
Khi chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê cho bệnh nhân. Gây mê là một thủ thuật trong điều trị nhằm ngăn người bệnh đau đớn trong khi phẫu thuật. Gây mê giúp bệnh nhân có thể trải qua các thủ thuật để có cuộc sống khỏe mạnh và dài lâu [3]. Có 3 hình thức gây mê:
Tại chỗ (Gây tê tại chỗ): làm tê một vùng nhỏ trên cơ thể. Người đó vẫn tỉnh táo và còn nhận thức.
Vùng (Gây tê vùng): chặn cơn đau tại một vùng trên cơ thể, ví dụ như tay hay chân. Một dạng gây tê vùng thông dụng là gây tê dưới màng chứng, thường áp dụng trong khi sinh nở.
Toàn bộ (Gây mê): làm mất nhận thức. Người đó sẽ không cảm thấy đau, và sẽ không nhớ gì về thủ thuật đó về sau. Các thuốc giảm đau có thể dùng đồng thời hoặc không cùng với chất gây mê.[1]
Hình thức gây mê và giảm đau được chọn dựa trên nhiều yếu tố. Bao gồm hình thức của thủ thuật và tình trạng sức khỏe của người bệnh.[1]
Gây mê
Gây mê toàn bộ hoạt động dựa trên việc can thiệp vào sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh trong não và cơ thể. Nó ngăn não của một người xử lý tín hiệu của cơn đau và khiến họ không nhớ gì sau cuộc phẫu thuật.[2]
Bác sĩ sẽ chỉ định gây mê toàn bộ nếu thủ thuật : kéo dài nhiều giờ, ảnh hướng đến hô hấp, phẫu thuật trên một vùng lớn của cơ thể, liên quan đến các cơ quan trọng yếu ( như tim hay não ), hay có thể khiến cơ thể mất nhiều máu.[2]
Bác sĩ sẽ đưa chất gây mê trực tiếp vào dòng máu ( truyền tĩnh mạch ) hoặc dưới dạng khí gây mê. Gây mê toàn bộ theo đường tĩnh mạch sẽ có hiệu lực nhanh và đào thải khỏi cơ thể cũng nhanh. Việc đó giúp người bệnh có thể xuất viện sớm sau phẫu thuật. Dạng khí gây mê sẽ mất hiệu lực lâu hơn.[3]
Một khi người bệnh đã mê, bác sĩ sẽ luồng một ống qua miệng xuống khí quản của người bệnh. Ống này sẽ đảm bảo cho người bệnh có đủ dưỡng khí trong cuộc phẫu thuật. Trước tiên bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc giúp giãn các cơ vùng họng. Người bệnh sẽ không cảm thấy gì khi ống được đặt. Trong cuộc phẫu thuật, các thủ thuật viên gây mê sẽ kiểm tra các chức năng khác của cơ thể: hô hấp, nhịp tim, nhiệt độ, nồng độ oxy máu, lượng dịch. Đội ngũ gây mê sẽ dựa vào các chỉ số đó để điều chỉnh liều thuốc hoặc truyền thêm dịch hoặc máu nếu cần. Họ cũng giúp đảm bảo người bệnh trong tình trạng mê và vô cảm (không có cảm giác) trong suốt quá trình phẫu thuật.[1]
Các nguy cơ và tác dụng phụ:[2]
Người bệnh sẽ có cảm giác lảo đảo khi tỉnh lại sau gây mê. Các tác dụng phụ khác thường thấy: buồn nôn và nôn, khô miệng, đau họng, khàn giọng, buồn ngủ, ớn lạnh, đau cơ, ngứa, cảm giác mơ hồ - đặc biệt hay gặp trong các bệnh nhân lớn tuổi. Hiếm có trường hợp một người bị rối loạn kéo dài vài ngày sau phẫu thuật. Đây gọi là tình trạng mê sảng. Thông thường tình trạng này sẽ hết sau một tuần.

