.gov/
Khuyến cáo của WHO về HUMAN CELL, TISSUE AND ORGAN TRANSPLANTATION (2010)
Tổ chức United Network for Organ Sharing (UNOS) (www.unos.org)
Vũ Đình Hoà, Trần Tố Loan, Nguyễn Duy Tân, Võ Thị Thanh Bình, Nguyễn Hoàng Anh, Phân tích kết quả giám sát nồng độ ciclosporin và độc tính thận trên bệnh nhân ghép tế bào gốc đồng loài tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Tạp chí Dược học.- Năm 2019, số 4, tr.3-8