Gây tê tại chỗ:[4]
Gây tê tại chỗ sẽ ngăn các sợi thần kinh tại nơi đó của cơ thể truyền tín hiệu lên não. Người đó sẽ không cảm thấy bất cứ cơn đau nào khi được gây tê tại chỗ, tuy vậy bệnh nhân vẫn cảm nhận được phàn nào áp lực hay chuyển động. Thông thường chỉ cần vài phút sau khi gây tê tại chỗ là vị trí đó sẽ không còn cảm giác. Toàn bộ cảm giác sẽ trở lại bình thường sau khi thuốc gây tê mất dần hiệu lực sau vài giờ.
Cách thực hiện gây tê tại chỗ:[4]
Gây tê tại chỗ thường được thực hiện bởi nha sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên gây mê, bác sĩ đa khoa và một số bác sĩ khoa khác. Một số thuốc có chứa một lượng chất gây tê tại chỗ nhẹ có trong chỉ định của bác sĩ hoặc được bán tại các nhà thuốc. Tùy mục đích sử dụng, chất gây tê tại chỗ sẽ có dạng bào chế khác nhau như: thuốc tiêm, kem bôi, thuốc xịt, thuốc mỡ.
Điều trị giảm đau:
Chỉ định trong các cơn đau nhẹ, như các vết loét miệng hay cơn đau họng, thường có thể điều trị bằng các thuốc bôi hoặc thuốc xịt chứa chất gây tê có bán tại quầy thuốc.
Loại thuốc tiêm hoặc thuốc chứa steroid dùng trong các triệu chứng đau nặng hơn, chẳng hạn như đau khớp lâu năm.
Làm mất cảm giác đau trong khi phẫu thuật và sau phẫu thuật:
Gây tê tại chỗ, có thể được dùng với các thuốc giảm đau khác để giúp người bệnh thư giãn khi cuộc phẫu thuật hay một thủ thuật nào đó đang được thực hiện.
Gây tê tại chỗ được dùng chủ yếu trong các thủ thuật nhỏ, chẳng hạn như trám răng hoặc nhổ răng khôn; các thủ thuật nhỏ trên da, như việc loại bỏ mụn ruồi, mụn cơm, mụn cóc; vài thủ thuật nhãn khoa, như phẫu thuật cườm mắt; các thủ thuật sinh thiết ( sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô sống để nghiên cứu kỹ hơn dưới kính hiển vi).
Gây tê tại chỗ thỉnh thoảng được dùng trong các phẫu thuật lớn mà yêu cầu người bệnh phải tỉnh, chẳng hạn như trong một số phẫu thuật não; hoặc để ngăn cơn đau xảy ra sau khi thực hiện một cuộc phẫu thuật lớn có dùng gây mê toàn bộ.

Gây tê vùng:[3]
Gây tê tại chỗ chỉ tại động lên một vị trí nhỏ của cơ thể, gây tê tại vùng có diện tích tác động lớn hơn, chẳng hạn như một tay, một chân, hoặc toàn bộ thân dưới từ vùng hông trở xuống.
Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống:[4]
Gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật truyền liên tục chất gây tê qua một ống vào vùng lưng dưới - được gọi là vùng ngoài màng cứng.
Gây tê tủy sống là thủ thuật truyền chất gây tê vào cùng một vùng ở lưng với một liều duy nhất.
Cả 2 thủ thuật trên đều được dùng để gây tê một vùng lớn của cơ thể bằng cách chặn đường truyền tín hiệu đau dọc đường thần kinh cột sống.
Thường được dùng trong quá trình sinh nở để giảm cơn đau chuyển dạ, hoặc dùng trong thủ thuật mổ lấy thai.
Có thể được dùng nhằm mục đích giảm lượng thuốc gây mê trong một số cuộc phẫu thuật và giúp giảm đau sau đó.
Trong một số loại phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật thay khớp đầu gối và khớp háng, gây tê tại vùng có thể dùng thay thế cho gây mê toàn bộ.

Thuốc chẹn thần kinh ngoại vi [4]
Thuốc chẹn thần kinh là một loại thuốc gây tê tại vùng dạng tiêm, dùng để gây tê các sợi thần kinh dẫn truyền cho một bộ phận cơ thể, như bàn tay, cánh tay hoặc chân.
Có thể được dùng nhằm giúp cuộc phẫu thuật diễn ra mà không cần đến việc gây mê toàn bộ, hoặc nhằm để chặn cơn đau xảy ra sau đó.
Sợi thần kinh thường được định vị bằng sóng siêu âm.
Việc tiêm thuốc thường không đau và cần khoảng 30 phút để đạt hiểu quả toàn bộ.
Khi dùng thuốc chẹn thần kinh ngoại biên và thuốc gây tê ngoài màng cứng hay gây tê tủy sống để thay thế cho việc gây mê, các thủ thuật đó có thể dùng kết hợp với các thuốc giảm đau nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ và thoải mái hơn.
Các nguy cơ và tác dụng phụ:
Gây tê tại vùng thường rất là an toàn, rất hiếm khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra.
Người bệnh có thể:
Cảm giác khó chịu khi tiêm thuốc.
Cảm giác tê rần khi thuốc tan dần.
Có thể có vài vết trầy xước nhẹ, chảy máu hoặc nhức nhối khi thuốc được tiêm.
Biên soạn & chỉnh sửa: DS. Phạm Trần Đan Thi
Dịch: Nguyễn Hiếu Nghĩa -SV- Đại học Y Dược TPHCM Infographic: Mai Thị Duyên - Anh ngữ Popodoo Lai Châu
Tài liệu tham khảo:
1.Anesthesia, Medlineplus, 23 March 2016, https://medlineplus.gov/anesthesia.html (truy cập 11/02/2019)
2.What Is General Anesthesia?,WebMd,December 28, 2018, https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-general-anesthesia#1 (truy cập 11/02/2019)
3.Anesthesia, National Institute of General Medical Sciences, September 2017,
https://www.nigms.nih.gov/Education/pages/factsheet_Anesthesia.aspx (truy cập 11/02/2019)
4.Local anaesthesia, NHS, 23/07/2018, https://www.nhs.uk/conditions/local-anaesthesia/# (truy cập 11/02/2019)